Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông: Nơi Mỹ không cần TQ mà phải đối đầu TQ

Biển Đông: Nơi Mỹ không cần TQ mà phải đối đầu TQ

Mỹ hiểu rằng cần phải kiên quyết đối phó với Trung Quốc trên biển Đông, nếu không Trung Quốc sẽ càng lấn tới và tạo thêm sự đã rồi.

Xung khắc lợi ích, bất đồng quan điểm

Giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại quan hệ không được êm đẹp. Ở đây có cái nghịch lý khiến bên ngoài có phần bị ngỡ ngàng và thấy khó hiểu. Đấy là cái nghịch lý giữa mức độ quan hệ cá nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với mức độ hiện tại của mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ đã khai mào cuộc xung khắc thương mại với Trung Quốc bất chấp hai bên trước đó vừa đạt được thỏa thuận nguyên tắc mà chính phía Mỹ cho rằng đủ để tránh được “chiến tranh thương mại”, và hai bên đang tiến hành đàm phán tiếp để triển khai thực hiện cụ thể.

Tại diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La năm nay, Mỹ và Trung Quốc công khai đốp chát nhau trong vấn đề an ninh ở khu vực Biển Đông. Đại diện của Trung Quốc công khai thừa nhận rằng Trung Quốc đã tăng cường vũ trang và quân sự hóa những khu vực lãnh thổ chiếm đóng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Việc này trái ngược với sự phủ nhận của ông Tập Cận Bình hồi năm 2015 trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ khi ấy là Barack Obama, đó là Trung Quốc không quân sự hóa khu vực này.

Đại diện của Mỹ tại diễn đàn Shangri-La năm nay, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis, cho rằng Trung Quốc theo đuổi ý đồ “dùng vũ lực để đe dọa và chèn ép các nước khác” ở khu vực Biển Đông. Ông Mattis khẳng định phía Mỹ công nhận vai trò của Trung Quốc đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực cũng như muốn có quan hệ hợp tác tốt với Trung Quốc, nhưng sẵn sàng ganh đua quyết liệt với Trung Quốc.

Trên cả hai phương diện này, Mỹ và Trung Quốc đồng thời bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết và còn chủ ý công khai chứ không hề giấu giếm sự xung khắc lợi ích cơ bản và bất đồng quan điểm sâu sắc.

Nếu như ở chuyện xung khắc thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa nhằm vào tác động động dân túy trước mắt ở Mỹ phục vụ cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới vừa nhằm ngăn cản Trung Quốc về lâu dài vươn lên dẫn đầu thế giới và vượt Mỹ về khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại, thì bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông mang ý nghĩa chiến lược cả hiện tại cũng như lâu dài đối với Mỹ.

Ông Trump đã lật ngược nhiều chiến lược và chính sách cũng như hủy hoại không ít thành quả cầm quyền của người tiền nhiệm ở Mỹ, nhưng cho tới nay mới chỉ động chạm lẻ tẻ tới chiến lược của người tiền nhiệm đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có đối với Trung Quốc.

Mỹ cần kiên quyết đối phó với Trung Quốc

Có hai biểu hiện cho thấy ông Trump khác biệt người tiền nhiệm trong vấn đề này. Thứ nhất là ông Trump chủ trương đặt châu Á – Thái Bình Dương trong khuôn khổ phạm vi rộng lớn hơn, đó là khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương để cho Trung Quốc không còn là trung tâm của khu vực nữa, và để việc tập hợp lực lượng đối phó Trung Quốc dễ dàng hơn đối với Mỹ.

Điều thứ hai là ông Trump không ngại công khai đối đầu và xung khắc với Trung Quốc, tức là phía Mỹ sẵn sàng quyết liệt hơn và hành động cụ thể hơn, chứ không chỉ có trong lời nói.

Trong vấn đề Triều Tiên, đúng là phía Mỹ cần Trung Quốc, và vì vấn đề này mà Mỹ phải lưu ý nhiều nhất đến Trung Quốc. Nhưng nếu từ sau cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên sắp tới ở Singapore mà Mỹ và Triều Tiên cùng nhau đi vào giải pháp cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời hai nước này cùng Hàn Quốc thỏa thuận chấm dứt tình trạng chiến tranh dù chưa ký kết hiệp ước chấm dứt tình trạng chiến tranh – vì làm việc này cần sự tham gia của Trung Quốc – và mối quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên được bình thường hóa, thì mức độ Mỹ lụy Trung Quốc sẽ giảm đi rất đáng kể.

Ở khu vực Biển Đông, xem ra phía Mỹ hiện đã nhận thức được rằng việc chiếm đóng đảo trái phép, xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo, quân sự hóa lãnh thổ chiếm đóng trái phép, và cách thức hành xử của Trung Quốc đã đến mức đe dọa thực sự những lợi ích chiến lược cơ bản hiện tại cũng như lâu dài của Mỹ.

Mỹ hiểu rằng cần phải kiên quyết đối phó, nếu không Trung Quốc sẽ càng lấn tới và tạo thêm sự đã rồi. Đây là nơi Mỹ không cần Trung Quốc mà phải đối đầu Trung Quốc.

Thương mại song phương và chính trị an ninh ở khu vực Biển Đông sẽ quyết định nhiều nhất – chứ không phải chuyện Mỹ-Triều liệu có thành công hay không – đối với ý tưởng chiến lược về khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương của Mỹ trong việc đối phó với chương trình “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc.

Đến thời điểm hiện tại, có thể thấy rõ ông Trump không có chủ ý giảm cam kết và hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà trái lại còn chủ trương tăng cường vai trò và ảnh hưởng ở nơi đây để đối phó Trung Quốc, đồng thời cũng dùng chính việc đối phó Trung Quốc để vươn tới mục tiêu ấy.

RELATED ARTICLES

Tin mới