Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhật Bản lý giải việc coi trọng 'Bộ tứ Đông Nam Á'

Nhật Bản lý giải việc coi trọng ‘Bộ tứ Đông Nam Á’

Nhật Bản lựa chọn tài trợ và hỗ trợ cho 4 quốc gia ở Đông Nam Á này vì đây là các nước nằm dọc theo tuyến đường biển của Nhật Bản.

Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG)

The Diplomat mới đây có bài viết phân tích về sự hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển của nước này với các nước ở Đông Nam Á, đặc biệt là nhóm 4 nước gồm Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia.

Theo tạp chí này, tầm quan trọng của sức mạnh hải quân đối với Nhật Bản với tư cách một quốc đảo đã được thừa nhận từ lâu. Năm 1853, Phó Đề đốc Mỹ Matthew Perry vào Vịnh Edo với hạm đội tàu hải quân của ông, đe dọa sẽ tiêu diệt Nhật Bản từ ngoài biển. Kinh nghiệm này đã dạy cho Nhật Bản một bài học quan trọng mà ngay lập tức họ đã lĩnh hội.

Nhật Bản đã bắt chước chiến lược “ngoại giao pháo hạm” của Mỹ trong thời kỳ Tokugawa và sử dụng nó để xâm chiếm thành công bán đảo Triều Tiên và Đài Loan.

Bước vào thế kỷ 19, Hải quân Hoàng gia Nhật Bản chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những lời dạy của Alfred Thayer Mahan. Họ đã nhận ra tầm quan trọng của một lực lượng hải quân mạnh mẽ với vai trò át chủ bài trong việc đàm phán với các quốc gia khác.

Mahan nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau về quân sự và thương mại trong việc kiểm soát biển. Lĩnh hội được tính ứng dụng của chiến lược này từ Mỹ, Nhật Bản đã sử dụng tư tưởng Mahan để chỉ đạo tham vọng đế quốc của nước này cho tới khi chấm dứt Thế chiến II.

Nhưng sau thất bại của Nhật Bản vào năm 1945, Hiến pháp hòa bình do Mỹ áp đặt đã kiềm chế việc duy trì và phát triển quân đội Nhật Bản. Sự triển khai sức mạnh mang tính tấn công và quyết liệt của Nhật Bản nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của nước này ở nước ngoài đã bị chế ngự.

Thay vào đó, Nhật Bản dựa vào chiếc ô phòng thủ của Mỹ. Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản đã một lần nữa bác bỏ việc sử dụng “ngoại giao pháo hạm” trong tương lai, và công luận hậu chiến đã ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh.

Là một quốc đảo khan hiếm tài nguyên, Nhật Bản coi việc bảo vệ các tuyến đường biển là phần quan trọng nhất trong lợi ích quốc gia của nước này. Biển Đông đóng vai trò hành lang thương mại kinh tế kết nối Nhật Bản không chỉ với Đông Nam Á, mà còn với Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Biển Đông là tuyến đường trung chuyển đối với 80%-90% nguồn cung năng lượng của Nhật Bản.

Do sự cần thiết của Biển Đông cũng như những giới hạn đối với Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), Nhật Bản đã đưa Cảnh sát biển (JCG) trở thành trung tâm của một khuôn khổ an ninh Đông Nam Á đang nổi lên, mà theo The Diplomat, được các nước láng giềng Đông Á hoan nghênh và được công chúng Nhật Bản chấp nhận.

Nhat Ban ly giai viec coi trong 'Bo tu Dong Nam A'
Một chiếc tàu tuần tra của JCG

Cảnh sát biển Nhật Bản được thành lập năm 1948, là lực lượng cảnh sát biển đầu tiên ở châu Á. Ban đầu lực lượng này được gọi là Cơ quan an toàn hàng hải.

JCG đã được tái tổ chức nhiều lần từ khi được thành lập, và các vai trò được xác định, các nhiệm vụ cụ thể và quyền tài phán trên biển của nó đã mở rộng đáng kể qua nhiều năm.

Luật Cảnh sát biển Nhật Bản sửa đổi năm 2001 cho phép JCG “sử dụng vũ lực công khai nhằm ngăn chặn sự xâm nhập trên biển và bảo vệ đất nước Nhật Bản”. Lực lượng này được tăng ngân sách và được nhận các tàu và máy bay tinh vi hơn.

Bộ tứ Đông Nam Á

Tờ The Diplomat cho rằng sau khi Liên Xô sụp đổ, mối đe dọa mới nổi lên đối với các tuyến đường biển của Nhật Bản là nạn cướp biển ở eo biển Malacca. Điều này đã khiến JCG mời lực lượng cảnh sát biển Đông Nam Á tới tập huấn tại Nhật Bản vào những năm 1990.

Sau đó, các cuộc tấn công của cướp biển có liên quan đến tàu chuyên chở MV Tenyu của Nhật Bản năm 1998 và tàu chở hàng MV Alondra Rainbow của Nhật Bản năm 1999 đã khiến Nhật Bản khởi xướng việc hợp tác chống cướp biển ở eo biển Malacca.

The Diplomat khẳng định sự hỗ trợ của Nhật Bản là “chất xúc tác” đối với “sự nổi lên” của các cơ quan cảnh sát biển ở Đông Nam Á. Sự hỗ trợ của Nhật Bản không chỉ giới hạn ở việc bảo trợ huấn luyện, mà còn bao gồm việc tài trợ các trang thiết bị hạng nặng, chẳng hạn như tàu tuần tra.

Năm 2005, Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) mới thành lập đã đề nghị JCG giúp đỡ huấn luyện nhân sự. Trong khuôn khổ hợp tác với JICA vào tháng 3/2006, Nhật Bản đã giao cho MMEA 2 tàu hàng hải để hỗ trợ các nỗ lực chống cướp biển và liên tục hỗ trợ huấn luyện và kỹ thuật cho MMEA trong quan hệ đối tác mà đến nay vẫn tiếp tục.

 
Tàu tuần tra của cảnh sát biển Phlippines do Nhật Bản đóng

Tương tự, Nhật Bản có quan hệ với Cảnh sát biển Philippines (PCG) trong nhiều thập kỷ. Năm 1998, PCG đã nhận được một tàu thả phao dài 60m từ Nhật Bản để phát triển khả năng của lực lượng này đối với an toàn hàng hải và chống ô nhiễm trên biển.

Năm 2002, Nhật Bản đã bảo trợ cho một chương trình huấn luyện kéo dài 5 năm mang tên Sáng kiến phát triển nhân lực JICA-PCG (JICA-PCG HRD), với mục tiêu tăng cường các khả năng của nhân lực Philippines thông qua một loạt khóa huấn luyện và hoạt động về thực thi pháp luật.

Đến năm 2007, Nhật Bản đã huấn luyện cho 2.000 nhân viên của PCG trên nhiều phương diện khác nhau của các hoạt động an ninh hàng hải, trong đó bao gồm các cuộc diễn tập kết hợp với JCG. Năm 2013, 1 năm sau sự cố bãi cạn Scarborough khiến Philippines đối đầu với Trung Quốc, JICA đã thông qua một khoản vay cho việc đóng 10 tàu tuần duyên đa năng (MRRV) 40 m.

 
Hai tàu của JCG “ép” một tàu đánh cá hoạt động trái phép gần quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư

Cũng theo The Diplomat, Cục cảnh sát biển Việt Nam được thành lập năm 1998 và đã trở thành Cảnh sát biển Việt Nam (VCG), độc lập với hải quân, vào năm 2008. Từ đó đến nay, Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ VCG thông qua huấn luyện và phát triển nguồn nhân lực, cũng như các cuộc tập trận chung giữa JCG và VCG được tiến hành vào tháng 9.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã thể hiện cam kết của mình trong việc phát triển VCG bằng việc cung cấp trang thiết bị và tàu biển cần thiết thông qua viện trợ phát triển.

Đối với Indonesia, JCG đã hợp tác với JICA hỗ trợ việc thiết lập BAKORKAMLA của Indonesia, cơ quan đảm nhiệm vai trò điều phối thực thi pháp luật trên biển. Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp 3 tàu tuần dương nhằm tăng cường khả năng của cảnh sát biển Indonesia trong việc tiến hành các hoạt động chống cướp biển năm 2006 và cung cấp khoản trợ cấp nhiều triệu USD nhằm thiết lập một hệ thống giao thông đường biển cho việc giám sát hiệu quả nhận thức về lãnh hải ở eo biển Malacca và Singapore.

Theo The Diplomat, Chính phủ Nhật Bản đã lựa chọn tài trợ và hỗ trợ cho 4 quốc gia ở Đông Nam Á trên vì các quốc gia này là các nước ven biển dọc theo tuyến đường biển của Nhật Bản. Tính chất phi quân sự của JCG khiến cho việc thuyết phục cả người dân Nhật Bản lẫn chính phủ của 4 nước duyên hải này về hoạt động hợp tác của “lực lượng tàu trắng” (tức JCG) trở nên dễ dàng hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới