Tuesday, November 12, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐe dọa hủy hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim: Triều Tiên...

Đe dọa hủy hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim: Triều Tiên muốn gì?

Ngày 16/5, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố dừng các cuộc hội đàm cấp cao với Hàn Quốc, thậm chí dọa xem xét lại kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Mỹ tại Singapore vào ngày 12/6 tới. Phản ứng bất ngờ có thể là nước cờ cao tay của Bình Nhưỡng.

Theo KCNA, hành động này của Triều Tiên nhằm phản đối cuộc tập trận không quân chung Max Thunder của Mỹ và Hàn Quốc. Từ lâu, Bình Nhưỡng luôn cho rằng đây là động thái chuẩn bị cho kịch bản xâm lược Triều Tiên.

Ngay sau tuyên bố hủy cuộc họp cấp cao hôm 16/5 với Hàn Quốc và lời đe dọa xem xét lại hội nghị thượng đỉnh với Mỹ tại Singapore ngày 12/6 tới, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan khẳng định, Bình Nhưỡng “sẽ không còn quan tâm đến các cuộc đàm phán” nếu bị chính quyền Trump “dồn vào chân tường và đơn phương yêu cầu từ bỏ vũ khí hạt nhân”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây chỉ là đòn “nắn gân”, thăm dò của Triều Tiên trước thềm sự kiện lịch sử nói trên.

“Động thái này rõ ràng nhằm bảo đảm vị thế cao của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân, đặc biệt liên quan tới vấn đề cốt lõi là bảo đảm an ninh của chính quyền. Sau tất cả, Triều Tiên chỉ quan tâm tới hai vấn đề chính, bao gồm các cuộc tập trận quân sự và việc Mỹ triển khai các khí tài chiến lược tới bán đảo (Triều Tiên). Triều Tiên thực sự muốn giải quyết các vấn đề này, chứ không phải phá hỏng các nỗ lực đàm phán”, chuyên gia an ninh Park Won-gon tại Đại học toàn cầu Handong nhận định.

Theo bình luận viên Josh Smith của Financial Review, động thái cứng rắn bất ngờ này của chính quyền Bình Nhưỡng nhiều khả năng là một hành động thăm dò thiện chí của Mỹ trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh và đánh giá mức độ nhượng bộ của chính quyền Trump.

“Người Triều Tiên biết cách làm thế nào để đưa ra một lời đe dọa nghiêm trọng. Đây rất có thể là cách để họ tìm kiếm thêm đòn bẩy hoặc để đoán định xem chính quyền Trump sẽ phản ứng như thế nào”, Adam Mount, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhận định.

Theo chuyên gia Frida Ghitis của CNN, cách mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang thử thách Mỹ giống với những gì mà cha và ông nội từng làm: đòi hỏi nhượng bộ, tìm kiếm lợi ích kinh tế và chính trị trong khi nhượng bộ hoặc hứa hẹn nhượng bộ nhưng sau đó lại không làm như vậy.

Cơn giận dữ của Triều Tiên liên quan tới cuộc tập trận của liên minh Mỹ – Hàn được cho là một động thái gây bất ngờ. Hồi đầu năm, khi bầu không khí căng thẳng trên bán đảo bắt đầu hạ nhiệt, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng bày tỏ sự “thấu hiểu” của ông đối với các cuộc tập trận này.

Tập trận Max Thunder là sự kiện thường niên của không quân hai nước và nhà lãnh đạo Kim biết rõ điều này. Vậy nên tuyên bố dọa rút khỏi hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra ở Singapore chỉ là phép thử đối với Tổng thống Trump, thăm dò xem nhà lãnh đạo Mỹ sẽ làm gì để ngăn chặn sự sụp đổ của sự kiện đang được cả thế giới mong đợi.

Trên thực tế, Triều Tiên cũng rất mong chờ hội nghị thượng đỉnh với Mỹ ngày 12/6 tới, tuy nhiên, những tuyên bố gần đây từ cả Washington và Seoul khiến Bình Nhưỡng cảm thấy trở nên yếu thế hơn trước cuộc đàm phán.

“Kim rất mong chờ cuộc gặp với ông Trump, nhưng Triều Tiên đang nóng lên trước những tuyên bố gây áp lực liên tục được quan chức Mỹ đưa ra trong thời gian gần đây”, Jeffrey Lewis, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey nhận định.

Nhà quan sát Triều Tiên Oliver Hotham cho rằng Mỹ đang hành xử như thể đã đạt được thỏa thuận với Triều Tiên, ông nhận định: “Họ nói về các ưu đãi kinh tế, vận chuyển toàn bộ vũ khí hạt nhân Triều Tiên ra khỏi lãnh thổ. Bây giờ Triều Tiên muốn đáp trả rõ ràng rằng họ cũng có thể đưa ra một chiêu bài khó tương tự”.

Theo ông Koh Yu-hwan, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, “Bình Nhưỡng dường như tin rằng mặc dù họ đã triển khai các biện pháp đơn phương, bao gồm việc dừng các vụ thử và phá hủy khu thử hạt nhân, tất cả đều với mục đích xây dựng lòng tin, thì vẫn chưa có sự thay đổi nào trong lập trường của Seoul và Washington”.

Đe dọa hủy hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim Jong-un: Triều Tiên muốn gì?

Tiêm kích F-16 của Không quân Hàn Quốc tham gia tập trận Max Thunder. (Ảnh: The Korea Herald)

Các chuyên gia đều tin rằng, nhiều khả năng Bình Nhưỡng chỉ dừng lại ở những lời đe dọa chứ không đơn phương hủy bỏ cuộc gặp này một cách dễ dàng như vậy. Tuy nhiên, nhà bình luận Michael McGough của LATimes dự đoán lời đe dọa này của Triều Tiên mới chỉ là khởi đầu cho những trở ngại trên con đường gập ghềnh hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra ở Singapore.

“Ông ấy vẫn muốn gặp Trump, nhưng có thể không cần nó diễn ra vào tháng 6”, Mitchell nói. “Với những gì đã chấp nhận, Mỹ bị dồn vào thế bị động và Kim Jong-un đạt được lợi thế về tuyên truyền”.

RELATED ARTICLES

Tin mới