Thủ tướng Trung Quốc đã gửi tín hiệu tới nhân dân Nga rằng: Sự ổn định của “quan hệ đối tác toàn diện” Nga – Trung có lợi cho cả đôi bên và cho cả thế giới. Thực tế thì sao?
Ảnh: Reuters
Trả lời phóng viên Trung Quốc trong cuộc họp báo chớp nhoáng tại trụ sở Chiến dịch tranh cử ngay sau biết tin thắng cử đêm 18/3, Tổng thống Putin đã đánh giá cao quan hệ Nga-Trung và thể hiện sự coi trọng của Nga đối với việc phát triển quan hệ song phương giữa hai nước.
Tuyên bố của Trung Quốc chỉ đơn thuần là mỹ từ
Cũng trong ngày 18/3, ông Lý Khắc Cường được bầu lại làm Thủ tướng Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại kỳ họp Quốc hội, ông này cũng nói về lợi ích to lớn của việc phát triển quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Nga.
Trong bài phân tích “Vì sao Trung Quốc không hứng thú với Nga” đăng trên tờ Topcor.ru, nhà báo, Phó Tiến sĩ kinh tế Aleksey Mikhailov đã đánh giá đó đơn thuần chỉ là các mỹ từ. Vậy, trên thực tế thì sao?
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Trung Quốc cũng gửi tín hiệu tới nhân dân Nga, rằng sự ổn định của “quan hệ đối tác toàn diện” giữa Nga và Trung Quốc có lợi cho cả đôi bên và cho cả thế giới.
Tuy nhiên, ngay sau đó ông Lý đã đưa ra con số trao đổi thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc, hiện nay là 80 tỉ USD, trong tương lai sẽ tăng lên 100 tỉ USD, và chỉ có thế.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đã vượt Nga quá xa. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, tính cả sức mua tương đương năm 2017, là khoảng 22 nghìn tỉ USD, và con số đó của Nga – chỉ khoảng 4 nghìn tỉ USD. “Có nghĩa là chúng ta [nước Nga] là những đối tác không tương xứng ngay từ đầu” – nhà báo Mikhailov nhận xét.
Ông này viết tiếp: “Chúng ta bán khí đốt và dầu cho Trung Quốc. Ngoài ra còn có gỗ và kim loại màu. Tức là, chúng ta bán nguyên liệu. Còn Trung Quốc xuất sang chúng ta các sản phẩm hoàn chỉnh: máy móc, thiết bị, quần áo, giày dép… Và các sản phẩm gia công thì luôn có lợi nhuận cao hơn.
Đối với Nga, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất, vượt qua Đức, Hà Lan. Nhưng nước Nga đang ở vị trí thứ 10 trong danh sách các đối tác thương mại của Trung Quốc.
Sản phẩm của Nga trong tổng khối lượng ngoại thương của Trung Quốc chỉ là 2%. Thương mại song phương 80 tỉ USD của Trung Quốc với Nga không thể so sánh được với thương mại song phương của nước này với Liên minh Châu Âu (500 tỉ USD), Mỹ (470 tỉ USD), Nhật Bản (300 tỉ USD) và Hàn Quốc (200 tỉ USD)”.
Trung Quốc rất miễn cưỡng trong chuyện đầu tư vào Nga
Nhà báo Mikhailov cũng nhắc đến hợp đồng mua khí đốt trị giá 400 tỉ USD mà Trung Quốc đã kí kết với Nga từ năm 2014 với việc xây dựng đường ống “Sức mạnh Siberia”. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn chưa đâu vào đâu. Cũng theo ông Mikhailov, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có lần nói rằng cần điều chỉnh con số này này xuống còn 100 tỉ USD.
Giới kinh doanh của Trung Quốc hiện vẫn rất miễn cưỡng đầu tư vào Nga, trong khi đó lại chủ động mua các nhà máy và công xưởng ở châu Âu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi tình hữu nghị với Nga, nhưng sau những tuyên bố đó lại không có bất cứ động thái nào khác.
“Dân số Trung Quốc là 1,35 tỉ người, tức gần gấp 10 lần so với Nga. Những người Trung Quốc này là những khách hàng tiềm năng của nước Nga.
Hơn nữa, ở Trung Quốc có tâm lý chuộng hàng ngoại. Tuy vậy, chúng ta [nước Nga] không cung cấp cho họ bất cứ thứ gì đáng giá, ngoại trừ… kem. Ai đã từng đến Trung Quốc thì biết, rất khó có thể tìm thấy hàng hóa Nga trong các cửa hàng. Nhưng hàng hoá của Mỹ thì ê hề: Từ giày dép, điện thoại, quán cà phê cho đến xe ô tô”, ông Mikhailov nhận định.
Nhà báo Mikhailov kết luận:
“Trung Quốc sẽ không làm bất cứ điều gì cho người hàng xóm phía Bắc của mình, cho đến khi họ nhìn thấy lợi ích nào đó cho bản thân. Đó là thực tế hiện nay”.