Wednesday, November 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThương lái TQ đang len lỏi mọi ngõ hẻm của Việt Nam

Thương lái TQ đang len lỏi mọi ngõ hẻm của Việt Nam

“Hiện thương lái Trung Quốc vào đến tận vùng sâu, vùng xa, cũng như bất cứ ngõ hẻm nào của Việt Nam để thu mua tất cả những gì ngon nhất mà người nông dân có. Đây là điều các nhà quản lý cần suy nghĩ”.

 

Thông tin trên được chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 chuyên đề Nông nghiệp: “Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt”, vừa diễn ra ngày 5/6 tại Hà Nội.
 
 Thương lái Trung Quốc luôn thu mua những gì ngon nhất tại Việt Nam
 
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Cấp cao Central Group (Thái Lan), Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, diện tích đất canh tác trù phú trải dài từ Bắc vào Nam. Nông nghiệp được coi là chìa khóa cho sự phát triển quốc gia.
 
Cũng theo ông Hải, những năm gần đây, với quyết tâm đổi mới, bên cạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu lượng lớn nông sản. Nhóm hàng nông sản chính ước tính đạt 18,96 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. “Việt Nam hiện vươn lên thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu trên thế giới với một số ngành hàng nông nghiệp điển hình như gạo, cà phê, tiêu đen, hạt điều, cao su miền Nam, rau củ quả Đà Lạt…”, ông Hải chia sẻ.
 
Mặc dù Việt Nam được nhận định có nhiều tiềm năng trong nông nghiệp và là chìa khóa cho sự phát triển quốc gia, nhưng sự phát triển của ngày ngành vẫn còn nhiều vấn đề mà các cơ quan quản lý cần phải suy nghĩ.
Với tư cách là một thương lái đã có kinh nghiệm 20 năm trong nghề, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, thương lái Trung Quốc đang chi phối khá nhiều trên thị trường nông sản.
 
Bà Thực cho biết, bà từng tự đi mua nông sản từ những năm 2000 và cũng xuất khẩu 200 – 300 kg vải thiều. Chưa hết, từng bán được 400 tấn cam một ngày ở chợ Long Biên (Hà Nội).
 
Tuy nhiên, đến thời điểm này bà Thực cho rằng, lực lượng thương lái như bà không còn nhiều, thay vào đó là những người Trung Quốc. “Thương lái Trung Quốc vào đến tận vùng sâu, vùng xa, bất cứ ngõ hẻm nào của Việt Nam để thu mua những thứ ngon nhất ở thời điểm thu hoạch. Nông sản Việt Nam đang như một cô gái quê danh giá, chỉ chờ họ tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần suy nghĩ”, bà Thành Thực chia sẻ.
 
Theo vị thương lái này, Việt Nam mới chỉ làm tốt ở khâu nguyên liệu và nếu muốn dẫn dắt thị trường thì cần dẫn dắt cả khâu sản xuất. Điển hình như, Trung Quốc – thị trường lớn về tiêu dùng, họ biết cách chế biến và xuất đi khắp các nước và họ sẵn sàng đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam quan tâm cung ứng thì bỏ lỡ các khâu khác.
 

Việt Nam đang đối mặt với thách thức về thể chế

 
Theo ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tốc độ tăng dân số hiện nay, năm 2035 Việt Nam có nửa số dân chuyển sang dân số thành thị và còn tăng liên tục. Đi kèm với công nghiệp hóa, thu nhập của người dân về nông sản cũng tăng lên rõ rệt.
 
Dẫn chứng theo số liệu của World Bank, ông cho biết, đến năm 2030 kết cấu tiêu dùng trong bữa ăn của dân cư sẽ thay đổi nhiều trong đó nhu cầu về rau, thịt sẽ tăng. Điều này mở ra điều kiện cho Việt Nam. “Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan có lợi thế nhất”, chuyên gia Đặng Kim Sơn nói.
 
Theo chuyên gia Đặng Kim Sơn, để mở rộng thêm thị trường, Việt Nam phải đẩy mạnh hội nhập, tham gia vào các hiệp định thương mại. Các số liệu về cán cân thương mại cho biết, nông sản Việt Nam ngay từ khi hội nhập đã xuất siêu, năm 2018 dù có thể gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn dương về xuất khẩu. “Điều này chứng minh rằng, thế mạnh của Việt Nam là một cường quốc về nông sản”, ông nói.
 
Ông Sơn chia sẻ, lộ trình cắt giảm thuế khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của các nước thành viên, các khoản thuế trong nông nghiệp sẽ giảm đáng kể, nhưng còn rất nhiều hàng rào phi thuế quan phải vượt qua. Vì vậy, đây là một thách thức cho nông sản Việt Nam.
 
Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề thách thức về thể chế khi có quá nhiều cơ quan quản lý chung, cũng như những quy chuẩn, vì vậy việc truy xuất nguồn gốc nông sản gặp nhiều khó khăn.
 
Thêm vào đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp Việt còn yếu. Năng lực để chứng minh về chất lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy chúng ta cần phải xây dựng các thủ tục minh bạch hơn.
 
Trong khi đó, với nhiều năm tích luỹ kinh nghiệm làm việc với nông dân Việt Nam, ông Trần Thanh Hải cho rằng, Việt Nam cần xây dựng và phát triển mô hình đầu tư canh tác quy mô lớn. Hiện nay, sản xuất còn nhỏ lẻ, làm theo quy mô hộ gia đình, diện tích canh tác còn giới hạn, các cánh đồng mẫu lớn chưa phổ biến, chưa tận dụng được chi phí đầu tư thấp, dẫn đến giá thành sản phẩm cao.
 
“Ở các nước phát triển, chi phí đầu tư vào cơ sở vật chất, khấu hao trên từng sản phẩm giảm rất nhiều, nhà đầu tư có nhiều cơ hội đa dạng hoá sản phẩm, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá. Ở Thái Lan, 500 con gà trở xuống là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình, ở Việt Nam kém Thái Lan 10 lần”, ông khẳng định.
 
Theo đề xuất của ông Hải, Việt Nam cần ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, như công nghệ sinh học tự động hoá, công nghệ cao trong thu hoạch chế biến. Bởi hiện nay, đa phần nông dân Việt Nam ngại thay đổi, trung thành với canh tác truyền thống và ngại rủi ro.
 
RELATED ARTICLES

Tin mới