Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tin"Đọc vị" ông Trump: Lên lịch, hủy hẹn, khẩu chiến, gửi tâm...

“Đọc vị” ông Trump: Lên lịch, hủy hẹn, khẩu chiến, gửi tâm thư – Tất cả vì điều gì?

Trước thềm cuộc gặp cấp cao ngày 12/6 tại Singapore, một vài sự kiện có ý nghĩa quan trọng đã diễn ra, gửi đi cả những tin tốt và tin xấu từ ông Trump và ông Kim.

Ngày 25/5 đánh dấu sự thất bại lần thứ 4 hoặc thứ 5 trong vài thập kỉ qua của các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ.

Những người trông đợi vào kì thượng đỉnh đều cảm thấy sốc, trong khi những người hoài nghi nói rằng họ đã dự đoán trước được việc ông Trump sẽ hủy bỏ cuộc gặp. Nhiều người nói đây là sai lầm lớn, nhưng có những người lại ca ngợi và gọi đó là sự sáng suốt của ông Trump.

Tuy nhiên, sau nhiều lần “hẹn rồi hủy”, ông Trump một lần nữa nói sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh. Có thể có. Có thể không.

Không ai biết nguyên nhân sâu xa tại sao cuộc gặp đổ vỡ và sau đó được phục hồi. Chúng ta sẽ phải chờ trong vài ngày tới cho tới khi ai đó trong Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng hoặc các cơ quan tình báo Mỹ tiết lộ lí do cho giới truyền thông.

Ông Trump ngầm ẩn ý rằng cuộc gặp ngày 12/6 rất có khả năng sẽ diễn ra. Trong lúc ấy, tin tức giả và các phỏng đoán sẽ tiếp tục tràn ngập các phương tiện truyền thông.

Sau đây là dự đoán của tôi về sự kiện này…

Tiền đề cuộc gặp thượng đỉnh

Trước thềm cuộc gặp cấp cao ngày 12/6 tại Singapore, một vài sự kiện có ý nghĩa quan trọng đã diễn ra, gửi đi cả những tin tốt và tin xấu từ ông Trump và ông Kim.

Tin tốt: Ngày 9/5, Triều Tiên thả ba tù nhân người Mỹ đang bị giam giữ, thể hiện thiện chí của Bình Nhưỡng trước cuộc gặp thượng đỉnh.

Tin xấu: Từ ngày 11/5, Mỹ và Hàn Quốc tập trận không quân mặc cho phản đối từ phía Triều Tiên. Bình Nhưỡng ngay lập tức phản ứng bằng cách hủy bỏ cuộc gặp đã được lên kế hoạch giữa Triều Tiên và Hàn Quốc với nội dung thảo luận xoay quanh việc chuẩn bị cho ngày thượng đỉnh 12/6 và các điểm cần đồng thuận vào cuộc gặp lịch sử giữa hai bên vào ngày 16/5.

Ông Kim không thể cho phép Mỹ và Hàn Quốc dồn ép mình. Cùng lúc, ông Trump không muốn để lộ bất kì sơ hở nào qua việc nhượng bộ ông Kim. Ông Trump tin rằng những người tiền nhiệm đã thỏa thuận thất bại vì nhượng bộ quá nhiều.

Tin rất xấu: Cố vấn An ninh Quốc gia mới được bổ nhiệm John Bolton và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence có những phát ngôn gay gắt với Triều Tiên. Ông Bolton nói hôm 16/5 rằng Triều Tiên có thể giải trừ hạt nhân theo mô hình Libya từng làm dưới thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2003.

Ông Gaddafi đã tuân thủ việc giải trừ và tỏ ra có trách nhiệm trong mọi động thái của mình. Tuy nhiên sau đó, liên quan do Mỹ dẫn đầu đã ném bom Libya, tước đi mọi quyền lực từ tay ông Gaddafi và cuối cùng khiến người đàn ông này thiệt mạng dưới tay quân nổi dậy vào tháng 10/2011. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói đây là sai lầm lớn nhất của ông và ông cảm thấy hối hận vì việc này.

Ông Kim không muốn theo mô hình này, bởi mọi nỗ lực nhằm thay đổi chế độ chính trị ở Triều Tiên đều là không thể chấp nhận được. Ông Bolton nên giải thích cụ thể rằng ông không đề cập tới chuyện thay đổi thể chế chính trị ở Triều Tiên.

Trong nhiều năm qua, ông Bolton đã nhiều lần nhắc tới việc lật đổ chính quyền – và thậm chí là gây chiến với Triều Tiên – như là giải pháp duy nhất đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tin xấu: Ngày 21/5, trong cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Mike Pence nói nếu Triều Tiên không giải trừ hạt nhân, thì kết quả sẽ như ông John Bolton nói trước đó: “Triều Tiên sẽ có cái kết như Libya”.

Tin rất xấu: Phó Ngoại trưởng Triều Tiên ngay lập tức gọi ông Pence là “bù nhìn chính trị”, và đe dọa tấn công Mỹ: “Chúng tôi có thể khiến Mỹ nếm trải bi kịch mà nước này chưa bao giờ trải nghiệm hoặc nghĩ tới.”

Không ai biết mục đích thực sự đằng sau những phát ngôn gây hấn trên là gì. Nhưng, những lời chỉ trích ông Pence đã khiến nhiều người trong Nhà Trắng bực bội. Tuy nhiên, ông Trump đã công khai gạt bỏ lời bình về mô hình Libya của cả ông Bolton và ông Pence.

Tin tốt: Trong lúc hai bên “khẩu chiến”, tân Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã gặp mặt các cán bộ Triều Tiên để thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh tháng 6 tới. Những thông báo từ phía ông Pompeo đều rất tích cực và lạc quan về mặt ngoại giao.

Tin xấu: Ngày 24/5, ông Pompeo thông báo Triều Tiên không phản hồi yêu cầu chuẩn bị công tác hậu cần tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore. Các đại diện từ Triều Tiên và Mỹ đáng nhẽ đã gặp mặt tại Singapore để hoàn thiện những công đoạn chuẩn bị cuối cùng cho kì thượng đỉnh. Phía Mỹ có mặt, phía Triều Tiên thì không.

Tin tốt, và sau đó rất xấu: Ngày 24/5, trước khi ông Trump hủy cuộc gặp mặt, ông Kim tuyên bố đã phá hủy các hầm thử nghiệm hạt nhân theo như cam kết hòa giải với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Những người hoài nghi nói rằng không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy việc phá hủy đã hoàn thành. Hơn thế nữa, cơ sở này đã sụp bởi một trận động đất có khả năng gây ra do một cuộc thử nghiệm đầu đạn hạt nhân. Vậy nên, ông Kim chưa hẳn đã phá hủy bãi thử này để thể hiện thiện chí hòa bình.

Ông Trump hủy bỏ kì thượng đỉnh

Ngày 24/5, ông Trump đột ngột hủy bỏ cuộc gặp cấp cao với Triều Tiên. Ông Trump gửi lá thư tới ông Kim, thông báo rằng: “Đáng buồn thay, vì thái độ thù hằn và sự tức giận trong những phát biểu mới đây của Triều Tiên [về ông Pence và Libya], tôi cảm thấy bây giờ là thời điểm không phù hợp…”

Sau đó ông Trump đe dọa Triều Tiên bằng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Có lẽ tin tốt lành duy nhất từ phía ông Trump là ông vẫn sẵn sàng đối thoại trong tương lai.

Suy đoán tiếp theo

Có rất nhiều ý kiến khác nhau – và chưa thể kiểm chứng – xoay quanh việc cuộc gặp thượng đỉnh đổ bể và nội dung sẽ được thảo luận sắp tới.

Ở một viễn cảnh, ông Kim sẽ không bao giờ đồng ý phi hạt nhân hóa. Vậy nên, ông Kim “tỏ ra hợp tác” với Hàn Quốc và sẽ đồng ý với những khoản được Mỹ – Hàn Quốc đề xuất.

Thái độ của ông Kim tại thượng đỉnh Hàn – Triều đã trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới. Sau Thế Vận hội Mùa đông và thượng đỉnh Hàn – Triều, em gái ông Kim Jong Un thậm chí còn trở thành “ngôi sao truyền thông”.

Có được những lợi thế tích cực toàn cầu kể trên, ông Kim ở vị trí có thể đổ lỗi cho ông Trump khi cuộc gặp Mỹ – Triều thất bại. Cả ông Bolton và ông Pence đều vô tình làm cho vị thế của ông Kim vững chắc hơn. Sau đó, ông Trump “ra tay trước”, rút Mỹ khỏi cuộc gặp thượng đỉnh.

Ở một viễn cảnh khác, ông Kim sẽ giải trừ hạt nhân nhưng chính quyền ông Trump hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh vì lời bình luận của Triều Tiên.

Khả năng này khó có thể xảy ra. Ông Kim sẽ có được nhiều thuận lợi qua việc giải trừ hạt nhân, và một vài lời bình luận “vô nghĩa” từ các cố vấn Mỹ sẽ không đủ để khiến ông Kim phải dừng bước. Do Mỹ và Triều Tiên thường xuyên đả kích lẫn nhau, đây có thể là lời khẩu chiến giả từ phía ông Trump và ông Kim.

Hoặc là, khả thi hơn, có thể ông Kim thực sự lo ngại “mô hình Libya” của ông Bolton. Trong bất kì trường hợp nào đi nữa, khi Triều Tiên từ chối thảo luận về công đoạn hậu cần cho kì thượng đỉnh, có thể ông Trump đã quyết định hủy cuộc gặp trước cả ông Kim.

Trong một viễn cảnh khác nữa, nhiều cố vấn cấp cao của chính quyền ông Trump (nhưng không bao gồm ông Trump) không muốn cuộc gặp thượng đỉnh thành công, hay thậm chí kì vọng cuộc gặp thành công. Họ đã bất tín nhiệm ông Kim sẽ ngăn cản bất kì thỏa thuận nào giữa hai phía.

Họ không tin rằng có khả năng Triều Tiên sẽ giải trừ hạt nhân hoàn toàn, vì thế nên làm theo lời bình luận của ông Bolton và ông Pence.

Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa cho bắt đầu sợ rằng ông Trump sẽ nhượng bộ ông Kim quá đà tại cuộc gặp. Ông Trump tự cho bản thân mình là một người đàm phán giỏi, nhưng thường thì ông không giỏi như vậy.

Trong giai đoạn này, nhiều người còn cho rằng nên trao giải Nobel Hòa bình cho ông Trump. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại ông Trump sẽ nhượng bộ ông Kim để giành được Nobel. Rút khỏi thượng đỉnh sẽ ngăn cản ông Trump làm chuyện đó.

Vẫn còn một viễn cảnh nữa, trong đó ông Trump không thực sự muốn đàm phán một cách nghiêm túc với ông Kim. Ngoài ra, có thể ông Trump tin rằng Trung Quốc đang dẫn dắt từng động thái của ông Kim – liên tục bày tỏ thiện chí rồi gay gắt trở lại – nhằm mục đích tạo sự hỗn loạn trong khu vực.

Ông Trump chắc chắn nhớ việc ông Kim đã tới Trung Quốc gặp mặt ông Tập Cận Bình ngay trước và sau cuộc gặp mặt thượng đỉnh Hàn – Triều ngày 27/4.

Mỹ mới đây đã hủy cuộc tập trận hải quân với Trung Quốc tại biển Đông. Ông Bolton hiện đang xử lí chính sách thương mại của ông Trump với Trung Quốc, mà theo CNBC, rất có thể là để tạo ra “một cú sốc nhẹ”.

Trường hợp cuối cùng, ông Trump đang thử xem ông Kim sẽ phản ứng như thế nào. Ban đầu Triều Tiên phản ứng gay gắt và sau đó bình tĩnh trở lại. Ông Trump ngay lập tức chìa cành ô liu, đề nghị nối lại kì thượng đỉnh.

Hiện tại, có khả năng rất cao rằng cuộc gặp Mỹ – Triều sẽ diễn ra vào ngày 12/6 hoặc sau đó. ông Trump đã cử một nhóm quan chức tới Singapore để phòng trường hợp cuộc gặp thượng đỉnh được tổ chức như đã định.

Trong lúc ấy, ông Kim và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp mặt tại khu phi quân sự nhằm đưa các cuộc thỏa thuận quay trở lại đúng tiến trình. Ông Moon dường như đã đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Triều Tiên một cách rất tích cực và hiệu quả.

Tới thời điểm hiện tại: Ông Moon thông báo rằng kì thượng đỉnh vẫn có thể diễn ra vào ngày 12/6 như đã định!

RELATED ARTICLES

Tin mới