Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHoàn Cầu nói gì về vụ du khách TQ mặc áo in...

Hoàn Cầu nói gì về vụ du khách TQ mặc áo in lưỡi bò đến Cam Ranh?

Yêu cầu du khách Trung Quốc thay áo thun in hình lưỡi bò khi vào lãnh thổ Việt Nam không phải sự “thiếu tự tin”, Trung Quốc thiếu tự tin mới dùng tiểu xảo.

 

Thời báo Hoàn Cầu ngày 15/5 đưa tin, 14 du khách Trung Quốc đã bị các lực lượng chức năng Việt Nam yêu cầu thay áo thun in hình bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò nuốt trọn Biển Đông, khi họ làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu hàng không quốc tế Cam Ranh hôm 13/5.

Tờ báo này cho rằng, hoạt động (hợp pháp) của các lực lượng chức năng Việt Nam trong vụ việc này “dường như cường điệu hóa, nhằm khuấy động tâm lý chống Trung Quốc”.

Hoàn Cầu dẫn lời Chen Xiangmao từ Viện nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc thành lập tại đảo Hải Nam bình luận:

“Đây là một hành vi cá nhân được thúc đẩy bởi chính quyền và phương tiện truyền thông Việt Nam nhằm kích động tâm lý dân tộc chống lại Trung Quốc. 

Nó có thể gây hại cho quan hệ song phương nếu họ (Việt Nam) tiếp tục thổi phồng vụ việc, hoặc có bất kỳ lựa chọn tích cực nào trong việc đối phó với các du khách Trung Quốc có liên quan.”

Liu Feng, một nhà nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu Biển Đông, Hải Nam nói với Thời báo Hoàn Cầu:

“Sự cố phản ánh sự thiếu tự tin của Việt Nam với các tuyên bố của mình ở Biển Đông và sự cảnh giác quá mức đối với Trung Quốc.”

Thời báo Hoàn Cầu cũng dẫn thông tin từ báo Tuổi Trẻ cho hay, năm 2016 các lực lượng chức năng Việt Nam cũng đã từ chối đóng dấu vào hộ chiếu Trung Quốc có in hình lưỡi bò, mà cấp thị thực riêng cho những người mang hộ chiếu này. [1]

Ngày 15/5 VOV đưa tin, tổng cộng có 14/40 người trong đoàn du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình lưỡi bò đến sân bay quốc tế Cam Ranh tối 13/5.

Sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh, nhóm này đã cởi áo khoác, lộ ra áo phông bên trong in đường lưỡi bò.

Bà Bùi Thị Tuyết, trợ lý giám đốc Công ty Aladin, đơn vị nhận đoàn khách Trung Quốc này cho biết, bình quân mỗi tháng Công ty đưa khách Trung Quốc đến Nha Trang khoảng vài ngàn người.

Bà Tuyết được VOV dẫn lời nói rằng: 

“Khi biết sự việc này, công ty đã báo với khách, cởi bỏ áo tại sân bay. Về khách sạn cũng đã gom lại để nộp cơ quan Nhà nước. 

Lúc đó, khách rất hối hận, không biết rằng sự việc này nghiêm trọng đến vậy.

Họ cho biết, áo này mua ở chợ. Sự việc này chưa từng xảy ra, công ty hoàn toàn không biết vấn đề này”.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho rằng, để xảy ra sự việc này lỗi trước hết thuộc các doanh nghiệp đưa và đón khách du lịch Trung Quốc.

Theo ông Thành, cần sớm có bộ quy định cụ thể đối với du khách Trung Quốc khi đến Việt Nam: 

“Đây là một việc hết sức ảnh hưởng đến quốc gia. Cần nhanh chóng có một bộ quy tắc ứng xử, để giúp chúng ta đón khách tốt nhất, không ảnh hưởng đến việc làm du lịch. 

Đón khách với tinh thần mong muốn khách và ta đều tôn trọng lẫn nhau”.

Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết: 

“Đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc như vậy, chúng tôi không lường trước được, dẫn đến lúng túng. Ở đây có câu chuyện về chủ quyền, xử lý thế nào thì phải bàn bạc.”

Chúng tôi cho rằng xử lý tình huống của các cơ quan chức năng cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và chính quyền tỉnh Khánh Hòa như thế là hợp tình hợp lý và cần thiết.

Tuy nhiên, có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta chuẩn bị được những cuốn sổ tay cẩm nang du lịch giới thiệu về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam dọc bờ Biển Đông bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Anh để phát cho du khách, có lẽ sẽ còn ý nghĩa hơn.

Trong đó cần nêu bật nguồn gốc xuất xứ của đường lưỡi bò cũng như tính phi pháp, vô lý của nó và Phán quyết Trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã tuyên.

Đó cũng là cách đấu tranh hiệu quả với các thủ đoạn nhằm du nhập đường lưỡi bò và tuyên truyền cho yêu sách vô lý của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam.

Bởi suy cho cùng, dù khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam do vô tình “mua áo in đường lưỡi bò ngoài chợ”, hay đóng vai trò một lực lượng tuyên truyền viên, thì họ cũng là nạn nhân của chính sách tuyên truyền lộng giả thành chân.

Những trường hợp đã được giải thích và yêu cầu hủy bỏ ấn phẩm, tài liệu vi phạm luật pháp Việt Nam mà không chấp hành, thì cần có chế tài đủ mạnh.

Thiết nghĩ đó là những biện pháp tự vệ chính đáng, văn minh để tránh những tranh cãi không đáng có, hoàn toàn không có ý nghĩa “khuấy động tâm lý chống Trung Quốc” như tuyên truyền của Thời báo Hoàn Cầu.

Và nó càng không thể hiện sự “thiếu tự tin” của Việt Nam như ông Liu Feng nhận định. Sự “thiếu tự tin”, nếu có, thuộc về phía Trung Quốc.

Bởi nếu đủ tự tin vào đường lưỡi bò, Trung Quốc đã không chối bay chối biến việc tranh tụng trước cơ quan tài phán quốc tế;

Nếu đủ tự tin, họ đã không chấp nhận phủi sạch những thành tựu của nhân loại trong việc xây dựng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc cũng là thành viên tích cực đóng góp và đã phê chuẩn.

RELATED ARTICLES

Tin mới