Những lời đe dọa, các quyết định thay đổi chóng mặt ngay trước thềm thượng đỉnh Mỹ – Triều hé lộ nguyên thủ hai nước đang theo đuổi các mục tiêu khác nhau, cũng như áp dụng các chiến thuật khác biệt nhằm đạt được chúng.
Theo báo Strait Times, mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump là đòi Triều Tiên phải “giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không đảo ngược được” (CVID). Trong khi đó, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cần sự bảo đảm về an ninh và các lợi ích kinh tế cho đất nước của ông.
Giới phân tích đã tiến hành so sánh các thủ thuật hai bên đang áp dụng nhằm đạt được những mục tiêu riêng rẽ trên, để thấy rõ ai đang có chiến lược cao tay hơn trong cuộc chiến ngoại giao với đối thủ.
Chiến lược của Kim Jong Un
Joseph DeTrani, cựu đặc phái viên Mỹ cho các cuộc đàm phán 6 bên với Triều Tiên nhận định, sau các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ông Kim đã có quyết định mang tính chiến lược là “chấp nhận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên về nguyên tắc, nhằm đổi lấy những thứ giá trị như sự bảo đảm an ninh, viện trợ phát triển kinh tế và con đường bình thường hóa với Mỹ”.
Tất cả đều nhằm cải thiện nền kinh tế đang yếu kém của Triều Tiên và mang tới một cuộc sống tốt hơn cho người dân Triều Tiên, như tuyên bố công khai của Bình Nhưỡng.
Theo ông DeTrani, ông Kim dường như cho rằng, việc đe dọa đối đầu hạt nhân với Mỹ và bộc lộ sự phẫn nộ khi đề cập đến Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hiển nhiên khiến ông Trump tin, Bình Nhưỡng đang xét lại về hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore. Hơn thế nữa, các chính trị gia theo đường lối cứng rắn ở Triều Tiên đã cố gắng thuyết phục ông không nên đáp ứng yêu cầu CVID của Tổng thống Trump.
William Brown, giáo sư trợ giảng tại Trường Ngoại giao Georgetown (Mỹ) bình luận, ông Kim muốn gặp người đứng đầu Nhà Trắng, nhưng không muốn tỏ ra sốt sắng. “Vì vậy, ông ấy khiến mọi thứ khó khăn hơn một chút, buộc mọi người phải hạ thấp kỳ vọng về một bước đột phá đối với việc giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, ông ấy cũng không muốn bị xem là người bỏ ngang, cho phép Mỹ quay trở lại với việc gia tăng sức ép tối đa”, ông Brown nói.
Tara O, nghiên cứu sinh tại Diễn đàn Thái Bình Dương nhấn mạnh, ông Kim Jong Un đang áp dụng chiến thuật “phản ứng và đòi hỏi trước hội nghị thượng đỉnh, nhằm tối đa hóa những gì nhận được”. Với Hàn Quốc, phương pháp này dường như hiệu quả, vì chính quyền của Tổng thống Moon đã rút không quân khỏi cuộc tập trận Thần Sấm chung với Mỹ. Song, theo nhà nghiên cứu O, chiến lược này với Mỹ có vẻ không mấy tác dụng.
Chiến lược khó đoán của ông Trump
Một số chuyên gia coi cách tiếp cận “có, rồi không và rồi lại có” của Tổng thống Trump đối với số phận hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều không phải là sự bất nhất, mà là một chiến lược đàm phán nhằm nắm thế thượng phong khi thương lượng.
Theo giáo sư Brown, một cựu quan chức tình báo Mỹ, ông Trump từng thú nhận cả hai bên đều đang chơi trò chơi. Bản thân ông Trump cũng muốn hội nghị diễn ra, nhưng giống như lãnh đạo Triều Tiên, ông không muốn tỏ ra quá háo hức về nó. Tương tự ông Kim, ông Trump đã tìm cách hạ thấp các kỳ vọng về một bước đột phá cho cuộc gặp được chờ đợi từ lâu giữa hai nguyên thủ.
Trong khi đó, Kim Yoon Hyunh, giáo sư chuyên ngành quốc tế thuộc Đại học Han Dong (Hàn Quốc) tin, ông Trump thực sự đang không nắm rõ ý định của lãnh đạo Triều Tiên. Theo ông, trong khi người đứng đầu Bình Nhưỡng chơi cờ vây, ông Trump lại áp dụng chiến thuật chơi cờ vua, với mục tiêu chiến thắng bằng cách “chiếu hết” vua của đối thủ. Song, với cờ vây, mọi chuyện không diễn ra như vậy.
“Đó là sự hy sinh rồi nhận lại, buộc đối thủ phải đầu hàng. Một đấu thủ vẫn có thể lật ngược thế cờ, giành chiến thắng sau khi bị mất nhiều lãnh thổ vào tay đối phương. Người thắng cũng không ‘ăn cả’. Đó có thể 70 – 30 hoặc 80 – 20. Bạn sẽ phải cho Triều Tiên thứ gì đó. Bình Nhưỡng đã nhiều lần nhượng bộ, nhưng chưa nhận được gì đổi lại”, giáo sư Kim nói, ám chỉ đến việc Bình Nhưỡng đã trả tự do cho 3 tù nhân Mỹ, ngưng các vụ thử nghiệm hạt nhân và thậm chí cho phá hủy bãi thử hạt nhân duy nhất của họ như các cử chỉ thiện chí trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Sean King, chuyên gia Đông Á tại New York, thậm chí cho rằng ông Trump đã để tình cảm chi phối khi ngày 24/5 bất ngờ gửi bức thư thông báo hủy gặp Kim Jong Un. Nội dung bức thư cùng các phát biểu sau đó của ông Trump dường như ám chỉ “sự thất vọng thực sự” của Tổng thống Mỹ.
Theo ông King, đây không phải là một chiêu thức thương lượng vạch sẵn của ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, dù mục đích thật sự của nó là gì, việc Bình Nhưỡng dịu giọng hơn sau đó và khẳng định mong muốn đối thoại với phía Mỹ “ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào” ám chỉ động thái này rốt cuộc có vẻ hiệu quả.
Các nhà quan sát đều nhất trí rằng, chiến lược của ông Trump và ông Kim hiện đều có lỗ hổng, chưa thực sự giúp bất kỳ ai trong số họ chiếm ưu thế so với người còn lại. Ai thực sự cao tay hơn phải “hạ hồi phân giải”. Công chúng nhiều khả năng sẽ có câu trả lời chính xác sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra và khép lại tại Singapore.