Những bộ phim phô diễn sức mạnh của lực lượng Trung Quốc – từ lục quân, hải quân đến không quân – có thể thắng doanh thu, nhưng khiến không ít khán giả nước này thấy phản cảm.
Những khán giả có trình độ tại Trung Quốc chỉ trích dòng phim quân sự phóng đại khoa trương.
Mùa phim Tết 2018, Điệp vụ Biển Đỏ của đạo diễn Lâm Siêu Hiền bán được tới 562 triệu USD tiền vé tại Trung Quốc, đứng thứ 2 trong danh sách các bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử nước này, chỉ sau Chiến lang 2 của đạo diễn – diễn viên Ngô Kinh với 874 triệu USD.
Lâm Siêu Hiền khẳng định Điệp vụ Biển Đỏ vượt tầm Chiến lang 2 vì sản phẩm của Ngô Kinh đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân còn bộ phim về hải quân Trung Quốc thể hiện chiến thắng tập thể, quảng bá hình ảnh quốc gia.
Thành công này giúp Lâm Siêu Hiền được xếp vào hàng ngũ đạo diễn tiêu biểu cho dòng phim tư tưởng yêu nước của Trung Quốc, bên cạnh những cái tên gạo cội như Lý Tiền Khoan, Hàn Tam Bình, Vương Ký Hình và Vi Liêm.
“Trung Quốc cường đại” trong phim
Trước đó, truyền thông Trung Quốc từng đánh giá Chiến lang 2 hay Điệp vụ Tam Giác Vàng (cũng của Lâm Siêu Hiền) đã mở ra một thời kỳ mới của dòng phim tư tưởng yêu nước. Thợ săn bầu trời với sự tham gia của minh tinh Phạm Băng Băng và Điệp vụ Biển Đỏ là những đại diện tiêu biểu mới của dòng phim này.
Từ cuối thập niên 1980, chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực cải tổ dòng phim tư tưởng yêu nước, khuyến khích các đạo diễn và biên kịch nhà nước học tập cách làm phim của những đồng nghiệp ở khối tư nhân. Nhưng phải đến khi giới tư nhân trực tiếp thực hiện, dòng phim này mới đạt được những thành công thương mại vang dội.
Sau chủ đề “dựng nước”, 5 năm trở lại đây dòng phim tư tưởng yêu nước của Trung Quốc tập trung vào đề tài “hùng cường”. Điệp vụ Tam Giác Vàng tung hô lực lượng công an Trung Quốc, sức mạnh lục quân được đề cao trong Chiến lang 2, Điệp vụ Biển Đỏ khoe tầm vóc của hải quân còn không quân thể hiện sự kiêu hùng trong Thợ săn bầu trời.
Các loại vũ khí tối tân của quân đội Trung Quốc đều được trưng bày trong những bộ phim này, binh sĩ hay công an Trung Quốc được mô tả như những siêu anh hùng đại trí đại tuệ, bách chiến bách thắng.
Các phim này chứa đầy những thông điệp khẳng định sức mạnh quốc gia Trung Quốc và mang tính cảnh báo với các nước khác, ví dụ như câu “Bất cứ kẻ nào dám khiêu chiến với Trung Quốc cũng đều bị tiêu diệt, cho dù mục tiêu có xa tới tận đâu” trong Chiến lang 2.
Tân Hoa xã khẳng định: “Những bộ phim lớn cho thấy Trung Quốc một lần nữa cường đại”. Ông Triệu Bảo Hòa, Phó chủ tịch Hội Văn học Trung Quốc, mô tả: “Dù là một người Trung Quốc cũng không để bị thương. Đó là tôn nghiêm đại quốc, trách nhiệm và khí phách đại quốc”.
“Phim ảnh không chỉ cho thấy Trung Quốc mạnh thế nào về quân sự mà còn để khán giả cảm nhận mãnh liệt lòng yêu hòa bình, sẵn sàng hy sinh và tinh thần quốc gia”, ông Triệu nhấn mạnh.
“Cường đại là lấy máu để giải quyết?”
Tất nhiên tư tưởng cường đại trong các phim này đã chinh phục đại bộ phận khán giả Trung Quốc. Nhưng theo khảo sát của chuyên gia Timmy Chen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Điện ảnh Trung Quốc, những phim như Chiến lang 2 vẫn vấp phải phản ứng trái chiều của một bộ phận người xem có trình độ học vấn ở nước này.
“Đối tượng khán giả là công nhân, người di cư từ các tỉnh đến thành phố tỏ ra rất hào hứng và thích thú. Tuy nhiên, nhóm khán giả sinh viên đại học hay người có học vấn cao lại cho rằng phim đáng bị chỉ trích vì màu sắc viễn tưởng, phóng đại khoa trương quá mức”, Sina dẫn lời ông Timmy Chen.
Giáo sư văn hóa Trung Quốc Tống Giang thuộc Đại học Hong Kong cho biết ông quan ngại khi xem Điệp vụ Biển Đỏ. Ông nói trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng: “Là một khán giả xem phim, những gì còn lại trong tôi sau cùng chỉ là các cảnh đẫm máu”.
Nhà phê bình điện ảnh Lý Hoa e ngại lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đang bị các bộ phim lạm dụng thái quá. “Lấy chủ đề anh hùng nhưng các phim Trung Quốc đang ngày càng trở nên khát máu. Điệp vụ Biển Đỏ lấy chiến tranh để chống lại chiến tranh. Chủ đề yêu nước bị xòa mờ bởi bạo lực”, bà nói trên China Post.
Không ít khán giả Trung Quốc cho biết họ đã rợn người trước những cảnh tàn sát, cánh tay bị thổi bay và gương mặt bị nát phân nửa trong Điệp vụ Biển Đỏ. Trên Douban, một số người xem ở Đại lục ca thán: “Mộng thành bá chủ và nói về hòa bình ở đâu với những cảnh ghê rợn đổ máu và cách làm phim khoa trương? Khán giả đâu dễ lừa?”.
“Tôi không so sánh với các phim Hollywood. Chỉ cần nói từ Chiến lang 2 đến Điệp vụ Biển Đỏ và Điệp vụ Tam Giác Vàng. Vốn cho rằng khoa trương như Chiến lang 2 đã là quá rồi, vạn vạn lần không ngờ tới Điệp vụ Biển Đỏ còn phô trương hơn… Trong phim có nhiều cảnh khiến tôi buồn nôn”, một độc giả đến từ Hồ Nam viết.
“Cái gọi là sức mạnh cường đại lại là lấy máu giải quyết? Những cảnh đứt tay, đứt chân, máu chảy thành sông khiến nhiều khán giả xem cùng tôi nản lòng. Nể vì đây là phim yêu nước, Douban chấm phim 8,5 điểm nhưng khuyên khán giả sau khi xem phim đừng tự cho mình đang ở trên mây”, một độc giả tới từ Bắc Kinh chỉ trích.
Cũng trên Douban, nhà phê bình Gia Du lo ngại giới điện ảnh Trung Quốc đang khai thác lệch lạc chủ đề quân sự và ái quốc. “Nếu không có sự sáng tạo và thực tế hơn, dòng phim này sẽ thất bại. Hãy nhớ giai đoạn phim kháng Nhật thành công rồi lụi tàn như thế nào”, ông này nhận định.