Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ ngày càng 'ngán' Đối thoại Shangri-La

TQ ngày càng ‘ngán’ Đối thoại Shangri-La

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng cần định hình Đối thoại Shangri-La thành một diễn đàn “trao đổi học thuật” hơn là tranh luận chính sách.

Có tật giật mình

Đối thoại IISS Shangri-La diễn ra từ ngày 1-3/6 đã trở thành một trong những hội nghị an ninh thường niên quan trọng bậc nhất của châu Á. Đối thoại năm nay có sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng và quan chức từ hơn 50 nước, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Việt Nam và Philippines.

Trong nhiều năm qua, một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu tại diễn đàn này là vấn đề Biển Đông. Dường như “có tật giật mình”, Trung Quốc đang tìm cách định hình Đối thoại Shangri-la trở thành một diễn đàn “trao đổi học thuật” hơn là tranh luận chính sách.

Năm nay, vấn đề Biển Đông tiếp tục nóng lên ngay trước thềm hội nghị khi Trung Quốc liên tiếp có các hành động quân sự hóa phi pháp, trong khi Mỹ cũng đưa ra những tuyên bố cứng rắn.

Đối thoại năm nay diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh gia tăng chỉ trích các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, và nhất là việc triển khai vũ khí và máy bay hiện đại, bao gồm các máy bay ném bom chiến lược H-6K có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Ngày 27/5, hai tàu chiến Mỹ tiến gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và tuần trước, quân đội Mỹ đã rút lời mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC ở Hawaii “như một phản ứng ban đầu trước việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông”.

Ngày 28/5, Ngoại trưởng Philippines Alan Cayetano cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã vạch ra “ranh giới đỏ” cho các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có việc không tham gia khai thác dầu khí ở các khu vực tranh chấp và không xây dựng ở bãi đá Scarborough.

Trên đường đến Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Mỹ sẽ tiếp tục duy trì “nhịp độ ổn định” các hoạt động hải quân quanh vùng biển tranh chấp. Theo ông, dường như “chỉ có một quốc gia” cảm thấy khó chịu trước các hoạt động thường lệ của tàu chiến Mỹ.

Trung Quoc ngay cang 'ngan' Doi thoai Shangri-La
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis

Ông Mattis nói: “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để hợp tác với các nước Thái Bình Dương, đó là cách mà chúng tôi làm việc trên thế giới. Nhưng chúng tôi cũng sẽ đối đầu với những gì chúng tôi cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế, không phù hợp với phán quyết của tòa quốc về vấn đề đó.”

Ông Mattis dự kiến có bài phát biểu trong ngày 2/6, có tiêu đề “Sự lãnh đạo của Mỹ và những thách thức an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, đề cập đến sự cạnh tranh hàng hải ngày càng tăng giữa Trung Quốc và các cường quốc như Mỹ và Ấn Độ.

Trước sức ép dư luận đối với các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, báo chí Trung Quốc dẫn ý kiến giới phân tích nước này cho rằng Đối thoại Shangri-La nên “thiên về trao đổi lý thuyết quân sự hơn”.

Đây cũng là lý do mà giới phân tích Trung Quốc giải thích cho việc vì sao nước này cử các đại diện học thuật, qua đó “không muốn làm cho việc trao đổi có vẻ đối đầu quá mức”.

Sợ bị lên án?

Tham dự Đối thoại Shangri-La năm nay, phái đoàn Trung Quốc do ông He Lei, Trung Tướng và là Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), dẫn đầu. Động thái này được cho là để định hình hội nghị là cuộc “trao đổi học thuật” thay vì tranh luận chính sách.

Năm 2011, Trung Quốc từng cử Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Tướng Lương Quang Liệt đến tham dự Đối thoại Shangri-La. Ông Lương Quang Liệt đã phải đối mặt với sức ép rất lớn từ các phái đoàn khác tham dự sự kiện, thậm chí những chỉ trích công khai đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đến năm 2012, Trung Quốc không cử quan chức thuộc Bộ Quốc phòng tham dự nữa, mà thay vào đó, phái đoàn của Bắc Kinh được dẫn đầu bởi Chuẩn Tướng Ren Haiqan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự của PLA.

Từ năm 2013 đến 2016, phái đoàn của Trung Quốc luôn do một vị Tướng cấp phó trong PLA dẫn đầu. Đến năm 2017, Trung Quốc thậm chí chỉ cử một Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự làm trưởng đoàn tham dự diễn đàn.

Điều này cho thấy cấp bậc đại diện của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La đã hạ xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây.

 
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Đối thoại Shangri-La 2011

Theo giới phân tích, các quan chức Trung Quốc theo thông lệ thường có những bài diễn văn theo lối mòn, những bài phát biểu mang tính xoa dịu nhằm tránh đi thẳng vào các vấn đề gây bất đồng, sau đó rời khỏi sân khấu mà không trả lời bất cứ câu hỏi nào.

Nhưng tại Đối thoại Shangri-La, đây là điều không thể. Do đó, khi bị gây sức ép, Trung Quốc dường như tỏ ra không hài lòng và đã quyết định hạ cấp quan chức tham dự sự kiện.

Đặc biệt, vấn đề Biển Đông luôn “nóng” tại các cuộc Đối thoại Shangri-La trước đây mà Trung Quốc thì chỉ muốn “đóng cửa bảo nhau”, tức là muốn “song phương” chứ không muốn “đa phương”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng được cho là bất mãn vì có rất ít ảnh hưởng trong chương trình nghị sự của diễn đàn này. Đay cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc tìm cách củng cố diễn đàn an ninh của riêng mình, đó là diễn đàn Hương Sơn tổ chức vào mùa Thu hàng năm kể từ năm 2014 (trước đó được tổ chức 2 năm một lần từ 2006-2012).

 
Cộng đồng quốc tế mới đây đã đồng loạt bày tỏ quan ngại và lên án việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom H-6K cất hạ cánh trái phép trên Biển Đông

Hồi năm ngoái, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng giải thích việc chỉ cử một quan chức quốc phòng mang tính “tượng trưng” đến Đối thoại Shangri-La là dựa vào “những yêu cầu công việc” chứ không phải là thông điệp ngoại giao. Hồi năm 2012, Trung Quốc cũng từng tuyên bố “những ưu tiên trong nước” đã khiến ông Lương Quang Liệt không thế tham dự sự kiện ở Singapore.

Năm nay chưa thấy có giải thích nào từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhưng những lý do được giới phân tích nước này đưa ra cho thấy Bắc Kinh đã “ngán” Đối thoại Shangri-La.

Không rõ giới phân tích Trung Quốc muốn “trao đổi học thuật” về chủ đề gì tại một hội nghị an ninh quốc tế có tầm cỡ như Shangri-La. Những hành động phi pháp một cách có hệ thống của Bắc Kinh trên Biển Đông năm nay được dự báo sẽ tiếp tục làm nóng các phiên thảo luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới