Trung Quốc có thể lấp chỗ trống và hưởng lợi ở Iran do các công ty phương Tây rút lui trước sức ép trừng phạt của Mỹ.
“Lấp chỗ trống”
Hãng tin AFP vừa có bài phân tích về tác động của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Tehran, trong đó Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ quyết định này.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran có thể khiến các nhà đầu tư châu Âu lo ngại và rút lui, nhưng một quốc gia đang khát dầu như Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào thế chỗ và tăng cường làm ăn với Iran.
Trung Quốc cũng là một bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, là đối tác thương mại hàng đầu và là một trong những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran. Bắc Kinh đã tỏ dấu hiệu sẽ tiếp tục hợp tác với Tehran bất chấp động thái trên của Mỹ.
Giới phân tích Trung Quốc đã ngay lập tức nhìn thấy cơ hội khi chỉ ra rằng việc các công ty của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu rút lui, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể gia tăng cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran trước đó cũng đã mang lại lợi nhuận cao cho Bắc Kinh. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này đã tham gia nhiều dự án phát triển tại Iran trị giá ít nhất là 33 tỷ USD tính đến tháng 6/2017. Đây chính là một phần trong Sáng kiến “Vành đai và con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc.
Bắc Kinh cho biết công ty dầu khí quốc doanh CNPC của họ đang có kế hoạch thay thế Tập đoàn năng lượng Total của Pháp trong một dự án khí đốt lớn tại Iran nếu tập đoàn này rút khỏi dự án vì lo ngại các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Động thái vừa qua của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến tất cả các công ty hoạt động bằng đồng USD hoặc đang kinh doanh trên đất Mỹ, đặc biệt là các công ty châu Âu.
Nhưng sức hấp dẫn từ nguồn tài nguyên của Iran đã khiến Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, không thể cưỡng lại được. Iran hiện là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ 5 của Trung Quốc, với hơn 1/4 sản lượng được bán cho Bắc Kinh. Nhờ dầu thô, kim ngạch thương mại Trung Quốc-Iran đã tăng 20% trong năm 2017 lên 37 tỷ USD.
Một quốc gia khát dầu như Trung Quốc khó có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của Iran |
Các công ty châu Âu có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Total đã khởi động dự án khí đốt South Pars 11 trị giá 4,8 tỷ USD vào tháng 7/2017, tức là sau 2 năm thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc phương Tây được ký kết, vốn đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp quay trở lại với Iran.
Tuy nhiên, tập đoàn năng lượng của Pháp này hôm 16/5 vừa qua cho biết, nếu họ không được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ, họ sẽ không thể tiếp tục dự án khí đốt tại Iran.
Việc này đã mở ra một cánh cửa cho CNPC lấp chỗ trống đó. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết nếu Total rút khỏi dự án, cổ phần của họ trong dự án – ước tính chiếm hơn một nửa – sẽ được trao cho công ty Trung Quốc.
Cơ hội hạ bệ đồng bạc xanh?
Giới phân tích nhận định do khát dầu cũng như những đụng độ thương mại với Mỹ, Trung Quốc sẽ không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bên cạnh đó, giá dầu của Iran có khả năng giảm xuống do số lượng khách hàng ít hơn, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn với Trung Quốc.
Và trong bối cảnh Washington nhằm vào các giao dịch bằng đồng USD thì đồng nhân dân tệ có thể được sử dụng để tránh các quy định mới.
Nhà phân tích Michael Cohen thuộc công ty tài chính Barclays của Anh cho biết: “Trong năm 2012-2013, Iran đã mở các tài khoản bằng đồng nội tệ ở các quốc gia mua dầu, và sau đó số tiền này được sử dụng để chi trả cho các hoạt động nhập khẩu”.
Ông Cohen nói thêm rằng: “Nếu Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc không áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Iran, có khả năng những nước này cũng sẽ không dừng việc nhập dầu từ Iran”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hồi tuần trước đã nói rõ rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục kinh doanh với Tehran: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác bình thường và minh bạch với Iran trên cơ sở không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế”.
Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình Iran để đẩy mạnh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và hạ bệ đồng USD? |
Hồi tháng 3/2018, các hợp đồng mua dầu thô giao sau thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đã ra mắt tại Thượng Hải, một nỗ lực thách thức vị thế kiên cố của các hợp đồng tương tự thanh toán bằng USD ở New York và London.
Khối lượng giao dịch của các hợp đồng tại Thượng Hải đã tăng gấp đôi sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trung Quốc mong muốn tiếp tục quốc tế hóa hơn nữa việc sử dụng đồng nhân dân tệ và có thể khiến Tehran giao dịch bằng đồng tiền này. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc này sẽ không lớn, bởi thương mại Iran và Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường dầu thô.
Mặt khác, dầu mỏ Iran không phải là không thể thay thế đối với Trung Quốc bởi quốc gia Đông Bắc Á này có thể nhập khẩu nhiều hơn từ Nga và Saudi Arabia.
Các công ty Trung Quốc cũng sẽ vô cùng cẩn trọng để không làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh ở Mỹ hay những nước phương Tây khác. Ngay cả CNPC cũng có một vài đối tác thương mại ở Mỹ.
Công dân Trung Quốc được sơ tán khẩn cấp khỏi Libya đang lên một chuyến tàu ở cảng Benghazi hồi tháng 2/2011 |
Như vậy, dù có cơi hội “lấp chỗ trống” ở Iran để kiếm lời và thúc đẩy các tham vọng của mình song những bất ổn ở quốc gia Trung Đông này cũng có thể ngăn cản đầu tư của Trung Quốc. Một trong những bài học “đau đớn” được nhắc tới là việc Trung Quốc đã “rót” quá nhiều vào Libya cũng như Venezuela. Các khoản đầu tư lớn của Bắc Kinh đồng nghĩa với những tổn thất không nhỏ khi Libya bị phương Tây tấn công còn Venezuela đang tiếp tục rơi vào khủng hoảng.
Các nước châu Âu dù to tiếng bày tỏ quyết tâm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, khẳng định bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trong làm ăn với Tehran nhưng vẫn phải quan sát các động thái của Mỹ. Nhiều công ty châu Âu bắt đầu “rục rịch” rút khỏi Iran do lo ngại bị Mỹ trừng phạt.
Ngày 18/5, người phát ngôn của Ngân hàng DZ (Đức) có trụ sở tại Frankfurt cho biết, ngân hàng này sẽ đình chỉ các giao dịch tài chính với Iran vào tháng 7 tới.
Ngân hàng Đức giải thích rằng quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra sự không chắc chắn về các giao dịch kinh doanh với Iran và DZ sẽ đình chỉ hoàn toàn các giao dịch thanh toán nước ngoài liên quan đến Iran bắt đầu từ ngày 1/7 tới.