Người phát ngôn quân đội Trung Quốc ngày 9/2 xác nhận: Tiêm kích tàng hình J-20 do nước này chế tạo, đã được điều động đến các đơn vị chiến đấu của không quân.
Mẫu J-20 mới nhất (dưới) đã có nhiều thay đổi cơ bản so với mẫu ban thử lần đầu.
Cùng với biên chế J-20 về các đơn vị chiến đấu, vậy quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng đội hình chiến thuật nào cho máy bay tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của họ?
J-20 vẫn sử dụng đơn vị chiến thuật cơ bản 2 chiếc
Chiến thuật sử dụng 2 chiếc máy bay trong một phi đội chiến đấu là chiến thuật tác chiến chủ yếu trên không của máy bay thế hệ thứ 3 và thứ 4.
Thông thường máy bay số 1 bay trước, máy bay số 2 bay sau; nhiệm vụ của máy bay số 1 là dẫn bay, chỉ huy; đồng thời phụ trách cảnh giới cơ động phía trước, máy bay số 2 thực hiện cơ động, phòng thủ vùng mù radar phía sau trong cự ly nhất định, lệch sang trái hoặc lệch sang phải sau máy bay số 1.
Có quan điểm cho rằng, tính năng của máy bay tàng hình vượt trội, số lượng chế tạo lại ít, so với máy bay thế hệ thứ 3, 4 thì đơn vị chiến thuật cơ bản của nó chỉ cần 1 chiếc, chứ không cần tới 2 chiếc như các loại máy bay thông thường trước đây. Lý do đó là sức mạnh chiến đấu của 1 chiếc máy bay tàng hình thực sự ngang bằng vài chiếc máy bay thế hệ thứ 3, 4.
Nhưng từ tính năng của máy bay chiến đấu tàng hình chúng ta có thể đưa ra một kết luận khác như sau: thứ nhất tính năng tàng hình làm giảm khả năng phát hiện của đối phương; thứ hai: radar của máy bay thế hệ 5 cũng không thể phát hiện được đối phương xa hơn so với máy bay thế hệ 4. Nên ưu thế “ngụy trang giấu mình” và “săn tìm kẻ địch” cũng chỉ là tương đối.
Từ những tính năng đã được tiết lộ thì khả năng máy bay tàng hình J-20 vẫn sử dụng phi đội 2 máy bay truyền thống làm đơn vị chiến thuật cơ bản là tương đối cao.
Dự đoán một số chiến thuật J-20 sẽ sử dụng trong chiến đấu
Khi tác chiến ngoài tầm nhìn
Khi có máy bay cảnh báo sớm hỗ trợ: J-20 không cần bật radar cũng có thể phát hiện máy bay địch (nếu đối phương sử dụng máy bay chiến đấu không có khả năng tàng hình).
Lúc này, biện pháp đơn giản nhất của phi đội máy bay J-20 là duy trì hướng bay, phân công mục tiêu cho máy bay số 1 và máy bay số 2, tính toán xác suất bắn trúng của tên lửa và phân phối số lượng vũ khí, sau đó tiến vào tiếp cận đường bay của địch, đến khi đưa đối phương vào trong phạm vi tấn công hiệu quả của vũ khí.
Cự ly này thông thường bằng 1/3 tầm bắn lớn nhất của vũ khí, khoảng từ 40~50 km.
Sau khi J-20 tiến vào tiếp cận đường bay của đối phương sẽ phải liên tục chú ý theo dõi mối đe dọa đến từ phía sau hoặc bên sườn, dựa theo tình hình mà máy bay cảnh báo sớm cung cấp, tránh bộc lộ dấu hiệu tàng hình.
Đồng thời chúng phải sử dụng năng lực tàng hình mạnh nhất vào hướng chính của mục tiêu, sử dụng tốc độ thấp ở tầm thấp để xâm nhập hay sử dụng tốc độ cao ở tầm cao để truy kích, sẽ được quyết định liệu có thể truy đuổi được mục tiêu trong thời gian xác định trước hay không.
Điều cần chú ý là, J-20 không biết đối phương liệu đã phát hiện ra mình và có bố trí sẵn một cái bẫy hay không, do vậy, trong quá trình tiếp cận địch, máy bay số 2 rất có thể sẽ phải định giờ bật radar để thu thập thông tin theo thời gian thực, bảo đảm xung quanh không có máy bay đối phương.
Điều cần chú ý khác là, khi máy bay số 2 mở radar có thể để bộc lộ tín hiệu điện từ. Do đó, lúc này máy bay số 2 cần duy trì cự ly tương đối xa máy bay số 1, để tránh việc mở máy radar trên máy bay số 2 bị máy bay đối phương phát hiện, khiến cho máy bay đối phương khi tìm kiếm mục tiêu theo hướng này sẽ phát hiện cả máy bay số 1.
Đột nhập vào khu vực có mối đe dọa cao của đối phương, bất luận là máy bay tàng hình hay máy bay không có khả năng tàng hình thì cũng đều rơi vào trạng thái nguy hiểm, đặc biệt khi tên lửa của J-20 phóng đi, cự ly cách máy bay địch chỉ từ 40~50 km.
Nếu tiếp tục lao về phía trước thì bắt buộc phải bước vào trạng thái chiến đấu với máy bay đối phương chỉ trong tích tắc, thời gian chưa đến 1 phút. Nếu để J-20 đối đầu với máy bay thế hệ thứ 3, 4 thì J-20 sẽ “nếm đủ” ưu thế vượt trội về số lượng của đối phương.
Do vậy, giữ cự ly với máy bay đối phương là vấn đề rất quan trọng. Sau khi thực hiện tấn công, theo mệnh lệnh hoặc theo tình hình thực tế, J-20 hoặc tiến vào tầm bắn mục tiêu tiếp theo, hoặc quay trở về. Nhưng bất luận như thế nào chăng nữa, vấn đề đặt ra là quá trình tái ổn định trạng thái, quá trình này luôn đi kèm với việc chuyển hướng giảm tốc độ và rút lui.
Khi không có sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm:
Thứ nhất, 2 máy bay đều không bật radar, chỉ dựa vào thiết bị tác chiến điện tử thụ động để phát hiện vị trí hoạt động của máy bay đối phương.
Nhưng phương pháp định vị này có độ chính xác không cao, tốc độ chậm, thông thường chỉ sử dụng để xác định hướng và cự ly sơ bộ, đợi đến khi J-20 xác định vào khu vực vùng chiến lúc, này J-20 mới bật radar để tiến hành phát hiện chính xác mục tiêu.
Chiếc J-20 bật radar thông thường là máy bay số 2, bởi vì máy bay số 2 thường bay phía sau. Sau khi phát hiện mục tiêu, máy bay số 1 và số 2 thông qua dữ liệu đường truyền nên số 1 thể nhanh chóng biết được mục tiêu. Máy bay số 1 tuy cách mục tiêu với khoảng cách gần, nhưng không bộc lộ vị trí của mình, có thể nhanh chóng phát động tấn công.
Thứ hai, chỉ một chiếc J-20 bật radar, vì không có máy bay cảnh báo sớm hỗ trợ máy bay tàng hình nên J-20 khó có thể phát hiện được mục tiêu; do vậy J-20 sẽ sử dụng chiến thuật nhử máy bay đối phương bay đến trước. Đặc biệt khi máy bay đối phương là máy bay tàng hình hoặc J-20 khó phát hiện máy bay chiến đấu của đối phương thì cần phải sử dụng đến chiến thuật này.
Khi đó một chiếc J-20 không bật radar, lợi dụng tính năng tàng hình sẽ “phục kích”, còn chiếc J-20 thứ 2 sẽ bật radar để “nhử địch”, đợi máy bay đối phương bay vào, chiếc số 1 sẽ thực hành phục kích.
Khi sử dụng chiến thuật này, chiếc J-20 số 2 phải bật radar liên tục để “câu nhử” đối phương; đồng thời tuần tra, cảnh giới, phát hiện đối phương để thông báo cho chiếc số 1 đang làm nhiệm vụ “phục kích”.
Ba là, cả 2 máy bay đều bật radar: Chiến thuật này thông thường nhằm mở rộng tối đa phạm vi thăm dò trinh sát, tránh để lọt mục tiêu, nhưng radar của 2 máy bay phải sử dụng kỹ thuật kiểm soát công suất hoặc mở máy thay phiên nhau để đề phòng bị tình báo điện tử hoặc thiết bị tác chiến điện tử của đối phương phát hiện.
J-20 chiến đấu trong tầm nhìn
Trong tình huống tác chiến trong tầm nhìn, đối thủ là máy bay chiến đấu tàng hình hay không tàng hình thì cũng không có sự khác biệt quá lớn, đặc biệt khi đối diện với máy bay của không quân Mỹ, tính năng chiến đấu và chiến thuật của máy bay thế hệ thứ 4 và thứ 5 dường như ngang nhau, thắng bại chủ yếu được quyết định bởi sự thể hiện của chiến thuật bay, kỹ năng chiến đấu của phi công mà thôi.
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia Nga, hiện nay Trung Quốc mặc dù sở hữu nhiều máy bay hiện đại, nhưng Trung Quốc chưa có nhiều phi công đạt đẳng cấp quốc tế như Mỹ và Nga.
Khi J-20 đối đầu F-22, F-35
Xem xét tới khả năng cơ động chớp nhoáng tốt của F-22, và khả năng cơ động liên tục mạnh của J-20; khi J-20 đối đầu với F-22 có thể diễn ra kịch bản như sau:
Trong chiến đấu, máy bay số 1 (J-20) đảm nhiệm đấu đầu trực diện với F-22, khiến F-22 phải liên tục cơ động và tiêu hao năng lượng, đồng thời J-20 sẽ sử dụng hệ thống gây nhiễu và khả cơ động của mình tránh F-22 tấn công.
Đồng thời, máy bay số 2 cơ động uy hiếp F-22 từ bên sườn, làm cho F-22 không thể triển khai hết tính năng cơ động của nó để thực hiện tấn công khi mà không đánh giá hết hậu quả.
Khi cuộc chiến đấu giằng co đến mức độ nhất định, J-20 có thể chiến thắng đối phương. Ý tưởng này sở dĩ được xây dựng như vậy là do cuộc xung đột có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể diễn ra tại khu vực cách Trung Quốc tương đối gần. Quân đội Mỹ sẽ chỉ điều một số lượng ít F-22 từ xa tới tác chiến, trong khi đó J-20 luôn chiếm ưu thế về số lượng.
Còn đối với loại F-35 có khả năng quan sát 360 độ, nếu muốn thực hiện tác chiến đối đầu sẽ tương đối khó khăn. Nhưng F-35 trong trạng thái mang theo vũ khí chiến đấu bên ngoài như hiện nay, thì sẽ không có khả năng tàng hình nữa, lúc này J-20 sẽ chiếm ưu thế.
Năng lực tên lửa cũng là tiêu chí rất quan trọng. Tên lửa PL-10 của Trung Quốc hoàn toàn vượt trội tính năng của tên lửa AIM-9X hiện đang trang bị trên F-35.
Do vậy khi tấn công, J-20 không cần phải cơ động quá nhiều vẫn có thể phóng tên lửa về phía máy bay đối phương, sau khi tên lửa được phóng ra tuy không chắc chắn sẽ bắn trúng mục tiêu, nhưng rõ ràng sẽ làm cho máy bay đối phương buộc phải đưa ra các biện pháp phòng vệ, và như vậy sẽ không thể nào biết được vòng tấn công tiếp theo của J-20 sẽ diễn ra như thế nào.
Kết luận
Việc trang bị phi đội máy bay J-20 cũng đồng nghĩa với việc thời gian để J-20 hình thành sức chiến đấu thực sự không còn xa nữa. Trên đây là những nội dung về chiến thuật phi đội của J-20 dựa theo một số nền tảng kiến thức chung nhất.
Nhưng dù thế nào chăng nữa, việc Trung Quốc sở hữu loại máy bay này cũng có nghĩa là đã có cách để giành chiến thắng trước đối phương. Như lời Người phát ngôn quân đội Trung Quốc (PLA) Shen Jinke nói: việc triển khai máy bay J-20 vào các đơn vị chiến đấu nhằm “hỗ trợ không quân gánh vác tốt hơn trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lãnh thổ”.