Hàng loạt nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ gốc Hoa bị bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp kinh tế và trộm bí mật thương mại.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trong những năm gần đây tập trung vào tội phạm mạng, gián điệp kinh tế và trộm bí mật thương mại. Kể từ khi FBI thành lập đơn vị phòng chống gián điệp kinh tế năm 2009, số vụ án điều tra (đa phần dính líu đến Trung Quốc) tăng trung bình 18% hằng năm.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ mới đây, Giám đốc FBI Christopher Wray cảnh báo các giáo sư, nhà khoa học và sinh viên Trung Quốc ở Mỹ là “mối đe dọa cho toàn xã hội”. Theo tờ The New York Times, Nhà Trắng đang cân nhắc những biện pháp (bao gồm hạn chế cấp thị thực) nhằm ngăn chặn công dân Trung Quốc tham gia vào những dự án nghiên cứu nhạy cảm tại các trường đại học ở Mỹ do lo ngại họ có thể trộm bí mật. Chính phủ Mỹ có động thái này sau khi hàng loạt nhà khoa học gốc Hoa và mang quốc tịch Trung Quốc lãnh án tù về tội trộm bí mật thương mại.
Vụ mới nhất là nhà khoa học người Trung Quốc tên Trương Vĩ Cường lãnh án 10 năm 1 tháng tù giam hồi tháng 4 về tội trộm mẫu giống cây trồng biến đổi gien từ cơ sở nghiên cứu ở Mỹ. Không chỉ công dân Trung Quốc, các nhà khoa học Mỹ gốc Hoa cũng trộm bí mật. Vào năm 2014, doanh nhân gốc Hoa Walter Lian-Heen Liew bị kết án 15 năm tù giam vì tội trộm bí mật về sản xuất titan dioxit của Công ty DuPont (Mỹ), bán cho các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc. Trước đó, kỹ sư gốc Hoa Dongfan “Greg” Chung của Hãng Boeing lãnh án 15 năm tù hồi năm 2010 vì trộm bí mật về chương trình tàu không gian và tên lửa Delta IV. FBI cáo buộc ông Chung hành động theo chỉ thị của chính quyền Trung Quốc.
Theo trang tin Quartz, số lượng vụ bị kết án dính líu đến công dân Trung Quốc nhiều hơn so với người Mỹ gốc Hoa. Tuy nhiên, các nhà khoa học gốc Hoa đang sống trong bầu không khí hoang mang, lo sợ FBI “thà bắt lầm còn hơn bỏ sót”. Kể từ năm 2014, ít nhất 5 nhà khoa học gốc Hoa bị kết tội làm gián điệp kinh tế hoặc trộm các bí mật đã được hủy cáo trạng. Trong một số vụ án, giới phê bình và các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích chính phủ Mỹ vội vã quy tội mà thiếu bằng chứng và am hiểu về khoa học.
Đa số những vụ được hủy cáo trạng là các nhà khoa học gốc Hoa có liên lạc với phía Trung Quốc để mở rộng hợp tác nghiên cứu, nhưng trở thành đối tượng tình nghi. “Những vụ bắt bớ, truy tố rồi hủy cáo trạng khiến cộng đồng bức xúc và hoang mang. Nhiều nhà khoa học gốc Hoa tự hỏi liệu rằng họ có trở thành nghi phạm tiếp theo?”, nhà vật lý học Albert Chang thuộc Đại học Duke, nói với tờ South China Morning Post. Chính vì thế, nhóm nhà khoa học gốc Hoa hàng đầu ở Mỹ “Ủy ban 100” thời gian gần đây phải tiến hành hàng loạt hội thảo chuyên đề về luật chống gián điệp nước ngoài và “cách liên hệ với Trung Quốc” để tránh bị FBI liệt vào diện tình nghi.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc chỉnh lỗi website hàng không
Nhà Trắng ngày 5.5 chỉ trích nặng nề việc Trung Quốc gây áp lực buộc các hãng hàng không nước ngoài thay đổi cách thức đề cập Đài Loan, Hồng Kông và Macau trên website hoặc các nền tảng ấn bản khác của mình. Theo Reuters, Cơ quan Hàng không dân dụng Trung Quốc đã gửi thư đến 36 hãng hàng không, bao gồm một số hãng của Mỹ, yêu cầu phải điều chỉnh các nội dung cho rằng 3 lãnh thổ đề cập ở trên không thuộc Trung Quốc. “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngưng ngay hành động đe dọa và ép buộc các hãng hàng không và công dân Mỹ”, theo đại diện Nhà Trắng. Phát ngôn viên của Hiệp hội Hàng không Mỹ cho hay đang làm việc với chính quyền Mỹ để đưa ra cách xử lý phù hợp.