Wednesday, January 15, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiHội đàm Kim-Tập: TQ còn giận Triều Tiên hay muốn chứng minh...

Hội đàm Kim-Tập: TQ còn giận Triều Tiên hay muốn chứng minh “ai mới là chủ” ở Đông Bắc Á?

Cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với ông Kim Jong Un tại Bắc Kinh vừa qua sẽ bảo đảm Trung Quốc không bị đứng ngoài bất kỳ nghị trình nào về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim Jong Un nâng ly cùng ông Tập Cận Bình trong tiệc chiêu đãi ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh (Ảnh: KCNA/EPA)

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 28/3 bình luận, Trung Quốc và Triều Tiên có thể trải qua giai đoạn “cơm không lành, canh không ngọt” trong lịch sử, nhưng hai nước láng giềng không thể tách khỏi mối liên hệ mật thiết với đối phương. 

Quan hệ Trung-Triều luôn có sự tương hỗ chiến lược kể từ khi các lực lượng chí nguyện quân Trung Quốc tiến sang bán đảo hỗ trợ CHDCND Triều Tiên trong cuộc chiến tranh 1950-1953, nhằm ngăn chặn quân đội Mỹ khi ấy đã tiến đến khu vực sông Áp Lục ở biên giới hai nước.

Tân Hoa Xã ngày 28/3 báo cáo, đoàn đại biểu Triều Tiên do lãnh đạo Kim Jong Un dẫn đầu đã thăm không chính thức Trung Quốc trong ba ngày (25-28/3). Trong chương trình, ông Kim hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, và cùng phu nhân Ri Sol Ju dự tiệc chiêu đãi do ông Tập cùng phu nhân Bành Lệ Viên chủ trì. Ông Kim cũng tham dự nhiều hoạt động thắt chặt quan hệ hữu nghị khác.

Chuyến thăm của ông Kim diễn ra trong bối cảnh thực tế là chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đang “phất cờ” chiến tranh thương mại bằng việc áp thuế quan quy mô lớn với hàng hóa Trung Quốc, bên cạnh đó là tăng cường hiện diện quân sự Mỹ ở khu vực xung quanh Trung Quốc như biển Đông và biển Hoa Đông.

Thời điểm chuyến thăm của ông Kim có gì đặc biệt?

Theo SCMP, bằng việc mời ông Kim Jong Un thăm Bắc Kinh, ông Tập rõ ràng cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải chứng minh Trung Quốc “cùng thuyền” với Triều Tiên. 

Trong hội đàm song phương, ông Kim có thể đã tiết lộ một phần nghị trình của mình khi đối thoại với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào tháng 4, và nhiều khả năng là với tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5.

Và tương tự cam kết với phái đoàn Hàn Quốc thăm Bình Nhưỡng sau Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang, ông Kim Jong Un cũng khẳng định với lãnh đạo Trung Quốc rằng Triều Tiên cam kết với lập trường phi hạt nhân hóa bán đảo.

Từ góc nhìn của Trung Quốc, các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên trên thực tế không gây nhiều bất ổn về chính trị với Bắc Kinh, nhưng ông Tập vẫn nhấn mạnh “phi hạt nhân hóa” là điều bắt buộc. Tổng thống Hàn Quốc và Mỹ chắc chắn cũng sẽ đưa ra yêu cầu như thế.

Vậy tại sao lãnh đạo Triều Tiên phải tới tận Bắc Kinh để “nghe lại” những điều này từ chính ông Tập, trong khi các đặc sứ của Trung Quốc đã được cử tới Bình Nhưỡng một vài lần để chuyển tải thông điệp trên? 

Câu trả lời là ông  Kim Jong Un có những mối ưu tiên riêng của mình trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nắm quyền. SCMP nhận định, ông cần phải kéo Triều Tiên thoát khỏi sức ép nặng nề từ các nghị quyết cấm vận nghiêm khắc của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc – các lệnh trừng phạt được Trung Quốc đồng thuận sau loạt vụ thử tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân của Bình Nhưỡng năm ngoái.

Về phần mình, ông Tập có thể đã “bật đèn xanh” cho các dòng viện trợ Trung Quốc trở lại Triều Tiên. Nền kinh tế Triều Tiên được cho là chịu nhiều thiệt hại khi Bắc Kinh tuân thủ các lệnh cấm vận, chặn đứng nguồn cung dầu lửa và ngừng nhập khẩu than đá của Triều Tiên. Nhưng đến nay, với sự lo ngại về các đòn tấn công thương mại của Mỹ vượt qua nỗi lo hạt nhân trên bán đảo, Bắc Kinh có thể điều chỉnh trong chính sách cấm vận của mình.

Ông Tập muốn chứng minh vị thế?

Ông Michael Kovrig, cố vấn cao cấp của Đông Bắc Á tại tổ chức phân tích độc lập International Crisis Group, thì cho rằng chuyến thăm không chính thức Trung Quốc của ông Kim cho thấy vẫn còn khúc mắc trong quan hệ hai nước, dù truyền thông nhà nước Trung-Triều đều ca ngợi đây là chuyến thăm siết chặt, kế thừa và phát triển tình hữu nghị truyền thống song phương.

Theo ông Kovrig, bất chấp các nghi thức đón tiếp trọng thể đối với ông Kim, chuyến thăm của lãnh đạo Triều Tiên được Tân Hoa Xã công bố là “không chính thức” bởi “ông Tập vẫn còn giận dữ và thất vọng khi ông Kim chưa cho thấy đúng mức sự coi trọng các lợi ích của Trung Quốc và với cá nhân ông Tập”.

Trung Quốc đóng góp tới hơn 90% tổng quy mô thương mại của Triều Tiên và còn là nhà cung cấp viện trợ lương thực, năng lượng hàng đầu. Tuy nhiên, ông Kovrig tin rằng “cải thiện quan hệ” không hoàn toàn là mục tiêu chính của cuộc gặp Kim-Tập vừa qua, mà quan trọng hơn là Trung Quốc không bị đẩy khỏi tiến trình hòa đàm trên bán đảo.

“Tôi và đồng chí Ủy viên trưởng [Kim Jong Un] cùng là nhân chứng của quá trình phát triển quan hệ Trung-Triều. Hai bên nhiều lần bày tỏ cần phải tiếp tục kế thừa và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước. Đó là lựa chọn chiến lược, cũng là lựa chọn chính xác mà song phương đưa ra, căn cứ trên hiện thực và lịch sử, trên cơ sở toàn cục quan hệ Trung-Triều và cục diện quốc tế ở khu vực. Điều này sẽ không vì những vấn đề nhất thời mà thay đổi,” ông Tập Cận Bình phát biểu.

“Với việc trở thành lãnh đạo quốc tế đầu tiên gặp ông Kim, ông Tập đang chứng minh một cách mạnh mẽ rằng ‘ai mới là chủ’ ở khu vực Đông Bắc Á,” ông Kovrig nhận xét. 

“Trong quá khứ, Trung Quốc có thể cho phép Mỹ điều khiển cuộc chơi, chừng nào Bắc Kinh còn được tham vấn. Rõ ràng, ông Tập đã quyết định rằng Trung Quốc cần định hình tiến trình sớm và thảo luận trực tiếp với ông Kim về con đường nên đi [của bán đảo Triều Tiên].”

Robert E Kelly, giáo sư khoa học chính trị và ngoại giao ở Đại học quốc gia Pusan, Hàn Quốc, đánh giá, sau chuyến thăm bất ngờ của ông Kim Jong Un, Trung Quốc không còn có thể nói nước này “không có nhiều đòn bẩy” với Triều Tiên.

“Lần tới, nếu Bộ ngoại giao Trung Quốc nói vấn đề thực sự là giữa Mỹ và Triều Tiên, còn Trung Quốc chỉ là trung gian hòa giải và mong muốn ổn định, thì chúng ta sẽ biết họ đang nói dối,” ông Kelly bình luận.

Qua cuộc gặp Kim-Tập, Trung Quốc đã chứng minh được vai trò đối tác quan trọng với Triều Tiên và xác lập được vị thế trong tình hình bán đảo sắp tới.

“Đến cuối cùng, Trung Quốc đã có được lợi ích lớn, và họ không hài lòng vì bị đẩy khỏi bàn nghị sự,” Paul Haenle – giám đốc Trung tâm Carnegie–Tsinghua ở Bắc Kinh, đại diện Nhà Trắng tại Đàm phán 6 bên 2007-2009 – nhận định.

“Cuộc gặp đầu tiên của ông Kim Jong Un với một nguyên thủ là với chủ tịch Trung Quốc. Đây là điều hoàn toàn đúng đắn xét từ góc độ của người Trung Quốc,” ông Haenle nói.

Hội đàm Kim-Tập: TQ còn giận Triều Tiên hay muốn chứng minh ai mới là chủ ở Đông Bắc Á? - Ảnh 4.

RELATED ARTICLES

Tin mới