Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngTQ đã bắt đầu phải trả giá ở Biển Đông

TQ đã bắt đầu phải trả giá ở Biển Đông

Trước những hành động phi pháp, khiêu khích và gây leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây như triển khai tên lửa hành trình YJ-12B có tầm bắn 546km và tên lửa tầm xa đất đối không HQ-9B có tầm bắn 300km tại Đá Chữ Thập, Đá Xubi và Đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa của Việt Nam); diễn tập máy bay ném bom H-6K ở đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam); triển khai các thiết bị gây nhiễu sóng liên lạc, radar trên đá Chữ Thập; xây dựng, cải tạo phi pháp các thực thể chiếm đóng ở Biển Đông… Mỹ – nước có lợi ích quan trọng ở Biển Đông và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông đã có những hành động thực tế đáp trả các hành vi của Trung Quốc.

Tàu sân bay USS Carl Vinson (17/2) thực hiện chiến dịch tuần tra ở Biển Đông

Mỹ hủy lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018:

Ngày 23/5, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Chris Logan thông báo Mỹ đã rút lại lời mời Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 nhằm phản ứng bước đầu đối với tình trạng Trung Quốc liên tục quân sự hóa ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc hành động của Trung Quốc chỉ đẩy căng thẳng leo thang và gây bất ổn cho khu vực, nhấn mạnh hành vi của Trung Quốc không phù hợp với nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận RIMPAC. Được biết, RIMPAC là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất, được tổ chức 2 năm một lần tại Hawaii (Mỹ) vào tháng 6 và tháng 7. Dự kiến, năm nay có khoảng gần 30 nước sẽ tham gia RIMPAC. Trung Quốc đã từng 02 lần tham gia RIMPAC vào năm 2014 và năm 2016. Việc Trung Quốc tham gia RIMPAC được cho là sẽ có lợi cho cải thiện năng lực hải quân của Trung Quốc khi đối mặt với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, tăng cường lòng tin chính trị và có lợi cho các hoạt động trao đổi chuyên môn, hợp tác thực tế của Trung Quốc với hải quân các nước, nhất là Mỹ.

Mỹ tiếp tục cử tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông:

Bất chấp các tuyên bố khẳng định “chủ quyền” phi pháp và hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ (27/5) tiếp tục cử tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam tiến vào khu vực 12 hải lý gần các đảo Cây, Phú Lâm, Tri Tôn và Linh Côn (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Đây là một phần trong hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không của các tàu và máy bay Mỹ trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Christopher Logan khẳng định, lực lượng Mỹ hoạt động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương mỗi ngày (bao gồm cả khu vực Biển Đông), nhấn mạnh mọi hoạt động của Mỹ đều tuân thủ theo luật pháp quốc tế và Mỹ sẽ điều máy bay, tàu chiến thực hiện nhiệm vụ ở bất cứ đâu luật quốc tế cho phép. Trước đó, Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động tuần tra ở Biển Đông như điều tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (10/4), tàu sân bay USS Carl Vinson (17/2) tuần tra Biển Đông, tàu khu trục hạm USS Mustin (23/3) tuần tra trong vùng biển sát đá Vành Khăn…

Trong những ngày sắp tới, Mỹ sẽ tiếp tục có các biện pháp khác gây sức ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật quốc tế và chấm dứt các hành động khiêu khích, phi pháp ở Biển Đông như lên án, chỉ trích Trung Quốc tại các diễn đàn an ninh khu vực và quốc tế như Shangri-la 2018, Diễn đàn An ninh quốc tế, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)…

Nhìn chung, cộng đồng quốc tế đánh giá cao hành động của Mỹ, cho rằng đây có thể là cách tiếp cận mới của Mỹ – đánh vào danh dự của Trung Quốc, trong vấn đề Biển Đông.

Giới chuyên gia cho rằng quyết định hủy lời mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC là động thái đáp trả của Mỹ trước những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc; đây có thể là một thông điệp chính trị lớn của Mỹ, thể hiện quyết tâm và sự cứng rắn hơn so trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Chính quyền Tổng thống D.Trump. Ngoài ra, việc Mỹ tiếp tục tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không bên trong khu vực 12 hải lý quanh một số đảo ở Hoàng Sa bất chất sự phản đối và đe dọa từ Trung Quốc cho thấy quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; đồng thời thể hiện sự không công nhận cái gọi là “đường cơ sở thẳng” do Trung Quốc vạch ra một cách phi pháp xung quanh quần đảo Hoàng Sa, cũng như thách thức những tuyên bố chủ quyền đơn phương và trái pháp luật ở Biển Đông của Trung Quốc. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ từng cho biết Mỹ phản đối các quốc gia quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi yêu sách hàng hải thái quá, không chấp nhận những thay đổi hiện trạng đơn phương, cưỡng ép; cho việc tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do đi lại trên không, trên biển sẽ giúp bảo đảm sự ổn định, xây dựng lòng tin, an ninh và thịnh vượng. Mỹ sẽ tiếp tục công việc đảm bảo hòa bình, thịnh vượng và tự do cho châu Á, tôn trọng mọi quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế.

Tuy quyết định của Mỹ khó có thể làm thay đổi kế hoạch “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc và có thể dẫn tới nguy cơ căng thẳng quân sự leo thang trên Biển Đông, nhưng những gì Mỹ đang làm đã khiến Trung Quốc phải tự thấy xấu hổ trước cộng đồng quốc tế, nhất là uy tín, danh dự quốc gia của Trung Quốc. Không sớm thì muộn, Trung Quốc sẽ phải hối hận vì những gì mình đã làm ở Biển Đông.

Trên thực tế, hành động của Mỹ một lần nữa đã thể hiện rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của một nước lớn – cường quốc hàng đầu thế giới về việc tuân thủ luật quốc tế và phản đối những hành vi khiêu khích, đe dọa trật tự, an ninh trong khu vực. Hành động của Mỹ đã đóng góp không nhỏ trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, nhất là việc ngăn chặn Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự chèn ép các nước nhỏ, đơn phương dựa trên sức mạnh cơ bắp để đặt ra những quy tắc của riêng Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Thời gian tới, Mỹ nên thúc đẩy hơn nữa chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và đưa ra những biện pháp trừng phạt Trung Quốc thiết thực và mạnh mẽ hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới