Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao ông Trump hủy bỏ Thượng đỉnh Mỹ - Triều?

Vì sao ông Trump hủy bỏ Thượng đỉnh Mỹ – Triều?

Việc huỷ cuộc gặp cấp cao ở Singapore là cách để Mỹ có thêm thời gian tìm ra chiến lược hoặc sách lược xử lý đồng thời quan hệ với Iran và Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã huỷ cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào ngày 12.6 tới ở Singapore.

Ông Trump đưa ra lý do là thái độ thù địch từ phía Triều Tiên. Cách lập luận này vốn rất thông dụng trong thế giới ngoại giao. Cả cách thức ông Trump công bố quyết định huỷ cuộc gặp cũng khác lạ so với tính cách cá nhân của ông Trump.

Ông Trump gửi thư tới ông Kim Jong-un, lấy làm tiếc vì “thế giới mất đi một cơ hội tuyệt vời cho hoà bình bền vững”, ngỏ ý vẫn sẵn sàng gặp ông Kim Jong-un chừng nào người này “thay đổi quan điểm” và đồng thời đề cập đến tiềm lực hạt nhân của Mỹ với hàm ý răn đe Triều Tiên.

Quyết định này của ông Trump không đột ngột mà là kết quả tác động của nhiều động thái diễn ra trước đó từ cả hai phía khiến bên ngoài vừa vẫn có thể lạc quan, lại vừa phải lo ngại về số phận của cuộc gặp thượng đỉnh, khiến cho câu hỏi hiện được quan tâm đến nhiều nhất là sự kiện này có được tiến hành như Mỹ và Triều Tiên đã dự định hay không, còn nhiều hơn cả câu hỏi về cuộc gặp có thành công hay không.

Những động thái trước đó

Những động thái có tác động tích cực đối với cuộc gặp là Triều Tiên thực hiện tuyên bố đóng cửa khu thử hạt nhân với sự chứng kiến của bên ngoài và Mỹ, Triều Tiên tiếp tục tham vấn những đồng minh quan trọng nhất của họ.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã sang Mỹ sau Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đi Trung Quốc lần thứ hai và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã đến Triều Tiên.

Nhưng đồng thời từ cả phía Mỹ lẫn phía Triều Tiên đều vừa có những phát biểu khuấy động khả năng cuộc gặp có thể bị hoãn hoặc thậm chí bị huỷ.

Giới chức Mỹ lên tiếng áp đặt điều kiện buộc Triều Tiên phải chấp nhận và thậm chí còn cả doạ nạt, cho rằng hiện đang ở thế mạnh nên có thể hành xử cường quyền đối với Triều Tiên, đặc biệt là đề cập đến cái gọi là Mô hình giải pháp Libya.

Cá nhân ông Trump thì chưa nhưng một vài cộng sự thân cận của ông Trump thì đã có hàm ý không có chuyện Triều Tiên đàm phán với Mỹ mà chỉ có chuyện Triều Tiên chấp nhận những điều kiện áp đặt của Mỹ.

Ông Trump đã đề cập đến khả năng cuộc gặp bị hoãn lại. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence úp mở là phía Mỹ có thể huỷ cuộc gặp. Triều Tiên cũng doạ sẽ huỷ cuộc gặp, cho dù tuyên bố này hiện mới ở cấp thứ trưởng ngoại giao.

Những động thái ấy cho thấy:

Thứ nhất, cả hai phía đều đã bắt đầu tính đến khả năng cuộc gặp cấp cao sẽ không diễn ra như dự định do quan điểm, thái độ của phía bên này hay bên kia, do bên này không lưu ý thoả đáng đến tính nhạy cảm về đối nội ở phía bên kia, do có sự chống phá trong nội bộ ở từng bên.

Nhưng nhiều khả năng nhất là trong quá trình chuẩn bị đang được xúc tiến đã xuất hiện những bất đồng quan điểm mang tính cơ bản mà nếu không khắc phục được thì cuộc gặp không thể thành công.

Một khi không thật sự tin tưởng và chắc chắn rằng cuộc gặp sẽ thành công thì ông Trump và ông Kim Jong-un sẽ không tới Singapore để gặp nhau trong ngày 12.6 tới.

Bất đồng quan điểm mấu chốt nhất giữa hai bên trong số những bất đồng ấy là mô hình giải pháp cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hai bên có thể dễ dàng nhất trí với nhau về mục tiêu “phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên” nhưng rõ ràng là chưa có được sự đồng thuận quan điểm về phải hiểu phi hạt nhân hoá như thế nào và thực hiện cụ thể ra sao.

Triều Tiên có lý do để lo ngại thực sự khi phía Mỹ đề cập đến Mô hình giải pháp Libia và rút khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran ở phương diện Mỹ nhiều lần ký kết thoả thuận rồi sau đó không thực hiện thoả thuận hoặc lật ngược thoả thuận.

Thứ hai, cả hai bên đều chủ động chuẩn bị dư luận cho trường hợp cuộc gặp không được tiến hành như đã dự định và tác động tới dư luận theo hướng làm cho dư luận tin rằng nếu trường hợp đó xảy ra thì lỗi ở phía bên kia chứ không phải tại bên này. Điều này sẽ có lợi cho họ trong việc tranh thủ dư luận quốc tế ở thời kỳ sau đó.

Thứ ba, cả hai bên đều có ý dùng khả năng xảy ra kịch bản xấu nhất là không có cuộc gặp để gây áp lực lẫn nhau buộc phải nhượng bộ nữa với nhau giúp cho cuộc gặp được tiến hành như đã dự định và thành công.

Vì lý do gì?

Ông Trump huỷ cuộc gặp với ông Kim Jong-un xem ra vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, trong quá trình chuẩn bị về nội dung cho cuộc gặp, Mỹ và Triều Tiên không đạt được sự nhất trí cần thiết về giải pháp cho vấn đề mấu chốt nhất là chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng như sự đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.

Cuộc gặp bị huỷ vì ông Trump không còn tin rằng sẽ đạt được thoả thuận với Triều Tiên. Đến Singapore để gặp ông Kim Jong-un mà rồi rời Singapore về Mỹ với tay trắng thì rất bất lợi, thậm chí cả tệ hại nữa, đối với ông Trump trong khi ông Kim Jong-un vẫn được lợi nhất định.

Ông Trump bỏ cuộc trước để tránh bị thất bại và phía Mỹ phải tuyên bố huỷ cuộc gặp trước khi Triều Tiên làm việc ấy.

Thứ hai, trong nội bộ chính quyền của ông Trump hiện có bất đồng quan điểm rõ nét và khá sâu sắc về cả Triều Tiên lẫn Iran và việc huỷ cuộc gặp cấp cao ở Singapore là cách để có thêm thời gian tìm ra chiến lược hoặc sách lược xử lý đồng thời quan hệ của Mỹ với Iran và Triều Tiên với cùng cách tiếp cận, theo cùng định hướng, nhằm cùng mục tiêu và bằng cùng lộ trình cụ thể.

Phía Mỹ chậm lại với Triều Tiên vì việc xử lý quan hệ với Iran chưa biết đến khi nào mới hết bế tắc.

Thứ ba, ông Trump và cộng sự có lẽ đã trù liệu rằng quá trình hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên bị ngưng trệ nhưng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn sẽ tiến triển và vẫn là nền tảng và tiền đề thuận lợi cho Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau trong tương lai.

Lịch sử không tự tạo nên bất ngờ. Con người mới tạo nên những biến động bất ngờ trong lịch sử, những bước ngoặt mà rồi lịch sử sẽ phán xử là bước tiến hay bước lùi, là đúng đắn hay sai lầm.

RELATED ARTICLES

Tin mới