Phương thức của Trung Quốc là cho các nước vay tiền đầu tư vào những dự án không có khả năng thực hiện và không có khả năng chi trả.
Nhìn thấu tâm can Trung Quốc
Sau khi báo chí đăng tải thông tin về việc Trung Quốc có kế hoạch xây căn cứ quân sự ở Vanuatu, quốc đảo nhỏ ở khu vực Nam Thái Bình Dương, giới phân tích Australia đã tốn nhiều giấy mực để phân tích về động thái mới nhất này của gã khổng lồ châu Á.
Không những thế, qua vụ việc này, báo chí Australia còn nhận định chung về “phương thức” mà Trung Quốc sử dụng để tiếp cận các nước nhỏ. Theo đó, cách làm điển hình của Bắc Kinh là cho vay không bền vững và hành động nhanh.
Tờ Sydney Morning Herald cho rằng từ Vanuatu đến Papua New Guinea, từ Sri Lanka đến Pakistan, từ quốc đảo Maldives đến Cộng hòa Djibouti ở vùng Sừng châu Phi, sự “trợ giúp” của Trung Quốc đều diễn ra theo cùng một mô hình.
Tất cả đều được Trung Quốc thực hiện dưới các khoản cho vay, với lãi suất không thấp hơn nhiều, và đôi khi cao hơn, các khoản vay có mục đích mà các nước này vay từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Lợi thế từ các khoản vay của Trung Quốc là đều được thông qua rất nhanh. Tuy nhiên, tờ báo Australia cho rằng các khoản vay của Trung Quốc không chú trọng vào các dự án phát triển đất nước.
Ví dụ được nêu là trường hợp ở Vanuatu, Trung Quốc kiên quyết dành khoản cho vay để xây dựng một trung tâm hội nghị có 1.000 chỗ ngồi chứ không phải bệnh viện mà một số giới chức địa phương thường ưu tiên hơn.
Trung Quốc cũng thường đưa ra những ưu đãi nhỏ như các khoản học bổng đào tạo ở Trung Quốc cho con em giới lãnh đạo các quốc gia đó hay những hợp đồng dành cho gia đình họ. Bao giờ cũng có 1 cảng biển hay sân bay đi kèm những khoản vay ưu đãi này.
Trong trường hợp ở Sri Lanka, Trung Quốc đã dành các khoản vay lên tới 15 tỷ USD cho các dự án bao gồm 1 nhà máy điện, 1 sân bay, mở rộng 1 cảng biển hiện có và phát triển 1 cảng mới.
Sau cuộc bầu cử năm 2015, Tổng thống mới của Sri Lanka cam kết làm suy yếu mối liên kết với Trung Quốc nhưng lại bị ràng buộc bởi các hợp đồng phải thanh toán các khoản nợ cho các dự án phi thương mại.
Sân bay Hambantota, ở miền Nam Sri Lanka, mới được xây dựng từ khoản vay của Trung Quốc. Sri Lanka này buộc phải đồng ý cho Trung Quốc thuê 99 năm cảng biển và sân bay Hambantota để đổi lấy việc thanh toán dần các khoản nợ.
Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti |
Tại Djibouti, đất nước nghèo khó với dân số chưa đến 1 triệu người, được Trung Quốc dành cho khoản vay lên tới 9 tỷ USD, đẩy nước này dần tới ngưỡng mắc nợ không bền vững.
Sau khi IMF phát đi lời cảnh báo, Trung Quốc đã cho Djibouti vay 1,1 tỷ USD để phát triển 1 cảng biển.
Hồi tháng 1/2016, Bắc Kinh được quyền thuê thương mại cảng này và nhanh chóng phát triển thành trung tâm thương mại và hậu cần quân sự và sau đó phát triển thành một căn cứ hải quân đầy đủ.
Toàn bộ tiến trình xây dựng và phát triển này chỉ diễn ra trong vòng 18 tháng. Đến tháng 11/2017, quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật tại đây.
Tờ báo Australia dẫn lời giới phân tích cho rằng nếu Trung Quốc giành được quyền xây dựng 1 căn cứ quân sự ở quốc đảo Vanuatu thì căn cứ này cũng sẽ được xây dựng trong thời gian nhanh kỷ lục.
Phương thức hoạt động của Trung Quốc là cho các nước mục tiêu vay tiền để đầu tư vào những dự án mà các nước này không có khả năng thực hiện và cũng không có khả năng chi trả, để sau đó đàm phán thanh toán nợ bằng cách đổi lấy quyền tiếp cận các tài sản quan trọng mang tầm chiến lược.
Không đáng ngại
Liên quan tới thông tin Trung Quốc đàm phán để xây dựng căn cứ quân sự tại Vanuatu, Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy của Australia đánh giá nếu thông tin này là thực thì đây sẽ là vấn đề mà lực lượng an ninh quốc phòng Australia cần đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, giới phân tích Australia cũng như ban lãnh đạo nước này tỏ ra khá bình thản trước thông tin trên.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói rằng bà không có bất kỳ thông tin nào về việc Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại Vanuatu.
Bà Bishop cũng tự tin cho rằng Australia vẫn là lựa chọn chiến lược hàng đầu của Vanuatu.
Một góc thủ đô Port Vila của Vanuatu |
Câu hỏi được đặt ra là điều gì đang thực sự diễn ra. Trung Quốc đơn giản chỉ là muốn đưa quân đội tới hiện diện tại nơi hạ tầng đã có sẵn hay đang dự định xây dựng một khu chuyên biệt dành cho căn cứ quân sự của mình?
Cụm từ “thảo luận sơ bộ” trong giao dịch ngoại giao này đã được thực hiện đến đâu? Vấn đề là hải cảng và sân bay dân sự sẽ được sử dụng cho các chuyến viếng thăm của hải quân Trung Quốc hay chủ yếu dành cho mục đích quân sự? Liệu có sự liên quan tới việc hiện diện căn cứ quân sự lâu dài tại đây?
Giới phân tích Australia cũng đặt ra câu hỏi về mục đích của Trung Quốc khi khu vực Nam Thái Bình Dương không nằm trong chiến lược quan trọng bậc nhất đối với lợi ích của Trung Quốc. Khu vực này khác với vùng biển Ấn Độ Dương, nơi mà Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự trải dài từ Djibouti đến Maldives, Pakistan và Sri lanka. Đây là khu vực có các tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng của Trung Quốc.
Trong khi đó, Vanuatu và khu vực lân cận nằm khá xa với bất kỳ vị trí địa lý đáng tin cậy nào mà sáng kiến “Vành đai và Con đường” hay Ấn Độ-Thái Bình Dương cho thấy có sự hiện diện của Trung Quốc.
Theo giới phân tích Autralia, có một vài lý do thích hợp để lý giải việc Trung Quốc muốn đưa quân đội tiếp cận hay có mặt tại Nam Thái Bình Dương.
Chẳng hạn, Trung Quốc muốn cải thiện khả năng triển khai các nguồn lực, gia tăng các hoạt động khác nhiều hơn là mục đích chiến tranh, như sơ tán người dân khỏi các đảo quốc Thái Bình Dương trong trường hợp bất ổn.
Trung Quốc đang thể hiện tham vọng toàn cầu, đặc biệt đối với lực lượng hải quân |
Trung Quốc đang lấy lý do về thách thức an ninh, như cướp biển ở vịnh Aden hay thời tiết xấu tại Biển Đông, để ngụy biện cho sự hiện diện chiến lược của mình.
Chỉ một thập kỷ trước, Trung Quốc (cũng giống như một số quốc gia khác) có mục tiêu ban đầu là luân phiên gửi một hạm đội chống cướp biển Somali. Tại Djibouti, sau đó Trung Quốc đã thiết lập một căn cứ quân sự với hạ tầng đủ sức chứa tới 10.000 quân.
Cũng có thể Trung Quốc đang tìm kiếm sự hiện diện an ninh để tăng cường khả năng huấn luyện lực lượng quân đội của các quốc đảo nhỏ, qua đó tăng tầm ảnh hưởng đối với các quốc gia này. Đây có lẽ là những lơi ích mà Trung Quốc muốn hướng tới, nhưng đồng thời, cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với Australia và New Zealand.
Trong quá khứ, Trung Quốc cũng từng có những hoạt động quân sự đáng chú ý tại Nam Thái Bình Dương.
Ví dụ như vào tháng 5/1980, quân đội Australia đã theo dõi sát việc Trung Quốc gửi một hạm đội bao gồm 18 tàu chiến tới vùng biển phía Đông Bắc Vanuatu để tìm kiếm một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được cho là bị rơi xuống khu vực này sau một cuộc phóng thử nghiệm.
Đây được xem là một cuộc thám hiểm đầy tham vọng của lực lượng hải quân Trung Quốc vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, mối quan ngại lớn nhất đối với lợi ích của Australia đó là một căn cứ không quân hoặc hải quân tại Vanuatu sẽ tạo cho Trung Quốc một chỗ đứng tiến hành các chiến dịch gây sức ép với Australia, “tạt sườn” Mỹ và căn cứ Guam của Mỹ, cũng như thu thập tin tức tin tình báo trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng an ninh khu vực.
Dù đánh giá thấp thách thức của Trung Quốc tại khu vực Nam Thái Bình Dương nhưng giới phân tích Australia cảnh báo việc hình thành căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Vanuatu sẽ đánh dấu sự thụt lùi và thất bại lâu dài trong chính sách của lưỡng đảng Australia, bao gồm các điều khoản đã được nhất quán thông qua trong tất cả các văn kiện quân sự nêu trong Sách trắng của Australia, cũng như trong các tài liệu hướng dẫn chiến lược trong vòng ít nhất ba thập kỷ vừa qua.