Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 11/06/2018

Bản tin Biển Đông ngày 11/06/2018

Bản tin Biển Đông ngày 11/06/2018.

Thông cáo chung Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Charlevoix, Quebec, Canada

Ngày 10/6, Reuters đăng toàn văn Thông cáo chung Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra từ ngày 8 – 9/6/2018 tại Charlevoix, Quebec, Canada. Thông cáo chung nêu rõ, lãnh đạo các nước G7 khẳng định quyết tâm “cùng xây dựng một thế giới hoà bình và ổn định hơn”. Đặc biệt, trong Thông cáo chung, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, một lần nữa bày tỏ sự phản đối đối với các hành động đơn phương có thể gây leo thang căng thẳng và gây tổn hại đến ổn định khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng hối thúc tất cả các bên thực hiện việc phi quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp ở khu vực.

Tin tặc Trung Quốc ăn cắp dữ liệu nhạy cảm về vũ khí tàu ngầm của Hải quân Mỹ

Ngày 11/6, Fox News đưa tin, theo nguồn tin từ các quan chức Mỹ, vào khoảng tháng 1 và tháng 2, một nhóm các tin tặc mạng do Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã xâm nhập vào các máy tính của một nhà thầu thuộc Trung tâm Tác chiến ngầm của Hải quân Mỹ để lấy trộm một lượng lớn gồm 614 gigabytes các dữ liệu “cực kỳ nhạy cảm” về hệ thống vũ khí phục vụ chiến tranh dưới nước, bao gồm các kế hoạch phát triển tên lửa siêu âm đối hạm được sử dụng cho các tàu ngầm của Mỹ. Phát ngôn viên Hải quân Mỹ cho hay phía Hải quân sẽ không bình luận gì về vụ việc song khẳng định mối đe doạ về an ninh mạng là “vấn đề nghiêm trọng”, cho hay “Mỹ xem xét nghiêm túc các vụ việc tấn công mạng nhằm vào các nhà thầu”, “trong trường hợp xảy ra xâm nhập, các bên liên quan sẽ tiến hành điều tra cụ thể, có các biện pháp nhằm bảo vệ thông tin hiện có và giảm thiểu những tác động có thể có do thông tin đã bị xâm nhập”.

Thông tin mới này có thể sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc nói chung và trong quan hệ quân sự – quốc phòng giữa hai nước nói riêng, nhất là sau khi Lầu Năm góc của Mỹ mới đây đã tuyên bố không mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân quốc tế thường niên RIMPAC hồi cuối tháng 5/2018 do nước này không từ bỏ những nỗ lực nhằm quân sự hoá trái phép Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines: Philippines và Trung Quốc nhất trí cho phép ngư dân tự do qua lại trên Biển Đông

Inquirer đưa tin, ngày 10/6, sau khi hãng tin GMA News cho đăng tải đoạn phim tố cáo lực lượng hải cảnh Trung Quốc cưỡng chế tàu của ngư dân Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano khẳng định Philippines và Trung Quốc đã thoả thuận và thống nhất với nhau rằng ngư dân hoàn toàn có thể tự do qua lại trên Biển Đông. Ông Cayetano cho biết Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua đã cam đoan với Bộ Ngoại giao Philippines rằng Trung Quốc sẽ “áp dụng luật thật nghiêm đối với các trường hợp vi phạm”. Tuy nhiên, ông Cayetano không nói rõ đó là “luật” gì. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với cáo buộc của Thượng Nghị sỹ Gary Alejano rằng lực lượng hải cảnh Trung Quốc liên tục quấy nhiễu ngư dân Philippines và tịch thu số lượng cá tốt nhất mà họ đã thu hoạch được. Ông Cayetano cho rằng nhiều khả năng ngư dân Philippines khi đó đang rao bán hoặc trao đổi số cá này trên biển. Ngoại trưởng Philippines đồng thời kêu gọi ngư dân Philippines cần trực tiếp báo cáo các vụ quấy nhiễu để Bộ Ngoại giao có thể xử lý một cách kịp thời.

Đối thoại Shangri-la: sự trỗi dậy “thần tốc” của Trung Quốc đang “bẻ cong” trật tự Châu Á theo cách chưa từng có

Ngày 9/6, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng bài viết “Đối thoại Shangri-la: sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đang định hình lại trật tự Châu Á theo cách chưa từng có” của Phó Giáo sư Richard Heyadarian, Đại học De La Salle, Philippines.

PGS. Heydarian cho biết, cuộc tranh luận về những giá trị cốt lõi của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã nóng trở lại tại Đối thoại Shangri-la, Singapore, khi các nước lớn chia sẻ những ý kiến khác nhau về một cấu trúc an ninh “lý tưởng” đối với khu vực này. Khái niệm đầu tiên về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được đưa ra bởi các quan chức quốc phòng Mỹ. Tại Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tái khẳng định lập trường của chính quyền Mỹ nhằm đối trọng với các tham vọng gây ảnh hưởng và bành trướng trên biển của Trung Quốc ở khu vực Đông Á. Ông cũng đưa ra cam kết về việc hải quân Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực thách thức các hoạt động quân sự hoá và bồi đắp ở Biển Đông, nhấn mạnh các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ là một phần trong những nỗ lực nhằm bảo vệ “quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia”, đồng thời cho rằng Bắc Kinh đang đe doạ đến quyền tiếp cận và sự ổn định của tuyến giao thông hàng hải của toàn cầu. Trong khi đó, quan điểm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modia về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lại không xem Trung Quốc là mối đe doạ lớn đối với nguyên trạng mà xem nước này “vừa là nguy cơ, vừa là cơ hội”, cần phải nhìn nhận tuỳ theo “từng trường hợp”. Mặt khác, ông Modi vẫn khẳng định mong muốn về việc duy trì một cấu trúc an ninh khu vực “tự do và cởi mở”. Tuy nhiên, tác giả bài viết cho biết cả Ấn Độ và Mỹ đều nhất trí rằng cần có một định nghĩa về cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà theo chiến lược gia an ninh của Úc mô tả thì cấu trúc này sẽ “giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc” và “những tác động của nước này tại một vùng biển lớn hơn, trong một bối cảnh khu vực rộng lớn hơn”. Ngoài ra, Indonesia cũng đưa ra quan điểm về định nghĩa khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho rằng ASEAN cần duy trì vai trò trung tâm của việc xây dựng khái niệm, gìn giữ và phát triển khu vực này. Gần đây, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã chia sẻ một cách cụ thể hơn quan điểm của Indonesia về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó ủng hộ một trật tự “cởi mở, minh bạch và toàn diện”, thúc đẩy “hoạt động đối thoại, hợp tác và hữu nghị cũng như thúc đẩy luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, PGS. Heydarian cho rằng việc đối đầu hay loại trừ Trung Quốc ra khỏi cấu trúc khu vực sẽ không có “ích lợi” gì và cũng “không thực tế” khi xét tới vai trò trung tâm ngày càng gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu cũng như năng lực quân sự đang phát triển thần tốc của nước này. Và vẫn còn chưa rõ quan điểm nào về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ “thắng thế”. Mặc dù vậy, tác giả khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, sự trỗi dậy thần tốc của Trung Quốc đang “định hình lại” trật tự khu vực Châu Á theo cách chưa từng có.

Bệ phóng tên lửa của Trung Quốc lại xuất hiện trên Biển Đông

CNN đưa tin, ngày 11/6, Công ty vệ tinh quốc tế ImageSat (ISI) đã công bố một phân tích mới cho thấy một loạt các hệ thống tên lửa của Trung Quốc đã xuất hiện trở lại trên Đảo Phú Lâm nằm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chỉ vài ngày sau khi ISI công bố các hình ảnh vệ tinh thể hiện rằng Trung Quốc dường như đã di dời các hệ thống này. CNN cho biết, vào thời điểm các hình ảnh vệ tinh ban đầu được công bố, các chuyên gia không khỏi hoài nghi rằng các bệ phóng đã được dỡ bỏ “vĩnh viễn”, thay vào đó chỉ dự đoán rằng các vệ tinh này được đưa đi để “bảo dưỡng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới