Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc gần đây xác nhận Trung Quốc đã bán hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân, cao cấp hơn “những hệ thống tên lửa tự tạo”, theo tờ Wion (Ấn Độ).
Động thái này cho thấy một mức độ nguy hiểm trong cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực vũ khí phòng thủ, của các cường quốc hạt nhân là Ấn độ và Pakistan, những nước đã từng dính lứu vào một cuộc chiến qui mô nhỏ ở Jammu và Kashmir (J&K), một bang miền bắc Ấn Độ, cùng với sự giúp đỡ của Trung Quốc cho chính quyền khó lường Pakistan, trong đó lực lượng tình báo (ISI) và lực lượng quân đội Pakistan (Pak), có vai trò quyết định.
Trong nhiều năm, Pakistan luôn tìm cách có được một hệ thống phòng thủ tên lửa, nhằm ‘đề phòng’ Ấn Độ.
Tên lửa Ababeel của Pakistan
Vào tháng 1/2017, Pakistan đã “phóng thử thành công” tên lửa Ababeel, có khả năng mang nhiều đầu đạn, được biết đến như là một vũ khí mang nhiều đầu đạn, có thể tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRVs), được sử dụng như tên lửa chống tên lửa đạn đạo.
Tên lửa Ababeel của Pakistan. (Ảnh: Getty)
Với tên lửa Ababeel này, Pakistan đã làm ‘nóng lên’ cuộc chạy đua vũ trang với một mức độ mới, khi họ tuyên bố “nhằm đảm bảo khả năng sống còn của các tên lửa đạn đạo của Pakistan, trong một môi trường Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo (BMD) của khu vực, đang ngày càng phát triển. Đó là cách mà Pakistan đáp lại trước hệ thống tên lửa BrahMos của Ấn Độ.
Tên lửa BrahMos
Hai năm trước đây, tờ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân của Trung Quốc (Nhật báo PLA), trong một thông báo đã chỉ trích việc Ấn Độ triển khai “các tên lửa siêu thanh” trên biên giới “đã vượt quá sự phòng vệ chính đáng, tạo ra mối đe dọa đối với các tỉnh Vân Nam và Tây Tạng của Trung Quốc”.
Tờ nhật báo PLA cho rằng: “Việc triển khai tên lửa BrahMos đã làm gia tăng sự cạnh tranh và đối đầu trong quan hệ hai nước Trung – Ấn, sẽ có tác động tiêu cực tới sự ổn định của khu vực”.
Việc có thể bay với tốc độ siêu thanh kể cả ở tầm thấp, khiến cho tên lửa BrahMos của Ấn Độ trở thành một vũ khí gần như vô hình, rất khó bị phát hiện và chặn đứng.
Trung Quốc chắc chắn cảm thấy cần phải tạo ra một “đối trọng” để chống lại tên lửa BrahMos của Ấn Độ, nhằm duy trì sự ảnh hưởng đối với đồng minh Pakistan của mình.
Sự phòng thủ của quân đội Pakistan
Một vài năm trước đây, ông Samar Muarakmand, tiến sỹ vật lý Pakistan, người có trách nhiệm tiến hành thử vũ khí hạt nhân sau khi Ấn Độ thử nghiệm vào năm 1998, đã phát biểu trong một nghi lễ rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Pakistan được phát triển bởi “những sinh viên Đại học của chính phủ”, những người đã từng làm việc ở nước ngoài cho NASA và các tổ chức khác. Phát biểu này cho thấy sự thiếu ‘chiều sâu’ trong việc phát triển hệ thống tên lửa của Pakistan.
Tên lửa Shabeen và Gauri
Với cố gắng theo kịp Ấn Độ, Pakistan đã phát triển vũ khí tấn công, khoe khoang rằng tên lửa Shaheen và Gauri, cùng với tên lửa hành trình Babur, có thể nhắm sâu vào lãnh thổ Ấn Độ.
Tuy nhiên, do không có khả năng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa toàn diện và hoàn chỉnh trong trường hợp bị tấn công phủ đầu, Pakistan thậm chí đã cân nhắc việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, theo các báo cáo.
Được biết, tổng chi phí của hệ thống S-400 cho 3 trung đoàn là 2.5 tỷ đô la Mỹ. Nhưng cuối cùng, Pakistan đã quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc, do giá cả rẻ hơn, và dễ dàng tiếp cận khi Pakistan đã có một vài dự án được Trung Quốc hỗ trợ, cùng với dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), đang được triển khai rất nhanh.
Chương trình ‘Chiến tranh Các vì sao’ của Ấn Độ
Do cuộc chạy đua vũ trang mới, trong đó Trung Quốc có khả năng hỗ trợ Pakistan qua việc cung cấp vũ khí cho cả mục đích phòng thủ và tấn công, Ấn Độ có rất nhiều việc để làm.
Vài tháng trước, Ấn Độ đã phóng thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi ở Chandipur.
Tên lửa BrahMos được phóng đi từ tàu khu trục INS Chennai (D65) của Hải quân Ấn Độ trong cuộc tập trận TROPEX 17. (Ảnh: Hải quân Ấn Độ).
Năm 2017, Ấn Độ đã gia nhập ‘câu lạc bộ’ các nước tiên tiến, bao gồm Mỹ, Nga và Israel, để phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo. Ấn Độ cũng thông báo chương trình “Chiến tranh giữa các Vì sao”, nhằm ngăn chặn tên lửa hạt nhân, tấn công lãnh vào lãnh thổ của họ.
Lá chắn tên lửa của Pakistan
Theo các báo cáo, hệ thống phòng thủ tên lửa dựa vào Trung Quốc của Pakistan, được khoe là “hệ thống đo đạc và theo dõi quang học qui mô lớn rất tiên tiến, thường được trang bị một cặp kính viễn vọng hiệu suất cao, cùng với máy quét laser, camera tốc độ cao, máy quét hồng ngoại và một máy tính trung tâm, có thể tự động chụp ảnh và theo dõi bất cứ mục tiêu di chuyển nào”.
Lẽ phải của lịch sử
Khi cuộc chạy đua vũ trang dẫn đến một cuộc chiến 3 bên nguy hiểm, thì bất cứ ai, đặc biệt là chính quyền của Tổng thống Trump, sẽ luôn từng phút theo dõi những động thái tiếp theo của Pakistan và Trung Quốc. Thực tế, Mỹ đã cắt giảm ngân sách quốc phòng dành cho Pakistan, tham gia vào cuộc đàm phán khó khăn về Afghanistan.
Nhưng Pakistan đã nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn, do cả hai nước này đều có ác cảm hoặc chống lại chính quyền hiện nay của ông Trump.
Do vậy, giờ đây Ấn Độ sẽ phải hành động thận trọng. Để không bị lôi cuốn vào cuộc chạy đua, họ sẽ phải cân bằng giữa phát triển và tự vệ, bởi vì những cuộc chạy đua vũ trang trong quá khứ cho thấy, chiến thắng chỉ thuộc về đất nước có nền kinh tế thịnh vượng, có thể duy trì nguồn lực.
Chắc chắn, Ấn Độ phải đứng về bên có lẽ phải của lịch sử, không đi theo “phong cách chiến tranh lạnh” giữa Liên bang Xô viết và nước Mỹ trước kia. Xét cho cùng, cả thế giới đều đang theo dõi diễn biến này.