Tuesday, January 7, 2025
Trang chủBiển nóngTQ có phải “người quân tử” trong vấn đề Biển Đông

TQ có phải “người quân tử” trong vấn đề Biển Đông

Theo quan điểm Nho giáo của Trung Quốc, “người quân tử” là một hình mẫu con người lý tưởng, hành động ngay thẳng, công khai theo lẽ phải và không vụ lợi cá nhân. Người quân tử là người có đầy đủ các đức tính trong ngũ thường: Nhân (cái gì bản thân mình không muốn hoặc người không muốn thì không làm cho người. Cái gì người muốn thì tích tụ lại cho người..), Lễ (tuân thủ những quy định có tính chất pháp luật, những phong tục, tập quán và kỷ luật tinh thần của cá nhân), Nghĩa (chỉ làm và nên làm những việc nhằm duy trì đạo lý, lẽ phải), Trí (dùng tri thức để suy xét, hành động), Tín (việc làm nhất quán với lời nói, giữ lời “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”). Từ cách ứng xử, hành động của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để phần nào nhận ra tính “quân tử” của Trung Quốc.

Chữ “Nhân” trong cách hành xử của Trung Quốc: Tất cả các nước trên thế giới đều muốn chung sống hòa bình, không có căng thẳng, không có chiến tranh. Tuy nhiên, có những nước, mà Trung Quốc là một điển hình, luôn tìm cách đẩy hoặc duy trì căng thẳng ở Biển Đông nhằm lấy vấn đề này làm “con bài” mặc cả, trao đổi lợi ích kinh tế, chính trị với Mỹ và một số nước đồng minh.

Tại một khía cạnh khác, không có một quốc gia nào chấp nhận hành vi bị xâm lược, chiếm đóng đất đai, chia cắt lãnh thổ, lãnh hải. Chính Trung Quốc cũng đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền của mình. Vậy, tại sao Trung Quốc lại sử dụng vũ lực để xâm chiếm đảo, đá và các vùng biển của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động “bất nhân” của Trung Quốc khiến nhiều chiến sỹ Việt Nam đã phải hy sinh để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông. Hay nói đơn gian sang một vấn đề khác, đã có nước nào ở Biển Đông sử dụng tàu cá vỏ sắt trá hình, tàu dân quân biển để đâm, va, húc chìm thuyền đánh cá của ngư dân các nước? Trên thực tế, chắc chỉ có Trung Quốc mới dùng những hành động mất nhân tính, phi pháp để dần từng bước thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông.

Chữ “Nghĩa” trong cách hành xử của Trung Quốc: Biển Đông vốn là một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển. Người dân các nước ven biển chung sống hòa thuận, cùng chung sức thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ gìn hòa bình và đảm bảo các hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực không bị cản trở. Ngư dân các nước được quyền khai thác, đánh bắt hải sản trong vùng biển của nước mình.

Nhưng để đạt được mục đích thôn tính Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc, Bắc Kinh đã triển khai hàng loạt hành động phi pháp ở Biển Đông, khiến khu vực này trở nên căng thẳng và trở thành một trong những điểm nóng hàng đầu trên thế giới về an ninh, trật tự. Hành động của Trung Quốc hoàn toàn không giúp duy trì hòa bình, trật tự ở Biển Đông; không góp phần đảm bảo luật pháp quốc tế được tôn trọng và duy trì. Trong đó có thể kể ra một số hành động cụ thể của Trung Quốc: Năm 1946, trong bối cảnh Việt Nam đang phải tập trung đối phó với cuộc xâm lược của Pháp và phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh, Trung Quốc mang quân ra xâm chiếm đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa). Năm 1956, sau Hiệp định Geneva, Trung Quốc lại đưa quân ra chiếm gần như toàn bộ phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc tiếp tục mang quân tấn công, xâm chiếm phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, lợi dụng Việt Nam đang tập trung cho cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, Trung Quốc đã đưa quân vào xâm chiếm đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. Hay những năm gần đây, Trung Quốc liên tục có các hành động đơn phương, phi pháp ở Biển Đông đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như cuộc sống của hàng triệu ngư dân ven Biển Đông, như: Trung Quốc đơn phương áp dụng Quy định cấm đánh bắt cá hàng năm ở Biển Đông; cử đội tàu dân quân biển (thực chất là tàu vũ trang của Trung Quốc) trá hình quấy rối, ngăn cản, thậm chí là khiêu khích các tàu khảo sát, thăm dò của các nước đang hoạt động hợp pháp ở Biển Đông; cho tàu vỏ sắt đâm tàu cá của các nước khi, thậm chí có trường hợp lực lượng chức năng của Trung Quốc còn tiến hành bắt, tich thu (nói đúng hơn là ăn cướp) hải sản, phương tiện của ngư dân các nước; nguy hiểm hơn, Trung Quốc tiến hành cải tạo phi pháp nhiều đá, bãi cạn ở Biển Đông, rồi đưa vũ khí sát thương, thậm chí là vũ khí mang tính hủy diệt ra triển khai ở Biển Đông; ngăn chặn, kiểm soát tàu thuyền các nước đang qua lại ở Biển Đông…

Vì lợi ích của bản thân, vì cái lợi trước mắt mà Trung Quốc đã hành động “bất nghĩa”, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích và an ninh, an toàn của tất cả chúng ta.

Chữ “Lễ” trong cách hành xử của Trung Quốc: Là một nước thành viên, tham gia ký kết Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển năm 1982, hay những Thỏa thuận khu vực và song phương như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố chung giữa Việt Nam – Trung Quốc đã ký vào năm 2011… Trung Quốc cần phải tuyệt đối tuân thủ các quy định, tập quán quốc tế hay thỏa thuận đã ký kết. Nhưng trên thực tế, hành động của Trung Quốc đã, đang đi ngược lại hoàn toàn những gì Bắc Kinh đã ký.

Hiến chương Liên hợp quốc trong đó có quy định về hòa bình, giải quyết tranh chấp là nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Các quốc gia thành viên không được đe dọa sử dụng vũ lực và cấm đe dọa sử dụng vũ lực. Trung Quốc là thành viên của Liên hợp quốc. Vậy nhưng, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp tại Hoàng Sa và một số đá, bãi cạn ở Trường Sa, vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên hợp quốc. Ngoài ra, nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cũng khẳng định rằng: Các quốc gia có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, không được sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp nhưng thời gian gần đây Trung Quốc liên tục triển khai phi pháp các loại vũ khí sát thương ra Biển Đông, sử dụng máy bay ném bom H-6K (mang theo bom, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) để diễn tập, hay việc Trung Quốc dùng vòi rồng phun vào các tàu của Cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam (năm 2014) hay vũ khí trang bị trên các tàu quân sự Trung Quốc thường để ở chế độ sẵn sàng nổ súng… Đây hiển nhiên là hành vi đe dọa sử dụng vũ lực đối với lực lượng chấp pháp có thẩm quyền của Việt Nam. Trung Quốc còn vi phạm quyền tự do hàng hải, đe dọa hòa bình, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực biển của Việt Nam nói riêng và trong khu vực của Biển Đông nói chung khi cử một lượng lớn tàu chiến, may bay tuần tra, giám sát ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng vi phạm nghiêm trọng cam kết về ứng xử trên Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc đã đi ngược lại lời nói của mình, đơn phương đe dọa sử dụng vũ lực, khiêu khích, leo thang trong khi Việt Nam hết sức kiềm chế để bảo đảm hòa bình trên Biển Đông.

Chữ “Trí” trong cách hành xử của Trung Quốc: Trong những năm gần đây, Trung Quốc luôn tìm cách ngụy tạo chứng cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử nhằm biện minh cho “chủ quyền” của Bắc Kinh ở Biển Đông, song những căn cứ, lập luận mà Trung Quốc đưa ra luôn bị cộng đồng quốc tế, thậm chí ngay cả người dân Trung Quốc phản đối. Đặc biệt là cách hành xử thô bạo, nham hiểm và không từ thủ đoạn của Bắc Kinh khiến các nước trên thế giới phải bất an và bày tỏ quan ngại.

Điều đáng nói ở đây là việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông hoàn toàn phù hợp với tập quán và pháp luật quốc tế. Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn luôn khẳng định và có đầy đủ các căn cứ khoa học, pháp lý để chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trải qua nhiều thời kỳ, chủ quyền đó luôn luôn được khẳng định và bảo vệ. Việc khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác trên Biển Đông được Nhà nước Việt Nam thực hiện một cách liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được biên soạn, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Song, Trung Quốc luôn không biệt đúng sai, dựa vào mình là nước lớn (về cả địa lý, kinh tế, quân sự và ảnh hưởng trên trường quốc tế) để xâm chiếm trái phép các đảo, đá và vùng biển của Việt Nam. Cách hành xử không đúng luôn thường đạo lý, không đúng với phong tục, tập quán và luật pháp quốc tế của Trung Quốc cần phải lên án mạnh mẽ và buộc Trung Quốc dừng ngay những hành vi “bất trí” ở Biển Đông.

Chữ “Tín” trong cách hành xử của Trung Quốc: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố, cam kết khẳng định Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông, hành động có trách nhiệm và phát triển một cách hòa bình, cụ thể: Tại Báo cáo chính trị Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tuyên bố “Trung Quốc tôn trọng quyền tự lựa chọn con đường phát triển của nhân dân các nước, bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, phản đối áp đặt ý chí của bản thân lên người khác, phản đối ỷ mạnh hiếp yếu; sự phát triển của Trung Quốc không gây thành mối đe dọa đối với bất cứ quốc gia nào; Trung Quốc dù phát triển đến trình độ (cao) như thế nào cũng vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng”. Trước đó, trong cuộc gặp Thượng đỉnh với cựu Tổng thống Mỹ B.Obama, ông Tập Cận Bình (9/2015) cũng từng đưa ra cam kết “Trung Quốc không có dự định theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông”, hay trong cuộc gặp bên lề Hội Nghị Diễn Đàn Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Tập Cận Bình (11/2017) cam kết với Philippines rằng “Trung Quốc sẽ không mang chiến tranh đến Biển Đông vì các tranh chấp chủ quyền”…

Tuy nhiên, Trung Quốc đang “bất tín” khi hành động và cam kết không thống nhất trong vấn đề Biển Đông. Một mặt, Trung Quốc đưa ra các cam kết, khẳng định Trung Quốc sẽ hành xử có trách nhiệm, không quân sự hóa, không chạy đua vũ trang, không sử dụng vũ lực để đe dọa các nước khác nhằm tạo dựng hình ảnh và xoa dịu, trấn an các nước. Mặt khác, Trung Quốc âm thầm tiến hành quân sự hóa mạnh mẽ ở Biển Đông, liên tục triển khai các loại hình vũ khí sát thương (tên lửa, pháo cao xạ, máy bay chiến đấu…), tiến hành tập trận bắn đạn thật rầm rộ với quy mô lớn, thậm chí đưa máy bay ném bom H-6K (mang theo bom, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) diễn tập cất hạ cánh phi pháp ở đảo Phú Lâm của Việt Nam; sử dụng các lực lượng chấp pháp ngăn chặn phi pháp các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên và đánh bắt hải sản hợp pháp của các nước… những hành động này của Trung Quốc đã gián tiếp thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, gây cản trở các hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Kết luận: Là nước khởi nguồn của Nho giáo, Đạo giáo nên vấn đề luận thường đạo lý, đạo làm “người quân tử” Trung Quốc sẽ rõ hơn tất cả các nước. Tuy nhiên, vì cái lợi ích trước mắt, vì âm mưu độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc cư xử bất nhân, bất nghĩa, bất tín, bất lễ (làm trái với lương tâm, vi phạm luật pháp quốc tế), bất trí (cư xử, hành động không đúng mực, không theo chuẩn mực đạo đức). Đây hoàn toàn không phải cách hành xử của người quân tử ở Biển Đông. Trung Quốc đang tự hủy hoại thanh danh, hình ảnh nước lớn có trách nhiệm của mình và đã tạo dựng được một hình tượng kẻ tiểu nhân, sẵn sàng làm tất cả mọi biện pháp (bất chấp công luận, bất chấp luật quốc tế) để đạt được âm mưu, ý đồ độc chiếm Biển Đông làm cua riêng. Hành động này của Trung Quốc cần được cộng đồng quốc tế chung tay, cùng lên án, vạch tội Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới