Bản tin Biển Đông ngày 05/06/2018.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia khẳng định Malaysia duy trì lập trường trung lập trong tranh chấp Biển Đông
Trang Malay Mail đưa tin, ngày 4/6, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sau Hội nghị Shangri-la tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu khẳng định nước này duy trì lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông, theo đuổi biện pháp hoà bình và ngăn chặn xung đột vũ trang ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, ông Sabu khẳng định Biển Đông và eo biển Malacca gắn liền với thương mại khu vực và toàn cầu. Bình luận về phát biểu của ông Mattis rằng cần có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, ông Mohamad Sabu cho rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết theo con đường đàm phán. Tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Mattis cũng đã đề xuất hợp tác với Malaysia trong huấn luyện quân sự.
Quan điểm của các nước về vấn đề Biển Đông qua Hội nghị về An ninh Châu Á Shangri-la
Ngày 4/6, The Philippine Star cho biết, tham dự Đối thoại Shangri-la 2018 tại Singapore từ 1 – 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng các nước đã bày tỏ cam kết đối với trật tự dựa trên luật lệ trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường quân sự hoá ở Biển Đông.
Phát biểu dẫn đề tại Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định eo biển Malacca và Biển Đông có vai trò kết nối Ấn Độ với Thái Bình Dương và hầu hết các nước đối tác quan trọng, trong đó có ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ. Dù không đề cập đến Trung Quốc song ông kêu gọi thúc đẩy một trật tự khu vực chung dựa trên luật lệ áp dụng cho tất cả các quốc gia, “trật tự này gắn với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như bình đẳng của tất cả các quốc gia, bất kể lớn nhỏ, mạnh yếu. Những quy tắc và luật lệ này cần được dựa trên sự đồng thuận của tất cả các quốc gia chứ không chỉ một vài nước lớn. Để đạt được điều này đòi hỏi phải đặt sự tin tưởng vào các cuộc đối thoại, thay vì sử dụng vũ lực. Điều đó cũng có nghĩa là khi đưa ra cam kết quốc tế, các quốc gia phải giữ cam kết.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu phớt lờ cộng đồng quốc tế. Phía Lầu Năm góc cũng đã chỉ ra rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ cam kết từ năm 2015 rằng sẽ không quân sự hoá quần đảo Trường Sa. Ông Mattis khẳng định hành động quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc sẽ không có giá trị nâng cao vị thế của Trung Quốc trên thế giới.
Tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho biết gần đây Việt Nam cũng đã kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ các thiết bị quân sự trên Biển Đông sau khi Không quân nước này cho đáp máy bay lên Đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông cho biết: “Trong mọi trường hợp, không bên nào có thể viện cớ để tiến hành quân sự hoá bằng cách triển khai vũ khí và khí tài quân sự lên các khu vực tranh chấp hoặc khu vực thuộc về quốc gia khác. Những hành động này là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của quốc gia khác, vi phạm luật pháp quốc tế, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tiêu cực đến hoà bình, ổn định và an ninh. Thay vào đó, các bên liên quan cần thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng trật tự trên biển để Biển Đông có thể thực sự trở thành vùng biển hoà bình, hợp tác và hữu nghị”.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho rằng những thay đổi đối với trật tự dựa trên luật lệ cần được thống nhất thông qua các cuộc trao đổi cởi mở. Úc kêu gọi tất cả các nước làm rõ và giải quyết các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Đặc biệt, bà Payne nhấn mạnh rằng cách tiếp cận “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” là đi ngược với lợi ích của tất cả các quốc gia.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly bày tỏ ủng hộ việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, toàn diện, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế; khẳng định Pháp đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra tự do hàg hải ở Biển Đông cùng với Anh và Đức trong năm 2017.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho rằng những mối đe doạ đối với trật tự dựa trên luật lệ cũng là nguy cơ đối với thịnh vượng và an ninh quốc tế.
Riêng ông Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore đặc biệt lưu ý đến những cách thức mà các bên tranh chấp ở Biển Đông đã tiến hành một cách đơn phương trên các cấu trúc ở khu vực để bảo vệ lợi ích của họ, trong đó có Trung Quốc và Philippines sau Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016. Ông Ng nhấn mạnh, Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông nhiều khả năng sẽ giống như “Công cuộc hiện đại hoá 2.0”, “một bộ quy tắc thực chất và hiệu quả sẽ giải quyết những lo ngại chính của các bên tranh chấp đồng thời góp phần tăng cường lòng tin và thúc đẩy sự ổn định”.
Nghị sỹ Mỹ kêu gọi Chính phủ triển khai kế hoạch nhằm “loại bỏ” các tiền đồn của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 4/6, Washington Examiner cho biết, mới đây Thượng Nghị sỹ Đảng Cộng hoà Florida của Mỹ Marco Rubio đã kêu gọi Chính phủ triển khai kế hoạch “loại bỏ” các cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm đẩy lùi tham vọng của nước này tìm cách thống trị một trong những tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng nhất của thế giới. Washington Examiner cho hay đề xuất này là một phần trong những nỗ lực lớn hơn nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực mà các quan chức Mỹ đã nhiều lần lên tiếng quan ngại về những hành động khiêu khích của Trung Quốc tại đây.
Chuyên gia Trung Quốc đổ lỗi cho phương Tây khiêu khích ở Biển Đông
Ngày 4/6, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, các chuyên gia quân sự của Trung Quốc khẳng định Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hoàn toàn đủ năng lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước này ở Biển Đông, đồng thời cảnh cáo rằng Trung Quốc “sẽ không dung thứ” cho những hành động khiêu khích của “bất kỳ nước phương Tây nào” ngoài khu vực, sau khi Anh và Pháp tuyên bố hai nước này sẽ đưa tàu chiến vào khu vực nhằm kiềm chế những hoạt động của Trung Quốc mà các chuyên gia này ngoan cố bao biện là “hoạt động hợp pháp”.
Ông Xu Guangyu, một tướng nghỉ hưu của PLA, cố vấn cấp cao của Hiệp hội Kiểm soát vũ trang và Phi quân sự Trung Quốc lại có những nhận định đầy chủ quan, cho rằng, “với những hành động khiêu khích ngày một gia tăng của các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh và Pháp, ở Biển Đông, kịch bản “Lực lượng đồng minh 8 siêu cường” lại xuất hiện trở lại ở Biển Đông”. Ông Xu Guangyu cho biết lực lượng này bao gồm “đội quân xâm lược của Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Nhật, Ý và Áo – Hung tới đàn áp Phong trào chống đế quốc Nghĩa Hoà Đoàn vào năm 1900”. Nhằm đáp trả những phát biểu mạnh mẽ của Pháp và Anh về vấn đề Biển Đông, ông Xu viện cớ này để chỉ trích phương Tây “đang lợi dụng vấn đề Biển Đông để gây sức ép với Trung Quốc vì Biển Đông là tuyến đường huyết mạch giữa Châu Âu và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời là điểm tập kết lực lượng quân sự thuận lợi nhất”. Ông này lớn tiếng cáo buộc các nước đồng minh phương Tây đang thách thức Trung Quốc, và coi đây là “cách phản ứng không bình thường, đi ngược lại xu thế hoà bình và phát triển của thế giới”.
Liên quan đến việc 2 tàu chiến của hải quân Mỹ bao gồm tàu USS Higgins và USS Antietam đi vào khu vực 12 hải lý quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho rằng “phạm vi 12 hải lý là giới hạn cuối cùng, và bất cứ phương thức qua lại mang tính khiêu khích nào, chẳng hạn như các cuộc tuần tra quân sự hay trinh sát cự ly gần, là hành động xâm phạm chủ quyền của một quốc gia, và Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động này”. Ông Song mạnh miệng tuyên bố, nếu hải quân các nước phương Tây vẫn thách thức chủ quyền và các quyền “hợp pháp” của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ phải hành động mạnh tay hơn, không loại trừ khả năng có thể dẫn đến xung đột vũ trang.
Mỹ đưa máy bay ném bom bay gần các khu vực tranh chấp trên Biển Đông
Ngày 5/6, CNN đưa tin, theo một quan chức quốc phòng của Mỹ cho biết, ngày 4/6, Mỹ đã đưa hai máy bay ném bom B-52 tới gần các khu vực tranh chấp của quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis có phát biểu lên án hành động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định cam kết của Mỹ về sự hiện diện ở khu vực. Trung tá Chris Logan, Phát ngôn viên của Lầu Năm góc xác nhận các máy bay ném bom đã triển khai “nhiệm vụ huấn luyện thường kỳ” từ Căn cứ Không quân Andersen ở Mỹ tới Cơ sở Hỗ trợ Hải quân tại Diego Garcia nằm trên khu vực Ấn Độ Dương. Ông cho hay hoạt động này là một phần trong nhiệm vụ “Duy trì máy bay ném bom hiện diện liên tục” của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương “nhằm duy trì trạng thái sẵn sàng của quân đội Mỹ”. Trong khi đó, bà Victoria Hight, Phát ngôn viên Không lực Thái Bình Dương của Mỹ lại nói rằng các máy bay này không bay gần các cấu trúc thuộc Trường Sa.