Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều được...

Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều được hiểu như thế nào?

Thế giới tuần qua đã chứng kiến cuộc gặp chưa từng có giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un trong niềm hy vọng về một tương lai hoà bình, thịnh vượng và phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Trump nên được ghi nhận công lao lớn cho cuộc gặp lịch sử này, cựu ngôi sao bóng rổ người Mỹ Dennis Rodman xúc động tuyên bố trong nước mắt khi trả lời phỏng vấn của CNN.

Kết quả Hội nghị thượng đỉnh không hoàn hảo, nhưng có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu những gì có thể trở thành một sự thay đổi địa chấn tại Đông Bắc Á, tờ Straits Times trích dẫn bài phân tích của một cựu quan chức Singapore hôm 13/6.

Từng là quan chức Bộ ngoại giao Singapore, ông Bilahari Kausikan cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Singapore sẽ không bao giờ là thảm họa như một số người đã dự đoán. Rõ ràng, 70 năm thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên không thể được xóa sạch chỉ bởi một cuộc họp duy nhất. Hội nghị thượng đỉnh diễn ra khá tốt đẹp như những gì thường sẽ xảy ra đối với bước đi đầu tiên của một quá trình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ký Tuyên bố chung vào cuối buổi sáng đàm phán hôm 12/6, trong đó đồng ý “sớm nhất có thể” tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và một “quan chức cấp cao” phù hợp của CHDCND Triều Tiên.

Theo ông Kausikan, Hội nghị thượng đỉnh là một cái gì đó, chưa được như “sự kiện lịch sử” mà Tuyên bố chung tự hào so sánh. Tuy nhiên, với 4 đoạn nội dung ngắn gọn, được diễn đạt bằng các thuật ngữ chung, Tuyên bố chung có khả năng ‘thay đổi luật chơi’, mặc dù có lẽ không giống hệt như cách mà 2 nhà lãnh đạo công khai tuyên bố.

Chính quyền ông Trump đối phó với Triều Tiên, được trang bị vũ khí hạt nhân, bằng biện pháp ngăn chặn. Không có cách nào khác để đối phó với một cường quốc hạt nhân, ông Kausikan nhận xét.

Ông Trump đã triển khai nhiều lực lượng hơn xung quanh bán đảo Triều Tiên, so với những gì mà khu vực này đã chứng kiến trong một thời gian dài trước đây. Cựu tổng thống Barack Obama trước đó đã làm được rất ít trong thời gian 8 năm, và gọi đó là “chiến lược kiên nhẫn”.

Đối với ông Trump, việc ra lệnh ném bom Syria trong khi đang ăn tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là một sự đột phá tuyệt vời, khôi phục uy tín của sức mạnh Mỹ, đã bị xói mòn dữ dội khi ông Obama đưa ra một ‘giới hạn đỏ’ nhưng không thực thi được nó. Ông Kim chắc chắn đã hiểu sự khác biệt này.

Sau hội nghị thượng đỉnh, ông Trump nói ông đã hủy bỏ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Nhưng không có gì trong Tuyên bố chung, khiến ông Trump phải rút các lực lượng Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Kausikan cho rằng mọi người không nên đánh cược rằng ông Trump sẽ không thay đổi suy nghĩ về các cuộc tập trận chung. Việc ngăn chặn đã được tái lập, đã đến lúc ổn định nó bằng các cam kết ngoại giao.

Tuyên bố chung cam kết 2 bên “thiết lập quan hệ Mỹ – Triều mới”. Nhưng người ta không rõ liệu điều này có nghĩa là thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức hay không. Nhưng ngay cả khi “quan hệ mới” không đạt được sự thừa nhận ngoại giao đầy đủ, thì đó là một sự thay đổi quan trọng, ông Kausikan lưu ý.

Ông Kausikan cho rằng kể từ khi ông Kim tăng cường tốc độ các vụ thử hạt nhân và tên lửa, thế chủ động là ở phía ông Kim, chứ không phải Mỹ hay Trung Quốc, và chắc chắn không phải Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tổng thống Trump xứng đáng nhận được sự khen gợi vì đã nắm bắt cơ hội ‘dẫn dắt cuộc chơi’ khi ông Kim đưa ra đề xuất. Bây giờ nó là một quá trình đàm phán, chứ không phải phản ứng của Mỹ, đáp trả Triều Tiên, và ngược lại.

Theo ông Kausikan, bây giờ mới chỉ ở điểm đầu của một quá trình chắc chắn lâu dài và rủi ro, nhưng là một quá trình có khả năng cực kỳ quan trọng. Đông Á dường như nằm ‘trên đỉnh’ của một sự thay đổi chiến lược lớn, có thể so sánh với việc Mỹ mở cửa cho Trung Quốc trong năm 1972. Nhưng, một lần nữa, sự thay đổi là không đúng như những gì đã được tuyên bố công khai.

Là một nhà ngoại giao, ông Kausikan biết rất rõ mỗi từ và nghệ thuật chấm câu trong các văn bản ngoại giao, đều có ý nghĩa quan trọng. Tuyên bố chung bao gồm 3 đoạn mở đầu, tiếp theo là 4 đoạn nội dung chính, và kết thúc bằng 2 đoạn kết.

Trong đoạn mở đầu thứ hai có câu: “Tổng thống Trump cam kết cung cấp các bảo đảm an ninh cho CHDCND Triều Tiên, và Chủ tịch Kim Jong-un tái khẳng định cam kết chắc chắn và kiên định của mình đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”.

Ông Kausikan lưu ý dấu phẩy quan trọng ở giữa hai cụm từ của câu này, tránh né mối liên kết rõ ràng. Chúng cũng có thể được hiểu như 2 tuyên bố về cam kết riêng biệt.

Trong các văn bản ngoại giao, các đoạn mở đầu thường ngụ ý một cam kết ít ràng buộc hơn so với các đoạn nội dung. Tuyên bố chung bao gồm 4 đoạn nội dung với các thỏa thuận. Không có các đảm bảo an ninh hay sự kết nối trong 4 đoạn nội dung.

Theo ông Kausikan, người ta có thể đặt ra 2 câu hỏi quan trọng liên quan đến câu mở đầu trên. Đó là: “Phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên có nghĩa là gì?” Và “bảo đảm an ninh” đòi hỏi điều gì?”. Rõ ràng, tranh luận về những thuật ngữ này có thể sẽ không bao giờ kết thúc.

Bảo đảm an ninh có thể được qui định trong một hiệp ước hòa bình, một thuật ngữ mà Tuyên bố chung không sử dụng. Thay vào đó, Tuyên bố chung nói rằng Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ “chung sức xây dựng một nền hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên”. Sự nhấn mạnh của cụm từ này, và những cụm từ khác trong Tuyên bố chung, ý nói cần một quá trình để đạt được kết quả.

“Một nền hòa bình ổn định” là một thuật ngữ lỏng lẻo hơn so với thuật ngữ ‘một hiệp ước hòa bình’, và có thể được duy trì bằng cách ngăn chặn chứ không phải là một công cụ pháp lý. Liệu Triều Tiên sẽ có được sự đảm bảo sống còn chỉ trước một lời hứa từ một kẻ thù chính của mình? Không chắc chắn rằng Triều Tiên sẽ từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân của họ, ông Kausikan lưu ý.

Triều Tiên đã phản ứng rất mạnh mẽ khi một số quan chức chính quyền của ông Trump nói về “lựa chọn Libya”. Một sự việc tương tự gần giống hơn, chính là Bản ghi nhớ năm 1994 tại Budapest, trong đó 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đưa ra cam kết, đảm bảo tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine để đổi lấy việc Kiev từ bỏ kho dự trữ hạt nhân được kế thừa từ Liên bang Xô viết.

Rõ ràng Bình Nhưỡng biết chuyện gì đã xảy ra với bán đảo Crimea [khi Nga, 1 trong 5 nước thường trực của Hội đồng bảo an LHQ] đã lấy lại Crimea]. Triều Tiên dường như không tin bất kỳ cường quốc lớn nào. Điều này là không đáng ngạc nhiên khi xem xét lịch sử bi thảm của Triều Tiên, với những kỷ niệm ăn sâu vào tâm trí, mà không thể xóa nhòa bởi Tuyên bố chung, ông Kausikan nhận định.

Nhưng ngay cả khi quá trình này không dẫn đến việc phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, thì việc xây dựng niềm tin và duy trì việc ngăn chặn căng thẳng ở những mức độ thấp hơn, vẫn luôn là những mục tiêu đáng để theo đuổi.

Theo ông Kausikan, Tuyên bố chung công nhận “việc xây dựng niềm tin lẫn nhau ‘có thể’ thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là Tuyên bố chung dùng từ “có thể” chứ không phải “sẽ”.

Cách nhìn từ Nhật Bản

Quá trình đàm phán sẽ diễn ra, có thể là về việc kiểm soát vũ khí chứ không phải là phi hạt nhân. Ở đây có một rủi ro, mặc dù không nhất thiết là Mỹ sẽ gánh chịu. Mối quan tâm chính của Mỹ là loại bỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Triều Tiên đe dọa trực tiếp nước Mỹ, như Ngoại trưởng Pompeo đã thừa nhận cách đây vài tuần. Điều này để lại Nhật Bản dễ bị tấn công bởi tên lửa tầm ngắn, do Bình Nhưỡng phát triển.

Theo ông Kausikan, kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon mở cửa cho Trung Quốc, Nhật Bản đã sợ bị “bỏ rơi”. Ông Trump đã đảm bảo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng lợi ích của Nhật Bản sẽ không bị lờ đi. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn cảm thấy bị thiệt thòi, và có lý do để lo lắng trong bối cảnh quan điểm ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump. Liệu San Francisco có thực sự hy sinh để cứu Tokyo?, ông Kausikan đặt câu hỏi.

Ngay cả khi Nhật Bản được tái cam đoan về Triều Tiên, sự nghi ngờ vẫn không thể tránh khỏi.

Trung Quốc đang hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của mình. Sớm hay muộn, Trung Quốc sẽ có được năng lực đánh trả lần hai, đáng tin hơn, chống lại Mỹ, ông Kausikan nhận đinh.

Bằng cách này hay cách khác, cuối cùng logic vốn có của tình hình sẽ dẫn đến việc Nhật Bản sẽ có được sự ngăn chặn hạt nhân của riêng mình, trong hệ thống liên minh của Mỹ.

Ông Kausikan cho rằng với sự đồng ý của Mỹ, Nhật Bản đã chuẩn bị cho tình huống xấu có thể xảy ra này trong nhiều thập kỷ. Thỏa thuận hợp tác hạt nhân Mỹ – Nhật cách đây 30 năm, là độc nhất, vô nhị, trong đó cho phép Nhật Bản tái xử lý nguyên liệu hạt nhân, một đặc quyền mà Mỹ không cấp cho bất kỳ một quốc gia nào khác. Nếu Nhật phát triển vũ khí hạt nhân thì Hàn Quốc cũng sẽ theo gót. Năng lực hạt nhân của Hàn Quốc đã được tranh luận công khai tại Seoul.

Thay đổi đa cực ở Đông Bắc Á

Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc đều phát triển vũ khí hạt nhân, thì cuối cùng sẽ hình thành cán cân hạt nhân 5 bên, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc, tại Đông Bắc Á. Nga và Ấn Độ cũng sẽ là những nhân tố thứ 2 của sự cân bằng chiến lược mới này tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Đây là một sự thay đổi địa chấn địa chính trị, biến Đông Bắc Á thành một hình thế đa cực.

Tuy nhiên, theo ông Kausikan, đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, để trở thành cường quốc hạt nhân, thì vẫn còn một chặng đường dài phía trước, đòi hỏi những quyết định khó khăn.

Còn đối với Mỹ và Trung Quốc, kết quả đó sẽ không phải là lý tưởng. Nhưng cuối cùng, điều đó có thể là kết quả ít tồi tệ nhất, và vẫn ổn định hơn so với tình hình hiện tại.

Ông Kausikan cho rằng Mỹ sẽ không có ưu thế hoàn toàn trong một trật tự đa cực. Tuy nhiên, Mỹ sẽ vẫn là một cường quốc lớn ở Đông Á, và hệ thống liên minh của Mỹ sẽ được duy trì lâu dài.

Cách nhìn từ Trung Quốc

Theo ông Kausikan, một trật tự Đông Á đa cực có nghĩa là Bắc Kinh đã từ bỏ ‘Giấc mơ Trung Hoa’ về một ‘cơ cấu phân cấp’ với Trung Quốc ở trên đỉnh cao. Nhưng ngay cả trước đó, bất kỳ tiến bộ nào trong quan hệ Mỹ – Triều, cũng là nguyên nhân khiến cho Bắc Kinh lo ngại.

Tuyên bố chung đặt nền tảng cho cho các cuộc đàm phán song phương Mỹ – Triều trong thời gian tới, trong đó Trung Quốc thậm chí không được đề cập tới. Ông Kim đã bỏ qua Trung Quốc và làm ‘mất mặt’ ông Tập cho đến khi ông Kim sẵn sàng đàm phán với ông Trump. Tuy nhiên, theo ông Kausikan, Trung Quốc không bao giờ có thể hoàn toàn bị bỏ qua, mặc dù hiện đã bị ‘hạ thấp’ xuống một vai trò thứ cấp.

Từ quan điểm của Trung Quốc, Tuyên bố chung vẫn duy trì Triều Tiên như một ‘nước đệm’. Điều đó làm giảm đáng kể khả năng của một cuộc chiến, gây nguy hiểm cho sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vì vậy, Bắc Kinh sẽ ‘cố gắng nuốt trôi’ và ủng hộ nó, ông Kausikan nhận xét.

Tất nhiên, các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Mỹ – Triều Tiên cũng có thể sụp đổ. Nhưng ngay cả khi nó thất bại, thì sự việc cũng không thể trở về nguyên trạng. Đây không phải là cuộc đàm phán 6 bên. Năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên khi đó mới ở mức sơ đẳng. Hiện đã có hiệu lực, Tuyên bố chung công nhận Triều Tiên là một quốc gia vũ khí hạt nhân, và là một đối tác hợp pháp.

Ông Kausikan cho rằng Tuyên bố chung sẽ được ủng hộ rộng rãi, thậm chí ngay cả với Liên Hợp Quốc. Triều Tiên không còn bị cô lập nữa. Hội nghị thượng đỉnh tượng trưng cho sự thừa nhận đã bị trì hoãn quá lâu của Mỹ rằng Triều Tiên có thể ‘hội nhập’.

Cũng theo ông Kausikan, các nhà phê bình ‘mộ đạo’ và xa rời thực tế, sẽ chộp ngay lấy vấn đề này để buộc tội ông Trump đã hợp pháp hóa một chế độ tàn bạo. Tuy nhiên, điều này là lý thuyết chứ không phải thực tế, khi mà người ta có lúc phải làm việc với những người không ưa thích. Nếu ông Trump không làm như vậy, thì có nghĩa là bỏ qua một vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của tất cả các nước Đông Á.

Tuyên bố chung không đề cập đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nhưng ngay cả khi các cuộc đàm phán sụp đổ, Hội đồng Bảo an sẽ rất khó áp đặt các biện pháp trừng phạt mới khi mà Trung Quốc và Nga có ít động cơ để đồng ý, nhưng lại mong muốn nới lỏng việc thực hiện các biện pháp trừng phạt hiện có. Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ca ngợi hội nghị thượng đỉnh, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc đã đề xuất nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Được biết sau khi lên nắm quyền, ông Kim bắt đầu sự cai trị Triều Tiên, bằng cách tuyên bố ‘Chính sách Byungjin’, về phát triển quân sự và kinh tế kép. Đã làm đủ để tuyên bố chiến thắng ‘về phát triển quân sự’, đã đến lúc ông Kim chuyển sang phát triển kinh tế. Ông Kausikan cho rằng chính sách Byungjin không thể dẫn đến những cải cách theo phong cách Đặng Tiểu Bình, nhưng đã có những tiến bộ khiêm tốn trong những điều kiện kinh tế bị cô lập. 

Hàn Quốc dường như thiết tha thúc đẩy các quan hệ kinh tế như đã ẩn ý trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018 (Panmunjom Declaration), thừa nhận những tuyên bố trước đó giữa 2 miền Bắc – Nam, được thông qua vào năm 2000 và 2007, trong đó nêu rõ sự hợp tác kinh tế với một số chi tiết. Nhật Bản có thể buộc phải cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên. Ông Kim có ít động cơ để mạo hiểm lợi ích của Bình Nhưỡng, qua việc khiêu khích quá mức.

Đối với những người phản đối, hạ thấp tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, ông Kausikan đặt câu hỏi: “Liệu có ai quan tâm muốn thấy những căng thẳng trở lại trên bán đảo Triều Tiên không?”.

Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Singapore là không hoàn toàn hoàn hảo, nhưng nó vẫn mang tính “lịch sử”. Ông Kausikan cho rằng Hội nghị thượng đỉnh đã thu được kết quả ‘hai bên đều thắng” (Win-win), mặc dù chiến thắng không được phân phối cân đối hoàn hảo.

Người Singapore có thể tự hào rằng đất nước họ đã được lựa chọn làm địa điểm cho Hội nghị thượng đỉnh. Đó là kết quả của nhiều thập kỷ ngoại giao công bằng, ông Kausikan nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới