Chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm trong Chiến tranh Thế giới II trong việc đổ bộ chiếm các đảo nhỏ đang bị cô lập. Đó là năng lực cốt lõi của Mỹ.
CNN ngày 30/5 dẫn lời Đô đốc Harry Harris, cựu Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (bây giờ là Bộ tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương) và sẽ trở thành Đại sứ tiếp theo của Mỹ tại Hoa Kỳ, nhận định:
Bắc Triều Tiên là mối đe dọa gần nhất với hòa bình ở Thái Bình Dương, nhưng giấc mơ bá chủ của Trung Quốc mới thực sự là thách thức lớn nhất của Washington.
Phát biểu trong buổi lễ bàn giao chức vụ cho Đô đốc Philip Davidson tại Hawaii, tướng Harry Harris cho biết:
“Bắc Triều Tiên vẫn là mối đe dọa gần nhất của chúng ta, một Triều Tiên có tên lửa và vũ khí hạt nhân có thể bắn đến Hoa Kỳ là điều không thể chấp nhận.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thách thức lâu dài nhất của chúng ta.
Nếu không có sự tham gia và cam kết tập trung của Hoa Kỳ với các đồng minh và đối tác của chúng ta, Trung Quốc sẽ thực hiện được giấc mơ bá chủ châu Á.”
Ông cũng đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trước khi ông chủ Lầu Năm Góc đi Singapore dự Đối thoại An ninh Shangri-la sẽ khai mạc hôm nay.
Đô đốc Harry Harris vẫn điều hành Bộ tư lệnh Thái Bình Dương tuần trước khi cơ quan này hủy lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC) vì quân sự hóa Biển Đông.
Phát biểu tại Hawaii hôm thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói:
“Chúng ta nên hợp tác với Bắc Kinh những chỗ nào có thể, nhưng cũng sẵn sàng đối đầu với họ khi chúng ta phải làm.” [1]
Trong một động thái khác có liên quan, cổng thông tin Học viện Hải quân Mỹ (USNI News) ngày 31/5 cho biết, Lầu Năm Góc cam kết sẽ thúc đẩy hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông nhiều hơn.
Trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Ảnh: DVIDS. |
Trung tướng Kenneth McKenzie, một lãnh đạo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ trả lời các câu hỏi của truyền thông về hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa cuối tuần trước:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải như luật pháp quốc tế đã quy định và chúng tôi sẽ tiếp tục những việc mình đang làm.”
Khi được truyền thông Mỹ đặt câu hỏi về các mối đe dọa lâu dài, tiềm ẩn gây ra bởi các đảo nhân tạo ở Biển Đông và khả năng của Mỹ có thể “thổi bay” các đảo nhân tạo này hay không [2], tướng Kenneth McKenzie cho biết:
“Thực tế là chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm trong Chiến tranh Thế giới II trong việc đổ bộ chiếm các đảo nhỏ đang bị cô lập.
Đó là năng lực cốt lõi của Mỹ mà chúng tôi đã từng làm trước đây.
Các bạn không nên suy diễn thêm bất cứ điều gì, đó đơn giản là một tuyên bố về thực tế lịch sử.”
Trước đó trong ngày, bên kia bán cầu tại Bắc Kinh, Đại tá Nhậm Quốc Cường, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng Mỹ đang “thổi phồng cái gọi là quân sự hóa Biển Đông”.
Nhậm Quốc Cường tiếp tục nhắc lại quan điểm sai trái và bành trướng, rằng Trung Quốc có cái gọi là chủ quyền và quyền xây dựng, triển khai vũ khí ở các đảo nhân tạo bất hợp pháp ngoài Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).