“Muốn đạt chỉ tiêu, bù đắp khoản thuế bị thất thu thì Bộ Tài chính nên nghĩ cách khác, không thể lạm thu và tận thu…”.
Bộ Tài chính đang kiến nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, với đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Mức thuế được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng định là 0,4%.
Đề xuất đánh thuế nêu trên của Bộ Tài chính đang gây ra nhiều quan điểm trái chiều.
TS Đinh Sơn Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM lo ngại, nếu đánh thêm thuế tài sản đối với nhà ở như đề xuất của Bộ Tài chính thì sẽ xảy ra tình trạng thuế chồng thuế vì hiện nay người dân đã phải nộp tiền sử dụng đất.
“Như nhà tôi hàng năm đã đóng tiền sử dụng đất, năm nay tiền sử dụng đất đã tăng gần gấp đôi. Tiền sử dụng đất tăng, giờ lại đánh thuế tài sản với nhà ở, vậy là làm sao? Hết sức vô lý!”, ông nói.
Theo vị chuyên gia, ở Việt Nam, nhà ở là tài sản và cũng là phương tiện để người dân sinh sống. Do đó, tối thiểu mỗi hộ gia đình phải có một căn nhà. Nếu đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ hai, mảnh đất thứ hai thì có thể được, còn đánh căn nhà duy nhất thì không hợp lý, có khả năng thuế chồng thuế, có tính chất lạm thu và tận thu.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, ở Việt Nam có thực trạng bù đắp thuế bị thất thu bằng cách tăng thuế định kỳ, thậm chí sắc thuế của Việt Nam còn hạn chế việc đổi mới công nghệ.
“Trước đây, khi còn làm việc, tôi có đi khảo sát các cơ sở y tế ngoài công lập. Các cơ sở phàn nàn rằng họ mua máy về để chữa bệnh và chỉ sử dụng nó trong 5 năm. Nhưng ngành thuế không cho, yêu cầu sử dụng 9 năm để thu thuế. Công nghệ của Việt Nam đã vào loại thấp nhất trong khu vực, đánh thuế theo kiểu hạn chế đổi mới công nghệ như thế thì không thể chấp nhận được”, TS Hùng nói.
Ông khẳng định, các nước trên thế giới thực hiện nhiều biện pháp rất hữu hiệu để chống thất thu thuế chứ không ai bù đắp thất thu thuế bằng cách tăng thuế định kỳ.
Trở lại với đề xuất đánh thuế tài sản với nhà ở, theo vị chuyên gia, Bộ Tài chính muốn đánh thuế nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng nhưng ai sẽ xác định giá trị tài sản này? Xác định có đúng không? Đó là những vấn đề rất khó mà ông e rằng Bộ Tài chính không làm được.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nhấn mạnh, nếu Bộ Tài chính muốn đạt chỉ tiêu, bù đắp khoản thuế bị thất thu thì nên nghĩ cách khác, mà cụ thể có 2 cách: Nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất của cán bộ, nhân viên ngành thuế; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào công việc thu thuế.
Cũng nêu quan điểm về đề xuất thu thuế tài sản với nhà ở của Bộ Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc thu thuế tài sản là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế song đánh vào cái gì, đánh như thế nào cần phải xem xét, tính toán kỹ càng.
Phân tích cụ thể, ông Thịnh cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng loại thuế tài sản rất thành công và đem lại nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Đây là nguồn thu mang tính hợp pháp, hợp lý.
“Khi anh có 1 tài sản lớn thì anh sẽ sử dụng các dịch vụ công, các yếu tố liên quan đến hạ tầng kinh tế xã hội và các yêu cầu về bảo vệ trật tự trị an của xã hội để tài sản của mình có thể tồn tại một cách yên lành, tốt nhất.
Do đó, việc phải đóng góp một phần thuế để Nhà nước duy trì các bộ máy quản lý, bảo vệ cho tài sản đó là đòi hỏi cần thiết và chính đáng”, ông Thịnh khẳng định.
Thứ hai, trước nay Việt Nam chưa đánh thuế tài sản vì nhiều lý do, trong đó lý do cơ bản là thu nhập của người dân còn thấp. Nhưng hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã hơn 2.000 USD/người và vì thế, phải tính toán, xem xét việc đánh thuế tài sản để đảm bảo công bằng với người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp.
Thứ ba, nguồn thu ngân sách nhà nước thời gian qua, đặc biệt năm 2017-2018 bị sụt giảm nhiều do Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương với các quốc gia và tổ chức trên thế giới.
Trước đây, các mặt hàng xuất nhập khẩu có mức thuế khoảng 20%, giờ xuống bình quân chỉ còn hơn 2%, do đó,nguồn thu thuế nhập khẩu bị giảm sút đáng kể.
Vì lẽ đó, Chính phủ đã yêu cầu phải tái cấu trúc lại nguồn thu của ngân sách nhà nước và Việt Nam phải xem xét hàng loạt các loại thuế khác, trong đó có loại thuế phải giảm như thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… Ba loại thuế đó giảm nhiều thì phải có nguồn thuế nào đó tăng lên. Yêu cầu nghiên cứu áp dụng các loại thuế phù hợp với kinh tế thị trường, với trào lưu chung của thế giới là điều bắt buộc và thuế tài sản nằm trong yêu cầu này.
Dù ủng hộ đánh thuế tài sản, nhưng PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý, loại thuế này đánh vào cái gì và đánh như thế nào là vấn đề phải xem xét kỹ càng. Cần có mức quy định chung cho cả tài sản và bất động sản để đánh thuế.
“Tài sản đến mức độ nào thì phải đánh thuế cần có sự xác định của cơ quan tài chính cũng như các cơ quan chức năng của nhà nước.
Ở đây chúng ta không bàn đến mức 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng hay lớn hơn, mà cái này phải có một mức chung, tài sản cứ đến mức đó là bị đánh thuế.
Việc đánh thuế phải có căn cứ, cơ sở pháp lý và áp dụng với tất cả tài sản lẫn bất động sản nói chung. Phải xem mức đánh là bao nhiêu, phải dựa trên cơ sở nào, ví dụ nó gấp bao nhiêu lần mức lương tối thiểu mà Nhà nước quy định.
Bên cạnh đó, phương thức đánh thuế thế nào cũng phải tính toán.
Có 2 vấn đề với thuế tài sản: Một là mua bán tài sản thì mức thuế thế nào? Hai là đánh thuế duy trì, hàng năm phải đóng bao nhiêu.
Thông thường, đối với mua bán tài sản thì mức thuế sẽ cao hơn, còn mức thuế duy trì hàng năm thì tương đối thấp, nhưng mức đánh bao nhiêu thì cơ quan tài chính và cơ quan chức năng phải có sự phân tích, xem xét và đưa ra hợp lý”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Vị chuyên gia cũng trấn an lo ngại việc đánh thuế nói trên có thể tạo ra bất bình đẳng, kẽ hở pháp lý cho người cầm nắm tài sản, hay ghi giá trị tài sản mua bán chuyển nhượng quá thấp.
Ông thừa nhận, trước mắt đúng là Việt Nam chưa có số liệu lịch sử lưu trữ để biết giá trị tài sản đó là bao nhiêu nhưng Việt Nam sẽ phải làm, vừa làm vừa sửa.
“Không có bất kỳ nước nào và chính sách nào đưa ra đúng ngay, phải thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉnh sửa các chính sách luật pháp, còn bây giờ chưa có gì mà cứ bảo phải công bằng bình đẳng thì rất khó”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.