Friday, April 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDự án đội vốn ngàn tỷ: Học thủ thuật người TQ?

Dự án đội vốn ngàn tỷ: Học thủ thuật người TQ?

Nhiều nhà đầu tư Việt đã học lỏm được các thủ thuật từ các chủ đầu tư Trung Quốc và áp dụng tại nhiều dự án. 

Thủ thuật tạo lợi ích

GS.TS Phạm Phố – nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, hàng loạt những dự án tại Ninh Bình bị đội vốn gấp nhiều lần, không loại trừ khả năng, là “thủ thuật của nhóm lợi ích”.

Điển hình là dự án nạo vét sông Đáy đoạn từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến qua sông Đáy với chiều dài 77km) nhằm thoát lũ Hoàng Long bị đội vốn tăng từ 2.078 tỷ đồng lên 9.720 tỷ đồng; dự án Nâng cấp đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy đoạn từ Bái Đính đi Kim Sơn (đội vốn hơn 2.150 tỷ), dự án Nâng cấp đê hữu Hoàng Long, đê Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân (đội vốn hơn 560 tỷ), dự án Nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long (đội vốn hơn 430 tỷ đồng)… Đặc biệt là dự án nạo vét sông Sào Khê bị đội vốn từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ.

“Bắt đầu từ việc xây dựng dự án với tổng mức vốn thấp để dễ thông qua, sau đó tìm mọi cách, nêu đủ khó khăn để xin tăng vốn lên. Việc tăng vốn này không phải chỉ diễn ra một lần mà tăng nhiều lần, nhiều lần, thậm chí có dự án xin tăng tới 36 lần.

Đây chính là thủ thuật, nhiều nhà đầu tư Việt đã học lỏm được từ các chủ đầu tư Trung Quốc.

Liệu rằng từ việc xin chủ trương đầu tư, tới khâu phê duyệt dự án cho tới khâu xin chấp thuận tăng vốn lên có dấu ấn của lợi ích nhóm, có biểu hiện của việc ăn chia…  hay không? Nếu không, tại sao các dự án đội vốn mới được chấp thuận dễ dàng như vậy?”, GS Phạm Phố thẳng thắn.

Phải có trách nhiệm giải trình

Như ông đã nói, việc thực hiện xây dự án theo cơ chế chỉ định thầu là nguy cơ gây thất thoát, tham nhũng rất lớn.

Đặc biệt, đối với các dự án nạo vét sông, luồng thường gắn với kết hợp tận thu sản phẩm không sử dụng vốn ngân sách. Mặc dù nói nhà đầu tư sẽ tự bỏ tiền để thực hiện nạo vét các tuyến hàng hải ven bờ nhưng đổi lại, họ sẽ được bán các sản phẩm nạo vét (cát, sỏi) để bù đắp chi phí sau khi đóng thuế tài nguyên. Theo GS Phạm Phố, đây là kẽ hở lớn, là mảnh đất màu mỡ để chủ đầu tư và nhóm lợi ích cùng trục lợi, thậm chí là lợi nhiều lần.

Đó là lợi khi nhận thầu thi công công trình mà không cần qua đấu thầu cạnh tranh và khi thực hiện dự án được khai thác tài nguyên để bán.

“Câu chuyện “núp bóng” danh nghĩa nạo vét bồi lắng dòng sông rồi sau đó tranh thủ ngày đêm cấp tập hút cát tận diệt tài nguyên có xảy ra ở các dự án này không? Khối lượng cát, sỏi… chủ đầu tư đã khai thác được là bao nhiêu? Họ đã thu được bao nhiêu tiền?… Đây chính là nút thắt, mà nếu tháo gỡ được sẽ trả lời được vì sao dự án hút cát lại luôn bị kéo dài thời gian, bị đội vốn lên nhiều lần.

Có thể bởi khi chủ đầu tư được giao  thực hiện dự án đồng thời được khai thác luôn tài nguyên đem bán. Trong khi đó, chúng ta lại không có được cơ chế giám sát hiệu quả thì việc càng kéo dài thời gian thực hiện càng giúp chủ đầu tư khai thác được nhiều cát, sỏi, càng bán được nhiều, lợi càng lớn. Tôi đồ rằng, ở những dự án như thế này, có chủ đầu tư tay không vẫn được hưởng lợi nhiều lần”, GS Phạm Phố phân tích.

Theo GS Phạm Phố, nếu các dự án trên được thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, tổ chức đấu thầu công khai và lựa chọn nhà đầu tư dựa trên phương án thực hiện cụ thể thì không những chúng ta không bị mất tài nguyên một cách lãng phí mà dự án vẫn được thực hiện.

Do đó, vị GS cho rằng, cần thực hiện xem xét, rà soát lại toàn bộ các dự án nạo vét trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tạm ngừng các dự án có dấu hiệu tiêu cực, trục lợi để đánh giá lại. Nếu phát hiện có sai phạm cần phải xử lý nghiêm, thậm chí có thể yêu cầu thu hồi dự án, buộc chủ đầu tư phải bồi thường. Về phía chính quyền địa phương, UBND tỉnh cũng phải có trách nhiệm giải trình vì sao lại giao chỉ định đầu tư cho Tập đoàn Xuân Thành Ninh Bình mà không theo cơ chế đấu thầu? Vì sao dự án lại bị đội vốn nhiều lần vẫn được thông qua?… Nếu phát hiện sai phạm, có dấu hiệu tiêu cực, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật.

Trong tương lai, GS Phạm Phố cho rằng, nếu tiếp tục thực hiện các dự án nạo vét sông, rạch thì cần thực hiện theo cơ chế đấu thầu công khai.

Trước khi tổ chức đấu thầu, phải đánh giá cụ thể quy mô của dự án, tiến độ thực hiện cũng như tổng vốn đầu tư là bao nhiêu? Song song với đó, cũng phải có cơ chế giới hạn chủ đầu tư được sử dụng tài nguyên trong phạm vi nào? Quy mô, khối lượng khai thác là bao nhiêu? Khi nào thì hoàn thành…? Tất cả đều phải rất cụ thể, rõ ràng, chủ đầu tư không thực hiện được chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.

Còn cơ quan quản lý giám sát không tốt, không làm hết trách nhiệm thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

“Không thể để tình trạng mập mập, mờ mờ, làm thế nào cũng được, đội vốn bao nhiêu cũng chấp nhận, khai thác tài nguyên thế nào cũng không hay biết. Điều đó rất nguy hiểm”, GS Phạm Phố nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới