Monday, November 25, 2024
Trang chủQuân sựNga có phải lý do Thụy Điển chuẩn bị cho chiến tranh?

Nga có phải lý do Thụy Điển chuẩn bị cho chiến tranh?

Vốn là quốc gia theo đường lối trung lập, Thụy Điển đang gấp rút đẩy mạnh quá trình phòng ngừa và chuẩn bị đối phó với chiến tranh.

Trong hai tuần qua, từng hộ gia đình tại Thụy Điển đều nhận được một cuốn sách đặc biệt có tiêu đề “Nếu khủng hoảng hoặc chiến tranh xảy ra”. Do chính phủ phát hành, tài liệu này cung cấp những biện pháp chuẩn bị và đối phó mà mỗi người dân Thụy Điển cần nắm rõ, trong trường hợp lãnh thổ bị xâm phạm.

“Trong nhiều năm qua, việc chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh và chiến tranh xảy ra, tại Thụy Điển là rất giới hạn,” cuốn sách viết. “Tuy nhiên, do thế giới xung quanh chúng ta đang thay đổi, Chính phủ đã quyết định củng cố toàn bộ nền quốc phòng Thụy Điển… Mức độ chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp trong thời bình, là một nền tảng quan trọng cho sự sẵn sàng của chúng ta trong trường hợp có chiến tranh”.

Mối đe dọa mang tên Nga tại Bắc Âu

Đối với phần lớn châu Âu, việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ và cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ bốn năm trước – là một lời cảnh tỉnh, nhưng không phải là một mối đe dọa cấp thiết. Các nước như Đức, Anh và Pháp đều tiến hành xem xét lại năng lực quốc phòng của mình, trong đó chủ yếu là tăng nhẹ ngân sách quân sự. Tuy nhiên, hầu như không ai tin vào khả năng Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công truyền thống vào lãnh thổ của mình. Moscow có thể đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở mức độ lớn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, nhưng các xe tăng và binh lính Nga vẫn còn xa mới trở thành một mối đe dọa thực sự trước mắt.

Mặc dù vậy, đó rõ ràng không phải là những gì mà các nước Bắc Âu – vốn có quan hệ địa lý gần gũi với Nga hơn rất nhiều – nhận định. Na Uy đã chỉ định một quan chức cấp cao giữ vị trí lãnh đạo Vệ Binh Quốc gia – một lực lượng bảo hộ lãnh thổ tách biệt với quân đội chính quy và được trực tiếp giao nhiệm vụ chống lại bất kỳ kẻ xâm lược nào. Phần Lan tái cơ cấu lại quân đội thành những đại đội lớn hơn, nhằm tăng cường khả năng đối phó với những tổn thất lớn, vốn không phải là điều xa lạ trong trường hợp có chiến tranh. Cả hai nước trên, và giờ đây là một Thụy Điển vốn theo đuổi sự trung lập – cũng bắt đầu áp dụng nghĩa vụ quân sự cho cả nam và nữ.

Reuters nhận định, đây là một sự thay đổi lớn, khi chỉ một vài năm trở về trước, quân đội Bắc Âu vẫn còn chủ yếu tập trung vào các hoạt động nhân đạo và chống khủng bố quốc tế, bao gồm cả các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.

Cả Na Uy, Thụy Điển hay Phần Lan đều khó có thể chặn đứng được một cuộc tấn công tổng lực tại biên giới. Chiến lược của họ có lẽ sẽ là tạm thời “nhường” lãnh thổ cho quân xâm lược, sau đó tiến hành các cuộc phản công mang tính “du kích” với mục đích làm cho lực lượng quân thù dần dần bị tổn thất và tan rã.

Không tin tưởng vào những sắp xếp bên ngoài

Thay vì phát động tấn công quân sự, hầu hết các nhà phân tích an ninh châu Âu đều cho rằng, Moscow sẽ tiếp tục các chiến thuật hiện tại của mình, bao gồm ủng hộ cho các đảng chính trị cực đoan, tiến hành tấn công mạng và các hình thức gây chia rẽ khác…

Trong khi đó, hiện tại, ưu tiên lớn hơn của NATO là bảo vệ cho các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania. Vốn là một phần của Liên Xô cũ, các nước Baltic được đánh giá là có khả năng trở thành mục tiêu của Nga nhiều hơn, không chỉ do khẳng cách địa lý mà còn bởi quy mô dân số nói tiếng Nga. Các binh đoàn do Đức, Canada và Anh dẫn đầu và Mỹ (mới tham gia trong tháng 5) hiện đang đóng quân tại các nước này.

Chắc chắn các nước Bắc Âu cũng hy vọng không phải một mình đối mặt với bất kỳ nguy cơ nào. Na Uy là một thành viên lâu năm của NATO; còn Thụy Điển và Phần Lan hiện đang thảo luận khả năng gia nhập, đồng thời không ngừng tăng cường quan hệ trên cả quân sự và các lĩnh vực khác, với các thành viên còn lại. Cả ba quốc gia còn là thành viên của Liên minh Viễn chinh – một nhóm các nước Baltic và Bắc Âu do Anh dẫn đầu, có thể tiến hành các hoạt động quân sự bên ngoài khối NATO.

Tuy nhiên, sự chuẩn bị nội bộ của các quốc gia Bắc Âu và Baltic cho thấy mối lo ngại và không tin tưởng vào những sắp xếp từ bên ngoài. Những lo âu này càng trở nên khẩn cấp khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, cũng như sự trỗi dậy của các đảng cực hữu tại Đức, Pháp… Các nước Bắc Âu không thể không nghĩ tới một tương lai– có thể xảy ra ngay trong thập kỷ sau rằng, những cấu trúc châu Âu và xuyên Đại Tây dương mà họ vẫn dựa vào, cuối cùng cũng sụp đổ.

“Mục đích của quân đội là sự tồn vong quốc gia,” một quan chức nói, ám chỉ rằng, một mặt dựa dẫm vào đồng minh, mặt khác các nước Bắc Âu vẫn phải sẵn sàng chiến đấu một mình khi cần thiết.

Nga rõ ràng không phải là hiểm họa duy nhất mà Thụy Điển có thể phải đối mặt. Trong cuốn sách đề cập ở trên, chính phủ nước này cũng đặc biệt đề cập đến nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, nhìn toàn bộ, điều mà chính quyền lo sợ nhất – chính là một cuộc tấn công tổng lực, đi kèm với một chiến dịch thông tin sai lệch từ bên ngoài; trong đó, cố gắng tung tin rằng chiến tranh đã xảy ra và Thụy Điển đã bị đánh bại, ngay cả khi cuộc chiến thực sự còn chưa bắt đầu.

Cuốn sách nhấn mạnh, người dân cần phải bỏ qua bất kỳ thông tin đầu hàng nào: “Nếu Thụy Điển bị tấn công bởi một nước khác, chúng ta sẽ không bao giờ chịu thua”. Đây rõ ràng là một trong những thông điệp quan trọng nhất mà Stockholm muốn truyền tải đến người dân của mình. Các nội dung trong sách còn được dịch sang tiếng Arab, Somali và một số ngôn ngữ khác, nhằm hướng tới đối tượng là những người nhập cư gần đây. Các thành viên trẻ tuổi không phân biệt giới tính của các cộng đồng này cũng sẽ phải tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự.

RELATED ARTICLES

Tin mới