Mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của tiêu Campuchia thấp hơn, công ty Việt Nam mua tiêu Campuchia về trộn với hàng Việt Nam để xuất đi.
Trước thông tin giá tiêu của Campuchia trên thị trường thế giới gấp hàng chục lần giá tiêu Việt dù đất đai Campuchia xấu hơn, phương pháp canh tác chẳng có gì hiện đại so với những trang trại tiêu ở Việt Nam, trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia trong ngành hồ tiêu cho rằng thông tin trên chưa chính xác.
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, tiêu thường của Campuchia có giá như tiêu Việt Nam, chỉ có tiêu trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ của quốc tế thì giá mới cao và gấp 3,4 lần giá tiêu Việt Nam.
“Nông dân Campuchia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ít hơn Việt Nam, đất là đất rừng nên rất tốt.
Diện tích tiêu của Campuchia đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế thực ra không nhiều. Năm ngoái tôi đã qua Campuchia và thấy họ có một hợp tác xã được tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thành lập. Trong hợp tác xã này có một số vườn trồng tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ. Tiêu đó được một công ty của Thụy Sĩ mua với giá 14,5 USD/kg, còn lại tiêu thường họ vẫn bán 4 USD/kg giống như tiêu Việt Nam”, ông Hoàng Phước Bính thông tin.
Chia sẻ thêm, ông Đinh Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Xanh Thu Thủy, người cách đây chừng 1 năm đã cùng Hội đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) sang Campuchia khảo sát về sản xuất hồ tiêu của Campuchia để kêu gọi họ tham gia vào IPC, cho biết, loại hồ tiêu thường của Campuchia được sản xuất với số lượng rất lớn (chiếm 90-95% tổng sản lượng tiêu Campuchia) và có giá bán không chênh lệch bao nhiêu so với hàng Việt Nam. Còn lại, chừng 5-10% là tiêu giá cao.
“Giá tiêu thường của Campuchia cao hơn của Việt Nam vì mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu của họ thấp hơn Việt Nam. Các công ty của Việt Nam thường mua tiêu của Campuchia về trộn với hàng Việt Nam để đảm bảo mức dư lượng (MRL) xuống thấp, từ đó có thể xuất đi được.
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là giá tiêu Campuchia không chênh lệch nhiều so với tiêu Việt Nam. Chỉ có 5-10% tiêu ở vùng Kampot (Campuchia) được một công ty của Đức kết hợp với Ngân hàng Thế giới và một tổ chức tương tự như Hội Nông dân Việt Nam đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật nên đạt chất lượng cao.
Hồ tiêu Kampot chưa hẳn là hồ tiêu hữu cơ, chỉ là hồ tiêu sạch, nhưng bởi công nghệ chế biến rất tốt nên hồ tiêu này đạt chất lượng cao, sạch, màu sắc, mẫu mã bao bì rất đẹp, được bán chủ yếu ở Đức”, ông Thu cho biết.
Cũng theo Giám đốc Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy, tỷ lệ tiêu hữu cơ trên thế giới hiện nay rất thấp, kể cả một nước có truyền thống về sản xuất tiêu như Ấn Độ, không vượt quá 2%.
Riêng Sri Lanka, tỷ lệ hồ tiêu sinh thái (hữu cơ) đạt tới chừng 30% nhưng sản lượng rất thấp.
Điểm chung là hồ tiêu của nhiều quốc gia như Indonesia, Sri Lanka… đều sạch hơn tiêu Việt Nam và vì thế có giá tốt hơn nhưng cũng chỉ cao hơn tầm 5 triệu đồng/tấn.
Ông Đinh Xuân Thu cho rằng, trồng hồ tiêu hữu cơ dễ mà khó, khó mà dễ.
Theo đó, quy trình canh tác không có gì khó, thậm chí làm rất dễ nếu có kiến thức, kinh nghiệm được trao đổi, học tập kỹ. Nhưng cái khó của việc trồng hồ tiêu hữu cơ nằm ở chính cái tâm của người nông dân có chịu làm hay không, họ có nhẫn nại hay không và tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng xã hội phải cùng làm.
“Thời gian đầu tư cho hồ tiêu hữu cơ phải mất 2-3 năm trở lên khi chuyển đổi từ hồ tiêu thường. Cái khó nhất là phải có khoảng cách ly không khí, tức là nếu ruộng gần kề có sử dụng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ thì ruộng hữu cơ phải có một vùng đệm để ngăn cản sự xâm nhiễm của các hóa chất từ ruộng bên cạnh. Cây trồng hữu cơ phải trồng cách vùng đệm ít nhất 1m.
Nếu sự xâm nhiễm xảy ra qua đường không khí thì cần phải có một loại cây được trồng trong vùng đệm để ngăn chặn bụi phân xâm nhiễm. Loại cây trồng trong vùng đệm phải là loại cây khác với loại cây trồng hữu cơ. Nếu việc xâm nhiễm xảy ra qua đường nước thì cần phải có một bờ đất hoặc rãnh thoát nước để tránh bị xâm nhiễm do nước bẩn tràn qua”, ông Thu giải thích.
Dẫu nhu cầu của thế giới về hồ tiêu hữu cơ có hạn mức nhất định, chỉ ở mức độ vài chục phần trăm đã là rất cao nhưng ông Đinh Xuân Thu khẳng định, hồ tiêu hữu cơ chính là một trong những giải pháp tình thế để đối phó với cuộc khủng hoảng thừa của ngành hồ tiêu hiện nay.
“Hiện nay, giá hồ tiêu đang lao dốc nhưng chưa chạm đáy, năm sau và năm sau nữa nó mới chạm đáy cuộc khủng hoảng, giá hồ tiêu cực thấp, thậm chí hồ tiêu không sạch không có ai mua vì dư quá nhiều trên thế giới.
Lúc đó, người nông dân buộc phải chuyển sang làm hồ tiêu chất lượng cao. Muốn vậy đòi hỏi tinh thần đoàn kết, cái tâm của người trồng tiêu, tổ chức lại ngành hồ tiêu theo tập thể, chất lượng cao, tập huấn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thị trường, giải quyết đầu ra cho hồ tiêu”, ông Thu nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Phước Bính cho hay, để nâng cao giá trị hồ tiêu Việt Nam có hàng loạt giải pháp thế nhưng Việt Nam nói nhiều mà làm không được bao nhiêu.
“Phải xác định rằng chỉ có sản xuất an toàn, truy xuất được nguồn gốc, sản phẩm được tổ chức chế biến để đưa vào thị trường với thương hiệu của mình thì lúc đó hồ tiêu Việt Nam mới có giá trị, còn bán nguyên liệu thì không thể có giá cao.
Hiện nay, đa số tiêu Việt Nam bán ra đã phải chiết khấu cho khâu lưu thông bán lẻ tới 50%, khâu chế biến 30%, còn nguyên liệu được 15-20% đã cao”, ông Bính chỉ rõ.