Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc tiềm năng rất lớn nhưng vẫn còn nhiều rào cản về thủ tục pháp lý, kiểm định chất lượng, kiểm dịch…
Bà Lê Thị Ngọc Phượng, đại diện Công ty TNHH Thuận Tâm Thành (tỉnh Hưng Yên) cho biết, mỗi lần xuất khẩu các sản phẩm hoa quả sang thị trường Trung Quốc là hành trình gian nan.
“Doanh nghiệp chủ yếu vận chuyển bằng đường biển nhưng mỗi lần thuê tàu rất khó. Trong khi hoa quả, nhất là chuối tươi không thể để lâu. Các thủ tục hải quan, kiểm định chất lượng hàng hóa bên phía Trung Quốc cũng rất khắt khe” – bà Phương nói.
Hiện có 12 nhóm hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, rau quả, gạo, thức ăn gia súc và nguyên liệu, gỗ cùng các sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên, một số mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vẫn chưa vào được thị trường Trung Quốc như cà phê. Xuất khẩu cà phê nước ta đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brasil) nhưng giá trị xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc đạt hơn 84 triệu USD.
Đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam cho biết, cà phê xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch rất thấp. Các doanh nghiệp phải tự liên hệ, kết nối đầu mối tiêu thụ, việc hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu mặt hàng cà phê chưa thực sự hiệu quả.
“Doanh nghiệp tiếp cận thị trường thông qua rất nhiều kênh như online, mối quan hệ và thông qua hội chợ. Nói chung bây giờ các doanh nghiệp tư nhân hầu như phải tự thân vận động” – anh Nguyễn Duy Hưng, Công ty xuất nhập khẩu Cường Anh cho biết.
Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cho rằng, để nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, trước hết phải chú trọng kết nối cung – cầu, kiểm soát chặt chẽ hàng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Thực tế, một số sản phẩm hàng nông sản nổi tiếng của Việt Nam như gạo, trái cây hiện đang phụ thuộc rất lớn vào phía đối tác.
“Các bộ, ngành Trung ương cần có sự kết nối và dự báo về nhu cầu cũng như hỗ trợ các địa phương trong việc kết nối cung- cầu. Hiện nay, việc làm ra các sản phẩm với sản lượng lớn, chất lượng cao không khó, kể cả làm theo quy trình nghiêm ngặt nhất của quốc tế. Tuy nhiên, điều gây khó khăn nhất cho các địa phương cũng như bà con nông dân là đảm bảo tiêu thụ đầu ra thật sự bền vững, có những thị trường tiềm năng, đảm bảo tiêu thụ ổn định” – ông Đỗ Đức Duy nói.
Để tháo gỡ những vướng mắc cho nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, phía Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán cấp Chính phủ và cấp bộ để mở cửa xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản. Trong đó chú trọng các mặt hàng rau, củ, quả, lâm sản, thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc.
Hai bên đã đàm phán cho nhập khẩu 8 loại quả tươi và rau của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Hai bên hiện đang tiếp tục đàm phán để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu chính ngạch các loại hoa, quả tươi, cao su, cà phê, tiêu…
“Lâu nay chúng ta quen với khái niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính nhưng hiện nay, hàng rào cũng như quy định của Trung Quốc đã thay đổi. Cho nên doanh nghiệp và bà con nông dân cũng phải thay đổi. Chúng ta phải nâng cao chất lượng từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì xuất khẩu” – ông Công nói.
Mới đây, một số địa phương của Trung Quốc đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các địa phương cấp mã số vùng trồng cho các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc dán tem sản phẩm để trên cơ sở đó, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch. Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng thực hiện để hàng hóa của Việt Nam không phải bị trả về hoặc xếp hàng nằm chờ tại cửa khẩu như lâu nay.