Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom hạ cánh xuống quần đảo Hoàng Sa cho thấy hành động khiêu khích của Bắc Kinh, nhằm tìm cách xác quyết chủ quyền phi pháp tại Biển Đông, vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế…
Máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc hoạt động trái phép ở khu vực Biển Đông, gây căng thẳng khu vực
Trung Quốc đã bị nhiều nước lên tiếng phản đối khi tổ chức tập trận trên Biển Đông hôm 18/5 vừa. Các máy bay ném bom tầm xa H-6K có thể mang theo đầu đạn hạt nhân đã thực hiện một loạt các cuộc cất cánh và hạ cánh, trên vùng biển mà một phần ba lượng hàng hóa giao thương quốc tế phải đi qua.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn luôn ngang nhiên bác bỏ mọi chỉ trích, chối bỏ mọi cáo buộc quân sự hóa trái phép Biển Đông, dù đã thiết lập các căn cứ hải quân và không quân trên nhiều đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp từ năm 2013.
Theo chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), các máy bay ném bom Trung Quốc dường như đã hạ cánh xuống đảo Phú Lâm, đảo chính của quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực của Việt Nam năm 1974.
Từ Hoàng Sa, máy bay H-6K có thể bao quát hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông và nhiều nước xung quanh, theo một phân tích của CSIS. Trong thời bình, sự hiện diện quân sự tại đây giúp Trung Quốc có thể gây áp lực lên các nước láng giềng nhỏ bé, trong một vùng biển giàu tài nguyên dầu khí. Cũng theo chuyên gia Glaser, với hạm đội của mình Trung Quốc còn có thểrăn đe các nước láng giềng, không cho khai thác dầu khí.
Còn trong thời chiến, các khí tài quân sự của Trung Quốc triển khai tại đây sẽ làm tăng chi phí cho Mỹ nếu muốn can thiệp, bà Bonnie Glaser nhấn mạnh.
Kênh truyền hình Mỹ CNBC dẫn các nguồn tin tình báo cho biết từ đầu tháng 5/2018, Trung Quốc đã cho triển khai trái phép tên lửa chống hạm và phòng không tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Các chuyên gia ghi nhận, quốc tế không đoàn kết được trước tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh. Trung Quốc đã đạt được mục đích gây chia rẽ trong các nước thành viên ASEAN.
Còn các hoạt động vì tự do hàng hảimà Washington vẫn thực hiện thường xuyên, qua việc điều các chiến hạm đi tuần tra gần các đảo do Bắc Kinh kiểm soát, lại chưa đủ sức răn đe Trung Quốc.
Ông William Choong, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Singapore bình luận: «Mỹ chưa thể hình thành nổi một liên minh để ngăn cản Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông».
Vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 12/6 tới, «Tôi nghĩ rằng rõ ràng có một lý do chính trị phía sau thời điểm được lựa chọn»cho các phô diễn quân sự mới đây của Bắc Kinh, chuyên gia Euan Graham, Viện Lowy ở Úc nhận xét. Theo ông, Mỹ quá bận bịu với hồ sơ Triều Tiên, nên Trung Quốc có được kẽ hở để ra tay. Họ chọn đúng lúc mà phản ứng của Mỹ hầu như chắc chắn là rất chừng mực.
Nhưng theo ông Euan Graham, các hành động giương oai diễu võ của Bắc Kinh trước hết chỉ mang tính biểu tượng. Chuyên gia này nhấn mạnh: «Để triển khai thực sự lực lượng quân sự trên đảo Phú Lâm, cần phải thiết lập các cơ sơ hạ tầng và hậu cần, như vậy máy bay mới có thể cất cánh, được tiếp liệu, đồng thời dự trữ vũ khí và các trang thiết bị. Nếu chỉ đơn thuần là việc máy bay hạ cánh, thì không có nghĩa là sẵn sàng hoạt động».
Theo chuyên gia Graham, nếu Bắc Kinh triển khai các chiến đấu cơ tại quần đảo Trường Sa sẽ còn gây ra nguy cơ lớn hơn, do miền bắc Úc sẽ bị đặt trong tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc.