Hàn Quốc vẫn âm thầm nâng cấp các vũ khí quân dụng hạng nặng, mua mới các máy bay tiêm kích và tên lửa đồng thời cân nhắc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Điều này diễn ra ngay cả khi Seoul đang theo đuổi chính sách hòa bình với Triều Tiên – điều đã dẫn Bình Nhưỡng tới Hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/6 tại Singapore.
Những động thái trên phản ánh tham vọng của Hàn Quốc nhằm tạo ra một sức mạnh có thể chiến đấu với sự hỗ trợ tối thiểu từ bên ngoài, đồng thời thể hiện quan ngại rằng đồng minh Mỹ không thể ở Hàn Quốc mãi mãi – một điểm nhấn trong tuyên bố hôm 12/6 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc bất ngờ ngừng các cuộc tập trận chung trong tương lai với Hàn Quốc và thảo luận về việc đưa binh lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc về nước.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, việc nâng cấp quân sự của Hàn Quốc được tập trung vào các lĩnh vực không quân và hải quân, theo truyền thống được coi là phục vụ mục đích ít quan trọng hơn so với lục quân – lực lượng đóng vai trò chính trong việc chống lại bất kỳ cuộc xâm lược nào của Triều Tiên. Hiện các lực lượng bộ binh của Triều Tiên có hơn 1 triệu binh sĩ và 7,62 triệu lính dự bị.
Để mở rộng ưu tiên cho không quân, Hàn Quốc đang thay thế phi đội các máy bay tiêm kích cũ kỹ F-4 và F-5 bằng các máy bay tiêm kích tàng hình F-35A của Lockheed Martin có khả năng tấn công các mục tiêu ngầm chiến lược.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, lô 40 máy bay F-35A đầu tiên mua năm 2014 dự kiến sẽ được chuyển giao cho nước này trong tháng 3 năm tới.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Eric Gomez thuộc Viện Cato ở Washington cho rằng, các khả năng tàng hình và tấn công mặt đất của F-35A là lý tưởng cho các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các mục tiêu là ban lãnh đạo Triều Tiên và các tên lửa đạn đạo của nước này trong những giờ đầu xung đột.
Mặc dù các máy bay phản lực được chính phủ bảo thủ tiền nhiệm đặt mua, song Tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in đã đẩy mạnh hoạt động mua F-35A do mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên gia tăng. Ông Moon đã cam kết củng cố một hệ thống phòng thủ tên lửa kết hợp với các máy bay F-35A để tấn công các điểm phóng tên lửa của Triều Tiên.
Để bổ sung sức mạnh cho các máy bay tiêm kích mới này, các quan chức Seoul cho biết họ đang tìm cách mua thêm các tên không đối đất Taurus của Đức có thể tấn công các mục tiêu Triều Tiên từ bên ngoài phạm vi phòng thủ của hầu hết các phương tiện phòng không thông thường của Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc mua các tàu ngầm hạt nhân để chống lại chương trình tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên.
Theo Sách trắng quốc phòng, Triều Tiên có khoảng 10 tàu ngầm chạy bằng dầu diesel, có khả năng hoạt động dưới nước khoảng 2 tuần so với các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng hoạt động ngầm trong nhiều tháng.
Hải quân Hàn Quốc cũng thể hiện mong muốn mua các một tàu sân bay hạng nhẹ – phương tiện có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tuyến thương mại hàng hải. Một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xác nhận mong muốn này của hải quân, song cho biết chính phủ chưa có kế hoạch đặt mua tàu sân bay vào thời điểm này.
Việc mua các vũ khí quân dụng hạng nặng này là vấn đề tinh tế đối với Chính phủ Hàn Quốc. Để giảm bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Moon đã tìm cách tránh khiêu khích Bình Nhưỡng trong khi theo đuổi con đường đàm phán nhằm tăng cường sự rằng buộc về kinh tế.