Cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore đang được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm. Cùng với việc chờ đợi những kết quả tốt lành cũng có những nghi ngại của giới quan sát: Liệu Trump có hối hận vì đã biến mình thành tâm điểm chú ý ?
Tại cuộc gặp thượng đỉnh này rất có thể Trump sẽ tránh đọc hoặc nghe ý kiến từ các chuyên gia. Có thể ông sẽ đắm chìm trong dòng thông tin trái chiều. Từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, Trump thường được dẫn dắt bởi cảm giác tiêu cực với những người tiền nhiệm, nhất là Tổng thống Barack Obama. Họ cho rằng Trump quá cả tin, không tập trung giải quyết rốt ráo các vấn đề nóng.
Trước đó, cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên: Moon-Kim đầy xúc động ở Panmunjom, “làng hoà bình” trên biên giới hai miền, đã đặt ra một thử thách lớn cho ông Trump. Ông thường thích phô diễn tài năng tạo lập thỏa thuận để có thể khoe với thế giới rằng: “Bạn đang thấy khủng hoảng đây nhé, giờ thì nó biến mất rồi.” Không phải thế đâu ông Trump, tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không dễ bị xoá tan!
Giới phân tích dự Đoán rằng, cùng lắm, cuộc gặp Trump-Kim chỉ đẻ ra những công thức mơ hồ cho những gì có thể sẽ đạt được qua các cuộc đàm phán tương lai. Bởi bản tuyên bố chung từ hội nghị song phương của Moon và Kim do họ tự nhận cũng chỉ là: “cùng chia sẻ giấc mơ phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên”.
Dự báo Kim sẽ đem lại cho Trump những lời trấn an mĩ miều hơn cả những gì mà ông ta đem lại cho Moon. Rằng, kho vũ khí hạt nhân của họ chỉ là để tự vệ – một phản ứng logic trước hàng thập niên thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên. Kim sẽ khẳng định việc Trump sẵn sàng gặp ông ta là một động thái đáng hoan nghênh đầu tiên trên con đường phi hạt nhân hoá. Triều Tiên sẽ đáp lại bằng một số nhượng bộ tương ứng, thí dụ như ngừng thử vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa.
Đến đây một câu hỏi đặt ra: Triều Tiên liệu có quay trở lại trạng thái là một nước phi hạt nhân và tái gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)? Có thể các nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ nói điều đó mất nhiều thời gian hơn và đòi hỏi các biện pháp từng bước một từ phía Mỹ và các đồng minh khu vực để xóa bỏ “nghi ngờ”.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump sẽ không chấp nhận bất cứ chuyện gì diễn ra “từng bước một”. Ông sẽ tìm đường tắt để đạt được một kết quả giống như những mục tiêu ông đã tuyên bố. Vì từng chỉ trích các căn cứ tiền phương của Mỹ trong quá khứ, Trump có thể sẽ đề xuất một cử chỉ đãi bôi để chứng minh Mỹ không có ý định dùng lực lượng quân đội ở Hàn Quốc để chống lại Triều Tiên. Trump cũng có thể nêu vấn đề các công dân Mỹ đang bị giam trong các nhà tù Triều Tiên.
Kim có thể sẽ trả lời rằng họ bảo đảm tù nhân được thả là rất khó, do hệ thống tư pháp “độc lập” của Triều Tiên, nhưng ông ta sẽ thể hiện là một lãnh đạo nhân từ, thậm chí tỏ ra thương tiếc cho Otto Warmbier, một sinh viên Mỹ được Triều Tiên trả tự do năm ngoái trong tình trạng hôn mê và qua đời sau đó không lâu. Tuy nhiên, Kim sẽ thoái thác trách nhiệm về những đòn roi mà Warmbier đã phải chịu đựng.
Cuộc gặp Trump-Kim dự báo một bầu không khí ấm áp. Kim có lẽ sẽ vẽ ra những kế hoạch phát triển kinh tế của Triều Tiên và mục tiêu biến thủ đô Bình Nhưỡng thành một thành phố đẳng cấp quốc tế với. Kim cũng sẽ giải thích tại sao các lệnh cấm vận phải được dỡ bỏ trước khi ông ta có thể đặt nền móng cho tiến trình phi hạt nhân hoá.
Đáp lại Trump sẽ chất vấn Kim về định nghĩa “phi hạt nhân hoá” lỏng lẻo của Triều Tiên. Kể cả khi không thống nhất về thời gian biểu thì Kim có thể ít nhất vẫn phải thừa nhận rằng phi hạt nhân hoá là quá trình dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân một cách toàn diện, chính thức, và không thể đảo ngược.
Trong ván cờ lắt léo này, Trump sẽ cần thực hiện đồng thời nhiều nước cờ hóc hiểm. Để lấy lòng dư luận ở Hàn Quốc, Trump sẽ phải vạch ra một lộ trình giữa việc duy trì tinh thần hội nghị liên Triều với việc không chấp nhận giảm nhẹ các lệnh cấm vận. Mỹ cũng không được làm gì khiến suy yếu quan hệ đồng minh với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trump cần giữ lại mọi giải pháp thay thế khả dĩ, mặc dù các phương án quân sự ngày càng trở nên khó biện minh hơn. Điều quan trọng nhất mà ông cần đạt được là ít nhất khiến chế độ Triều Tiên công nhận phi hạt nhân hoá thật sự là mục tiêu, và đồng ý với quá trình duy trì đối thoại, có thể dẫn đến một hội nghị thượng đỉnh khác.
Trên đây là những dự báo về cuộc gặp Trump- Kim. Vào lúc này có thể Tổng thống Mỹ đang tự hỏi, liệu cuộc gặp sắp tới tại Singapore có tốt hơn Kế hoạch Hành động Toàn diện chung của Mỹ với Iran mà ông miêu tả là “thoả thuận tệ nhất trên đời” hay không?