Friday, November 8, 2024
Trang chủBiển nóngTQ đang chơi trò “mèo vờn chuột” trên đảo Phú Lâm

TQ đang chơi trò “mèo vờn chuột” trên đảo Phú Lâm

Trang mạng Fox News dẫn hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 3/6 vừa qua của ImageSat International cho thấy Trung Quốc đã gỡ hệ thống tên lửa HQ-9 và các tấm lưới ngụy trang khỏi vị trí ban đầu trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Tuy nhiên, ngày 11/6, hãng CNN lại đăng ảnh vệ tinh do ImageSat International  chụp cho thấy Bắc Kinh đã tái triển khai hệ thống tên lửa trên tại đảo Phú Lâm. Nhiều chuyên gia, học giả cho rằng Trung Quốc có thể đưa hệ thống tên lửa trên về đất liền bảo trì định kỳ hoặc tham gia các cuộc diễn tập. Song, theo quan điểm cá nhân người viết, Trung Quốc chưa hề rút hệ thống tên lửa HQ-9 khỏi đảo Phú Lâm mà chỉ cất giấu tại các hầm vũ khí được xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm. Việc Bắc Kinh mang giấu hệ thống tên lửa trên, rồi lại đưa ra triển khai bên ngoài là một trong những hành động có toan tính, phục vụ âm mưu, ý đồ riêng của Trung Quốc.

Tên lửa HQ-9 Trung Quốc triển khai phi pháp trên đảo Phú Lâm của Việt Nam  

Ngay sau khi Fox News dẫn các ảnh chụp vệ tinh ngày 20/5 cho thấy Trung Quốc  ngang nhiên triển khai hai bệ phóng tên lửa HQ-9 ở khu vực phía Bắc đảo Phú Lâm, cạnh một hệ thống radar, Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ, đồng thời lên án Trung Quốc tiến hành quân sự hóa phi pháp, làm gia tăng cẳng thẳng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

Nhìn một cách tổng thể, Bắc Kinh triển khai phi pháp hệ thống tên lửa HQ-9 ở Hoàng Sa nhằm tăng cường năng lực tác chiến; răn đe chiến lược đối với các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và một số nước có lợi ích trực tiếp trong khu vực (như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…); thăm dò, thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi tiến hành rầm rộ các hoạt động quân sự hóa; tuyên truyền, quảng bá năng lực quốc phòng và quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” biển đảo cho người dân Trung Quốc, để từ đó khích lệ tinh thần dân tộc và lòng trung thành của người dân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà trực tiếp là trung thành với Tập Cận Bình. Xuất phát từ âm mưu, ý đồ trên cho thấy ít có khả năng Trung Quốc sẽ rút hệ thống tên lửa HQ-9 về đất liền, mà Bắc Kinh đang chơi trò “mèo vờn chuột” khi cất giấu hoặc trưng bày hệ thống tên lửa trên ở các căn cứ xây phi pháp tại đảo Phú Lâm. Việc Trung Quốc “mang cất” hệ thống tên lửa HQ-9 là do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, việc triển khai tên lửa trên đã đạt được mục tiêu đề ra, nhất là trong việc thăm dò, thử phản ứng của các nước liên quan và khích lệ tinh thần dân tộc của người dân trong nước.

Thứ hai, Trung Quốc đang tổ chức Hội nghị cấp cao Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) 2018 tại thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Chính vì vậy, Bắc Kinh cần sự đồng thuận, ủng hộ của các nước tham gia, hạn chế các tiếng nói chỉ trích từ cộng đồng quốc tế trước những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Được biết, hiện SCO có 08 thành viên gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan. Trong đó, Ấn Độ và Pakistan trở thành thành viên đầy đủ của SCO tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Astana (Kazakhstan) hồi tháng 6/2017. Tham gia hoạt động của SCO còn có 04 nước quan sát viên là Afghanistan, Belarus, Iran, Mông Cổ và 06 nước đối tác đối thoại gồm Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka.

Thứ ba, Mỹ và một số nước liên tục đưa ra các tuyên bố, chỉ trích cứng rắn, thậm chí Mỹ còn rút lại lời mời Trung Quốc tham gia tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 trong khi mời Việt Nam tham dự. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17,  Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Mỹ rút lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới chỉ là “cảnh cáo ban đầu đối với hoạt động quân sự hóa trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, nếu tiếp tục đi xa hơn, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với các hậu quả khôn lường”, đồng thời khẳng định Washington sẽ không từ bỏ vai trò của mình, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hăm dọa và ép buộc các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đáng chú ý, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio cho rằng Mỹ phải phát triển kế hoạch “phá hủy” các tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông để ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc tại một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Trong khi đó, Hải quân Anh và Pháp cũng đang lên kế hoạch cử  tàu và máy bay chiến đấu đến Biển Đông để tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc tái triển khai hệ thống tên lửa HQ-9 ở Phú Lâm là nhằm chuyển tải một số thông điệp tới Mỹ và các nước đồng minh, cũng như cộng đồng quốc tế:

Đầu tiên, Hội nghị cấp cao Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) 2018 đã tổ chức thành công và đã đưa ra Tuyên bố chung. Trung Quốc thông qua Hội nghị đã khéo léo lồng ghép, gây ảnh hưởng để các nước SCO ủng hộ phần nào lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Chính vì vậy, sau khi Hội nghị kết thúc, Trung Quốc không cần che đậy bản chất cũng như âm  mưu của mình ở Biển Đông, nên việc “trưng bày” hệ thống tên lửa HQ-9 cho Mỹ và các nước thấy cũng không nằm ngoài dự đoán của cộng đồng quốc tế.

Tiếp đến, Trung Quốc thông qua việc tái triển khai tên lửa ở Phú Lâm nhằm đáp trả các hành động, tuyên bố của Mỹ liên quan Biển Đông. Hành động khiêu khích trắng trợn của Trung Quốc có thể được coi là thông điệp ngầm khẳng định “Trung Quốc không hề sợ Mỹ”.

Cuối cùng, Bắc Kinh muốn “nhắn nhủ” tới cả cộng đồng quốc tế rằng một khi Trung Quốc đã triển khai vũ khí ở Biển Đông thì đừng bao giờ hy vọng Trung Quốc rút những khí tài trên, và rằng nước này đã “kiểm soát” hoàn toàn khu vực này. Hành động này không chỉ thách thức cộng đồng quốc tế mà còn thách thức cả luật pháp quốc tế cho thấy thái độ ngông cuồng và dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông, muốn biến khu vực này thành “ao nhà” của Trung Quốc.

Trước thái độ thiếu hợp tác của Trung Quốc cũng như quyết tâm sử dụng vũ lực để đe dọa, xâm chiếm chủ quyền, biển đảo ở Biển Đông, các nước liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đưa ra một giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở khu vực Biển Đông. Thời gian tới, sau Mỹ, Anh, Pháp có thể còn có rất nhiều nước khác sẵn sàng triển khai tàu chiến, máy bay tham gia hoạt động tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, góp phần thúc đẩy và đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, từng bước ngăn chặn âm mưu và hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới