Nhiều ý kiến tại Trung Quốc cho rằng sau hai hội nghị thượng đỉnh, Triều Tiên sẽ không còn phụ thuộc vào người đồng minh Trung Quốc về ngoại giao và kinh tế như trước.
Ảnh: CNN
Không chỉ đơn thuần là những người láng giềng, Trung Quốc và Triều Tiên còn có mối quan hệ sâu sắc hơn thế: Hơn 130.000 Chí nguyện quân Trung Quốc đã hy sinh trong chiến tranh Triều Tiên để bảo vệ người đồng minh xương máu ấy.
Tuy nhiên, mối quan hệ Trung-Triều không phải lúc nào cũng êm đẹp. Đặc biệt là sau khi Trung Quốc cùng nhiều nước khác áp lệnh trừng phạt nặng nề lên Triều Tiên.
Gần đây, khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới và chuẩn bị tham dự hai sự kiện được mong chờ nhất thập kỷ qua – Thượng đỉnh liên Triều và Thượng đỉnh Mỹ-Triều – thì Bắc Kinh dường như đang lo ngại rằng người láng giềng của họ sẽ tự lực cánh sinh, đi “lệch” quỹ đạo vốn có, và không còn phụ thuộc vào họ như trước nữa.
Theo CNN, chiến lược gây áp lực kinh tế của Trung Quốc đã đem lại hiệu quả bước đầu khi đưa ông Kim vào bàn đàm phán, nhưng rất có thể đây là bước ngoặt lớn đối với Bắc Kinh, nếu Triều Tiên xích lại gần hơn với những kẻ thù cũ và rời xa đồng minh truyền thống của họ.
Ông Tong Zhao, chuyên gia chính sách hạt nhân tại Trung Tâm Chính sách Toàn cầu Tsinghua Carnegie, Bắc Kinh cho hay: “Rất nhiều người Trung Quốc còn lo ngại rằng Mỹ sẽ chấp nhận việc Triều Tiên là quốc gia hạt nhân để lôi kéo Bình Nhưỡng làm đồng minh, hoặc chí ít là thiết lập mối quan hệ thân thiết với họ”.
Mối quan ngại trên không phải là không có cơ sở, và nó đang ngày càng gia tăng trước những xung đột thương mại gần đây của hai ông lớn Mỹ-Trung.
Trung Quốc bị cho “ra rìa”?
Mối quan hệ Trung-Triều khá ổn định trong nửa thế kỷ qua, khi Bắc Kinh đứng ra bảo trợ cho Triều Tiên trước mối đe dọa của Mỹ tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên Bình Nhưỡng lại quyết tâm phát triển cơ sở vũ khí hạt nhân của riêng mình. Điều này khiến Trung Quốc lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang sắp hình thành, đồng thời Mỹ và đồng minh sẽ tăng cường hiện diện trong khu vực.
Ông Zhao cho biết: “Trung Quốc luôn muốn duy trì quan hệ bình thường và ổn định vốn có với Triều Tiên. Ngoại trừ vấn đề hạt nhân, hai nước không có bất đồng nào khác.
Trung Quốc phải phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng gia tăng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Do đó Trung Quốc đã quyết định cùng cộng đồng quốc tế áp các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng thực sự đến Triều Tiên nhằm gây sức ép”.
Điều này đã khiến hai nước gần như ‘đóng băng’ quan hệ.
Tuy nhiên, việc ông Kim đột ngột thay đổi thái độ và trở nên ‘cởi mở’ hơn trong thời gian gần đây khi đề nghị đối thoại với Hàn Quốc và Mỹ đã khiến Trung Quốc ‘giật mình’.
Bắc Kinh đã quyết tâm hành động ngay để khẳng định vị thế với Bình Nhưỡng. Cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời ông Kim và phu nhân tới thăm Bắc Kinh.
Đáp lại lời mời của ông Tập, ông Kim đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nắm quyền lãnh đạo hồi năm 2011.
Giới quan sát cho biết, trong chuyến đi này, ông Kim luôn tỏ ra khiêm tốn và giữ thái độ tôn trọng đối với ông Tập. Qua đó, có thể khẳng định rằng Trung Quốc muốn chứng minh với thế giới rằng họ vẫn có vai trò ngoại giao chủ chốt trên Bán đảo Triều Tiên.
Bà Duyeon Kim, chuyên gia từ Diễn đàn tương lai bán đảo Triều Tiên, Seoul nhận định: “Trung Quốc không hài lòng khi vắng mặt trong bộ ba Mỹ-Hàn-Triều như hiện tại. Bắc Kinh sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để mở rộng tầm ảnh hưởng và lợi ích trong khu vực”.
Tiếp tục gây sức ép tối đa?
Năm ngoái, Liên Hợp Quốc đã đề xuất áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Triều Tiên. Sở dĩ Trung Quốc đồng ý tham gia vì muốn ép Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán, chứ không phải vì muốn Bình Nhưỡng thay đổi chế độ.
Sau khi Triều Tiên tuyên bố ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa, một số người cho rằng Bắc Kinh đã có thể nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Không lâu sau khi ông Kim đưa ra tuyên bố ‘chấn động’ trên, Thời báo Hoàn cầu đã đăng tải một bài xã luận về các chính sách gây áp lực, trong đó có nêu:
“Nếu Washinton vẫn muốn gây áp lực tối đa để ép Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, thì điều đó rất nguy hiểm, và cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều sẽ phản đối cách tiếp cận ấy. Việc duy trì áp lực sẽ gây ra cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn nữa”.
“Cộng đồng quốc tế cần cân nhắc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt và khôi phục một số giao dịch với Triều Tiên, để họ thấy được những lợi ích lớn lao khi gia nhập cộng đồng quốc tế, đồng thời việc từ bỏ vũ khí hạt nhân cũng sẽ giúp họ đảm bảo an ninh quốc gia”.
Chính phủ Trung Quốc dường như cũng muốn thuyết phục cộng đồng thế giới áp dụng cách tiếp cận trên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, ngoài biện pháp trừng phạt, các quốc gia có thể cân nhắc biện pháp khuyến khích việc phi hạt nhân hóa, đồng thời thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy vậy, Nhà Trắng vẫn khẳng định rằng trước khi Bình Nhưỡng thực sự bắt đầu giải trừ vũ khí hạt nhân và tên lửa, Mỹ sẽ không đưa ra bất cứ nhượng bộ nào và sẽ tiếp tục duy trì áp lực tối đa với Triều Tiên.
Chắc chắn ông Tập không hề muốn Mỹ làm chủ trong sân nhà, nhất là trong thời điểm quan hệ Trung-Mỹ đang hết sức căng thẳng như hiện nay.
Theo chuyên gia Duyeon Kim, Bắc Kinh sẽ tận dụng mọi cơ hội để tác động đến kết quả của hai hội nghị thượng đỉnh, nếu mọi chuyện không diễn ra theo ý muốn của họ.