Triều Tiên đã hoàn thành việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Thông tin này được xác nhận bởi đoàn nhà báo của các hãng tin có mặt chứng kiến sự kiện này.
Theo truyền thông Hàn Quốc, hôm nay 24-5, chính quyền Bình Nhưỡng đã hoàn thành việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri nằm ở tỉnh Bắc Hamgyong.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời các phóng viên của nước này có mặt tại bãi thử ngày 24-5 cho biết đã nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn trong ngày, kéo dài từ 11h đến 16h17 theo giờ địa phương (tức 9h đến 14h17, theo giờ VN).
Như vậy, lễ dỡ bỏ chính thức bãi thử hạt nhân này đã kéo dài hơn 5 giờ.
Phóng viên Tom Cheshire của Đài Sky News của Anh cũng mô tả: “Có một tiếng nổ lớn. Bạn có thể cảm thấy nó. Bụi bay về phía bạn, cái nóng ập vào bạn. Tiếng nổ cực lớn”.
Chứng kiến lễ dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri có 28 nhà báo nước ngoài đến từ Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Hàn Quốc.
Việc ngừng bãi thử hạt nhân là một quá trình quan trọng hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu”
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận việc đóng cửa bãi thử Punggye-ri ngày 24-5
Tuy vậy các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định liệu việc phá bỏ trên có dẫn tới việc bãi thử này sẽ không còn sử dụng được nữa hay không.
Thậm chí trước đây từng có những ý kiến cho rằng Triều Tiên tự công bố hủy bỏ bãi thử vì bãi này đã bị sụp đến mức không thể hoạt động được nữa sau những lần thử trước đó.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc Triều Tiên đồng ý phá hủy bãi thử một cách vô điều kiện và không đòi hỏi điều gì đáp lại từ phía Washington cho thấy Bình Nhưỡng muốn thay đổi một cách nghiêm túc.
Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc cũng dẫn lời các quan chức Hàn Quốc đánh giá việc Triêu Tiên dỡ bỏ bãi thử hạt nhân trên sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Bình luận này được đưa ra tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc. Các thành viên hội đồng đã đánh giá về việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri cũng như thảo luận các biện pháp tiếp theo.
Trước đó, Triều Tiên thông báo nước này sẽ đóng cửa toàn bộ đường hầm dưới lòng đất và các cơ sở liên quan tại bãi thử hạt nhân này bằng chất nổ.
Việc mời các nhà báo nước ngoài đến chứng kiến việc đóng cửa bãi thử là sự chủ động từ phía Bình Nhưỡng dù cũng có các nhà phân tích cho rằng việc không mời các chuyên gia chuyên môn cũng là sự thiếu sót đáng tiếc.
Các nhà báo của 5 nước (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Hàn Quốc) theo lịch trình rời khách sạn Galma, ở thành phố Wonsan vào lúc 18h chiều 23-5 giờ địa phương (tức 20h, giờ VN) tới ga Wonsan để khoảng một giờ sau đó lên chuyến tàu hỏa đặc biệt khởi hành tới ga Jaedok.
Hành trình này dài khoảng 416km, nhưng theo điều kiện đường sắt của Triều Tiên, đoàn tàu có thể đi với vận tốc 35km/h, tức là mất 12 giờ để các nhà báo đến được ga Jaedok. Từ đây, các nhà báo sẽ sử dụng ôtô để đến bãi thử Punggye-ri nằm cách đó 21km.
Nhân viên Triều Tiên hướng dẫn đoàn nhà báo Hàn Quốc tại sân bay Kalma ở Wonsan ngày 23-5 khi họ đến đưa tin về việc đóng cửa bãi thử hạt nhân. Nhóm nhà báo Hàn Quốc chỉ được chấp thuận vào giờ chót – Ảnh: REUTERS
Punggye-ri là bãi thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên, nơi nước này đã tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017, trong đó 2 vụ thử nghiệm cuối cùng được Triều Tiên tuyên bố là bom nhiệt hạch (bom H, loại vũ khí có sức công phá lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử thông thường)
Vụ thử ngày 3-9-2017 là có sức công phá mạnh nhất, vào khoảng 120 kiloton, gấp 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Vì vậy, việc phá bỏ bãi thử hạt nhân được xem là cử chỉ thiện chí đáng ghi nhận nhằm xây dựng lòng tin trong vấn đề hạt nhân, tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ – Triều dự kiến diễn ra ngày 12-6 tại Singapore.