Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi sang nơi khác nếu Washington không bán những chiếc chiến đấu cơ F-35 cho Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu mới đây đã chính thức lên tiếng cảnh báo. Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh giới nghị sĩ Mỹ đang tìm cách ngăn không cho Washington bàn giao những chiếc chiến đấu cơ F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua với mục đích là để trừng phạt việc đồng minh của họ mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.
“Nếu tôi cần những vũ khí như thế, tôi chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu của mình ngay lập tức ở nơi khác. Nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ có vấn đề đối với hợp đồng vũ khí đó. Trong nhiều nghị quyết nhắc đến các biện pháp trừng phạt, Quốc hội dành quyết định cuối cùng cho chính quyền”, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đã nói với các phóng viên như vậy.
Ông Cavusoglu tiếp tục giải thích rằng thỏa thuận giữa Ankara và Wasington trong việc mau bán những chiếc chiến đấu cơ F-35 là “một thỏa thuận có tính pháp lý cao”, nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện tất cả những khoản chi trả thông thường. “Thỏa thuận đó không có gì liên quan đến việc mua các hệ thống S-400”, ông Cavusoglu nhấn mạnh. Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua tới hơn 100 chiếc F-35 trị giá nhiều tỷ USD của Mỹ.
Lời cảnh báo của nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, Mỹ có nguy cơ mất cả đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ lẫn hợp đồng vũ khí lớn nếu tiếp tục gay gắt với Ankara trong vấn đề S-400.
Mỹ không giấu diếm sự phản đối mạnh mẽ đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hồi đầu tháng nay từng bày tỏ Washington có “mối quan ngại sâu sắc” về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống S-400 của Nga. Bà Nauert cho rằng, với tư cách là một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nên sử dụng các hệ thống vũ khí tương thích của NATO, ý là Thổ Nhĩ Kỳ nên mua các vũ khí do Mỹ sản xuất. Trong một diễn biến thể hiện sự bất mãn cao hơn nữa, giới nghị sĩ Mỹ đã đưa ra một dự luật trong đó tìm cách phá bỏ hợp đồng bán những chiếc chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ với lý do nước này “đang ngày càng độc tài và thù địch”.
Ngay sau khi có lời đe dọa trên, tin đồn đã rộ lên về việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua những chiếc chiến đấu cơ cực kỳ tối tân và thiện chiến Su-57 của Nga nếu Washington quyết định hủy bỏ hợp đồng bán F-35 cho Ankara.
Với những phát biểu mới nhất của Ngoại trưởng Cavusoglu liên quan đến hợp đồng mua F-35 và S-400, có thể thấy Ankara rất cứng rắn trong việc theo đuổi thỏa thuận mua S-400 của Nga và sẵn sàng quay lưng với đồng minh Mỹ, từ bỏ hợp đồng mua những chiếc chiến đấu cơ F-35.
Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.
Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm – gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.
Tất cả các phiên bản của F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 360 độ từ buồng lái xuống mặt đất.
Tuy nhiên, dự án phát triển F-35 cũng là dự án vũ khí gây tranh cãi nhất, là dự án vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử nước Mỹ và cũng trục trặc nhất.