Thursday, November 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐiều ngược đời khiến Mỹ tự dưng có fan hâm mộ, và...

Điều ngược đời khiến Mỹ tự dưng có fan hâm mộ, và fan bự nhất lại là… TQ

Quả là chuyện “dở khóc dở cười” đối với một “ông lớn” quốc phòng như Mỹ.

Ảnh biếm họa. Nguồn: Newindianexpress

Sau một chuỗi trục trặc trong quá trình mua sắm trang thiết bị gần đây của quân đội Mỹ, người phụ trách phát triển các loại vũ khí thế hệ mới hàng đầu của Mỹ đã châm chọc rằng “Trung Quốc rất yêu thích hệ thống mua sắm trang bị của chúng ta. Họ có khi là fan bự nhất ấy”.

Phát biểu tại Hội nghị Các chương trình Quốc phòng McAleese/Credit Suisse hôm 6/3, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Nghiên cứu & Kỹ thuật Michael Griffin đã chỉ ra mức độ chậm chạp của Mỹ trong tiến trình mua sắm và phát triển quân sự.

Cụ thể, Mỹ mất tới 16 năm rưỡi để hoàn tất quá trình từ lúc yêu cầu được thông qua, cho tới khi hệ thống mới đạt khả năng hoạt động đầu tiên (IOC). Trong khi đó, Trung Quốc chỉ mất 2-3 năm.

Trước đây, chính phủ Mỹ tiến hành việc này khá nhanh, như công tác phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên chỉ mất chưa đầy 4 năm. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, các quan chức phụ trách mua sắm và một số bộ phận trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ lại quá sợ rủi ro.

Theo ông Griffin, Mỹ cần phải thay đổi 2 điều: một là có quá nhiều bước rà soát, đánh giá; và hai là tập trung quá nhiều vào công tác nghiên cứu các phân tích về phương án thay thế (AoA).

“Chúng ta nên giảm bớt các bước rà soát, đánh giá và nên tiến hành các bước này nhanh hơn. Chúng ta nên xúc tiến ‘quá trình đưa ra quyết định’ từ trên xuống”, ông Griffin nói, “Chẳng có ích lợi gì khi mất tới hàng tháng hoặc hàng năm trời cho công tác AoA mà không thu được kết quả nào”.

Các quy trình, thủ tục và quy tắc ‘bất di bất dịch’ trước đây cần phải nhường chỗ cho những ưu tiên cấp thiết nhất như: Phát triển vũ khí siêu vượt âm, đặt mục tiêu tập trung toàn lực để bắt kịp với Trung Quốc và Nga.

Lý giải tại sao Trung Quốc “yêu thích” quy trình mua sắm vũ khí của Mỹ, các nhà phân tích cho rằng, bất chấp hiệp định “không tấn công mạng” được Washington – Bắc Kinh ký kết năm 2015, Trung Quốc vẫn tiếp tục đánh cắp thông tin nhạy cảm từ các chương trình quốc phòng Mỹ.

“Bắc Kinh rất giỏi đột nhập vào hệ thống máy tính của các nhà thầu quốc phòng Mỹ thông qua nhiều phương thức tấn công mạng và đánh cắp thiết kế một số loại vũ khí tốt nhất của Washington” – ông Harry Kazianis, Giám đốc các nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia nói với hãng tin CNBC vào tháng 11 năm ngoái.

Do tin tặc Trung Quốc đã trở nên tinh thông trong việc che giấu hoạt động nên ông Kazianis cho rằng đây là một vấn đề rất lớn đối với Mỹ.

Năm 2014, tòa án Mỹ đã kết tội một công dân Trung Quốc ăn cắp thông tin bí mật về mẫu máy bay vận tải C-17 của Boeing, cũng như mẫu F-22 và F-35 của Lockheed Martin.

Các nhà bình luận Mỹ, trong đó có ông Kazianis, đều cho rằng tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc được sao chép từ thiết kế máy bay chiến đấu tàng hình Mỹ.

Với tư cách là quan chức phụ trách nghiên cứu & kỹ thuật hàng đầu của Lầu Năm Góc, Griffin cho biết ông muốn tập trung vào vũ khí siêu vượt âm nhiều hơn bất cứ chương trình nào khác.

“Mỹ vẫn chưa làm được tất cả những gì chúng ta cần làm để đáp trả mối đe dọa từ tên lửa siêu vượt âm” – ông Griffin nói.

Chỉ tính riêng trong thập kỷ qua, theo ông Griffin, Bắc Kinh đã tiến hành nhiều hơn Mỹ ít nhất 20 vụ thử nghiệm siêu vượt âm.

Trong những tuần gần đây, Tướng Không quân Mỹ Paul Selva cũng đã đề tới mối lo ngại này và nhấn mạnh rằng Mỹ đang mất đi lợi thế kỹ thuật – công nghệ của mình trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm.

“Trung Quốc đã bước chân lên con đường trở thành đối thủ chính yếu của chúng ta… Họ không hề khua chiêng gõ mõ mà tiến hành điều đó một cách âm thầm” – ông Griffin nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới