Trung Quốc cố thuyết phục thế giới về sự trỗi dậy hòa bình của mình là mang đến cơ hội và phát triển, nhưng các hoạt động đơn phương của Trung Quốc nhằm mở rộng kiểm soát vùng biển và vùng trời trên Biển Đông cho thấy câu chuyện hoàn toàn khác.
Trong những năm qua, “trỗi dậy hòa bình” trở thành cụm từ phổ biến khi đề cập đến sự nổi lên của Trung Quốc trên trường quốc tế. Cụm từ này lần đầu tiên được học giả Zheng Bijian đưa ra tại diễn đàn Bác Ngao tháng 11/2003 để xoa dịu mối đe dọa Trung Quốc nổi lên có thể thách thức hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Theo Zheng Bijian, sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc không nhằm mục đích tranh giành bá quyền hay bành trướng quân sự mà chỉ nhằm tìm ra những chiến lược để đối phó với các thách thức đặt ra từ quá trình hiện đại hóa và phát triển đất nước của Trung Quốc. Nói cách khác, sự trỗi dậy của Trung Quốc không mang đến đe dọa, thách thức, hoặc rủi ro, mà tạo ra cơ hội phát triển cho nước khác và đóng góp cho hòa bình khu vực và thế giới trong tương lai.
Tuy nhiên, các hoạt động đơn phương của Trung Quốc nhằm mở rộng kiểm soát vùng biển và vùng trời trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất ở Biển Đông (từ Nhật Bản, qua Đài Loan, Philippines vòng xuống phía Nam Biển Đông) mang đến một câu chuyện khác về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.
Năm 2010, Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông và thường xuyên cho tàu hải cảnh xâm nhập vùng biển xung quanh Senkaku.
Năm 2012, Trung Quốc phong tỏa bãi cạn Scarborough. Sau Phán quyết của Tòa Trọng tài tháng 7/2016, Chính quyền Duterte dần dần xoay trục sang Trung Quốc nên Trung Quốc nới nỏng cho ngư dân Philippines được phép đánh cá xung quanh Scarborough nhưng vẫn kiểm soát và không cho ngư dân Philippines vào đầm phá. Tập Cận Bình còn đe dọa chiến tranh với Duterte nếu Philippines đơn phương khai thác dầu khí ở Biển Đông, nơi mà cả hai bên yêu sách, mà không có sự đồng thuận của Trung Quốc.
Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HYSY981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cùng với hàng trăm tàu hải cảnh, hải quân, dân quân biển và các loại tàu hộ tống khác, gây căng thẳng cục bộ kéo dài hơn hai tháng.
Năm 2016, Trung Quốc điều tàu hải cảnh xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở Natuna để giải phóng tàu cá của Trung Quốc được bị lực lượng chấp pháp của Indonesia bắt do cáo buộc đánh bắt cá trộm.
Đặc biệt, sau khi ồ ạt bồi đắp và xây dựng bảy thực thể chiếm đóng trái phép ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo kiên cố (Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi, Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa), Trung Quốc từng bước bố trí thiết bị quân sự sẵn sàng chiến đấu. Sau khi lặng lẽ đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 và tên lửa đất đối không tầm xa thế hệ thứ tư HQ-9B ra Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi, ngày 17/5/2018, Trung Quốc tổ chức diễn tập cất hạ cánh máy bay ném bom tầm xa chiến lược H-6K có khả năng tấn công hạt nhân trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và tiến hành tấn công mô phỏng các mục tiêu trên biển cải thiện năng lực chiến đấu thực tế chống lại cái gọi là các mối đe dọa an ninh biển. Theo Sáng kiến Minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), bán kính chiến đấu của máy bay ném bom H-6K vào khoảng 1.900 hải lý (3.520 km). Nếu xuất phát từ đảo Phú Lâm, tầm hoạt động của H-6K có thể bao phủ toàn bộ khu vực Đông Nam Á, đảo Guam của Mỹ và phía Bắc Australia.
Các hoạt động quân sự và bán quân sự này, nhất là việc diễn tập cất hạ cánh máy bay ném bom tầm xa H-6K, là minh chứng cho việc Trung Quốc phát triển không hòa bình. Trung Quốc luôn trong tư thế chuẩn bị cho các cuộc đụng độ theo cấp độ tăng dần.
Mức thấp nhất, quân đội Trung Quốc liên kết với các lực lượng dân sự để tăng cường quản lý và kiểm soát với các vùng biển. Hải quân phối hợp chặt chẽ với lực lượng chấp pháp biển để tuần tra và bảo vệ các thực thể chiếm đóng trong khi lãnh đạo quốc gia chìa nhành ô lưu hợp tác kinh tế thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường.
Khi khủng hoảng xảy ra, Trung Quốc tăng cường phối hợp các lực lượng và triển khai chiến thuật bên miệng hố chiến tranh. Nếu đối thủ sơ suất sẽ tạo cớ cho Trung Quốc hành động hung hăng hơn và thay đổi nguyên trạng hoặc chứng tỏ thế mạnh vượt trội của Trung Quốc trước khi giảm leo thang.
Nghiêm trọng nhất, Trung Quốc đẩy khủng hoảng để lấn chiếm các thực thể chưa có người ở hoặc do nước khác kiểm soát, hoặc nhẹ hơn là phong tỏa giống như trường hợp Scarborough.
Tóm lại, Trung Quốc cố thúc đẩy khái niệm “trỗi dậy hòa bình” để xoa dịu khu vực và thế giới rằng Trung Quốc phát triển và mạnh lên sẽ mang đến hòa bình, ổn định cho khu vực và thịnh vượng cho các nước. Nhưng, các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy câu chuyện hoàn toàn khác. Trung Quốc quyết tâm quân sự hóa và dùng vũ lực nếu cần để kiểm soát tuyệt đối Biển Đông.