Trung Quốc tiếp tục sử dụng kinh tế, thương mại và thị trường làm đòn bẩy kéo các bên yêu sách vào quỹ đạo, dùng tên lửa, vũ khí làm công cụ răn đe.
ABS CBN News ngày 7/5 đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm thứ Hai nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Indonesia Joko Widodo ở Bogor rằng:
“Bất chấp những khác biệt về quan điểm giữa chúng ta (Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN), chúng ta vẫn cần duy trì sự ổn định trên Biển Đông.”
Tờ báo Philippines này lưu ý, phát biểu nói trên của ông Lý Khắc Cường được đưa ra trong bối cảnh chỉ vài ngày trước đó có thông tin Trung Quốc đã bố trí tên lửa ở Trường Sa.
CNBC đưa tin, Bắc Kinh đã cài đặt hệ thống tên lửa hành trình chống hạm (YJ-12) và tên lửa phòng không (HQ-9B) ở Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn;
Đó là 3 trong 7 cấu trúc địa lý Trung Quốc đảo hóa, quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Trường Sa.
ABS CBN lưu ý, Tổng thống Indonesia đã không nhắc gì tới Biển Đông sau những phát biểu này của ông Lý Khắc Cường trong cuộc họp báo chung.
The Straits Times, Singapore cùng ngày tường thuật lời phát biểu của ông Lý Khắc Cường tại Indonesia, rằng:
“Cùng nhau, Trung Quốc và ASEAN sẽ bảo vệ sự ổn định của khu vực. Và cùng nhau, chúng ta sẽ bảo vệ được hòa bình, ổn định, tự do hàng hải trên Biển Đông.”
Tờ báo Singapore này dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh cam kết sẽ giải quyết hòa bình các “tranh chấp song phương ở Biển Đông” với các nước thành viên ASEAN.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ảnh: ABC News. |
Tờ The Jakarta Post, Indoneisa cùng ngày gọi chuyến công du của ông Lý Khắc Cường đến đất nước vạn đảo là “chuyến thăm lịch sử”;
Bởi nó diễn ra nhân dịp 5 năm Trung Quốc – Indonesia trở thành đối tác chiến lược toàn diện, 15 năm quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN.
The Jakarta Post lưu ý, mặc dù Indonesia không phải một bên có yêu sách tranh chấp ở Biển Đông (khu vực Trường Sa), nhưng yêu sách (lưỡi bò) của Trung Quốc về cái gọi là “vùng đánh cá truyền thống” đã chồng lên một số khu vực (thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Indonesia) ở quần đảo Natuna.
Do đó tờ báo khuyến nghị Tổng thống Joko Widodo, là một người bạn tốt của Trung Quốc, ông nên khuyên Bắc Kinh tự kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh bất kỳ hành động nào có thể khuấy động căng thẳng ở Biển Đông.
Đây cũng là thời điểm Tổng thống Joko Widodo nên thuyết phục Trung Quốc tích cực trong việc đàm phán bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc với tất cả các bên liên quan.
Một bộ quy tắc ứng xử như vậy sẽ tương thích với chính sách láng giềng thân thiện mà Trung Quốc đang kêu gọi, với cả các bên có yêu sách ở Biển Đông.
Tuy nhiên, dường như tăng cường hợp tác kinh tế – thương mại và mở cửa thị trường Trung Quốc cho các sản phẩm của Indonesia đang là ưu tiên số một của ông Joko Widodo tron giai đoạn này.
Trung Quốc cũng tiếp tục sử dụng kinh tế, thương mại và thị trường như một đòn bẩy để kéo các quốc gia có yêu sách trên Biển Đông vào quỹ đạo “đàm phán song phương” mà họ vạch ra, để hiện thực hóa tham vọng đường lưỡi bò phi pháp, không được cả thì cũng được một phần.