Tổng thống Trump tin rằng Washington có thể giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc vì ông có quan hệ rất tốt với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Phát biểu tại Hội nghị quốc gia đảng Cộng hòa tại Las Vegas, Nevada vào ngày 23/6, ông chủ Nhà Trắng nêu rõ: “Chúng ta phải tiếp tục làm việc về vấn đề thương mại với Trung Quốc bởi nước này đã rất cứng rắn đối với Mỹ, rất nhiều năm các tổng thống của chúng ta không làm gì về điều này”.
“Chúng ta có thể đã tổn thất 500 tỷ USD năm ngoai trong giao thương với Trung Quốc. Vì vậy chúng tôi đã bắt đầu quá trình này và tôi nghĩ rằng cho rằng sẽ giải quyết được vấn đề với Trung Quốc bởi chúng tôi có quan hệ rất tốt với Chủ tịch Tập. Ông ấy là người khá phi thường”, ông Trump nói.
Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra từ tháng 3 năm nay, sau khi ông Trump, người đã nhiều lần cam kết giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, tuyên bố chính quyền do ông đứng đầu sẽ áp đặt thuế với những sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu.
Những ngày qua, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bị đẩy lên sau khi Tổng thống Donald Trump dọa áp thuế suất 10% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn đe dọa, nếu Bắc Kinh tiếp tục ‘ăn miếng trả miếng’ thì Washington sẽ đánh thuế tiếp 200 tỷ USD hàng hóa nữa.
Về phía Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích lời đe dọa của Tổng thống Mỹ là “hành động gây sức ép tột bậc và hăm dọa tống tiền”, xa rời những đồng thuận mà hai bên đã đạt được trong nhiều cuộc đàm phán. Bắc Kinh không ngần ngại tuyên bố sẽ đáp trả Washington tương xứng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng nước này không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng không hề sợ cuộc đấu này.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc có rất nhiều phương án để đối phó với chính sách áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu của chính quyền Tổng thống Donald Trump, thay vì sử dụng phương án trả đũa tương tự.
Hai phóng viên kỳ cựu báo Politico, Adam Behsudi và Doug Palmer, chính quyền Bắc Kinh có thể khuyến khích người dân nước này không mua các sản phẩm Mỹ.
Chuyện này đã từng xảy ra trong năm ngoái, khi Hàn Quốc tuyên bố triển khai hệ thống phòng không tên lửa THAAD của Mỹ. Người dân Trung Quốc rất hào hứng tẩy chay ô tô của hãng Hyundai (một hãng xe lớn của Hàn Quốc), hạn chế du lịch Hàn Quốc và “ngó lơ” các siêu thị Lotte, khiến thương hiệu này buộc phải ngưng hoạt động khoảng 55 cửa hàng.
Đối với Mỹ, có rất nhiều sản phẩm tương tự mà Trung Quốc có thể áp dụng biện pháp tẩy chay, bao gồm chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonalds hay café Starbucks.
Với dân số bùng nổ 1,4 tỷ người, thị trường Trung Quốc là một miếng bánh béo bở cho bất kỳ công ty nào của Mỹ. Các công ty kể trên hiện đã hoạt động nhiều năm tại Trung Quốc. Chính vì vậy, việc đánh mất thị trường Trung Quốc sẽ khiến các công ty phải chịu cú đau.
Chính phủ Trung Quốc đơn giản chỉ cần ra tín hiệu muốn người dân nước mình “không mua KFC hay sản phẩm Mỹ, dù bất kỳ sản phẩm gì”, Bill Reinsch – một cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) gợi ý.
Cụ thể, theo tờ Politico, hành động đơn giản này của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phá hỏng kế hoạch của Starbucks muốn nhân đôi con số 3.300 cửa hàng tại đây.
Bên cạnh phương án người tiêu dùng tẩy chay, Trung Quốc có thể áp dụng một số thay đổi trong hệ thống ngân hàng khiến Mỹ bất lợi. Một số thay đổi liên quan đến cách quản lý các tài khoản ngân hàng của công dân Mỹ. Ở cấp độ cao hơn, Trung Quốc có thể khiến các công ty Mỹ khó khăn hơn trong việc lập tài khoản ngân hàng.
Bắc Kinh cũng có thể tuyên bố rằng các doanh nghiệp Mỹ phải có trách nhiệm thuế khi hoạt động tại Trung Quốc. Nếu phương án đó không đủ, chính phủ Trung Quốc có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ. Chẳng hạn, một cuộc kiểm tra bất ngờ tại nhà máy lắp ráp Foxconn sẽ tìm ra các lỗi “vi phạm”, từ đó quy trình sản xuất iPhone ở đây sẽ bị tạm ngưng trong vòng 3 tháng.
Nếu tính tổng các hoạt động kinh doanh của Mỹ tại Trung Quốc, quốc gia châu Á là thị trường trị giá 550 tỷ USD cho các công ty Mỹ. Theo Erin Ennis – phó chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ – Trung Quốc, con số này vượt xa hàng tỷ đô la mặt hàng xuất khẩu.
“Có nhiều phương án trả đũa mà Trung Quốc có thể áp dụng”, Ennis cho biết, “quy trình cấp phép có thể bắt đầu bị làm chậm đi. Các công ty có thể phải đối mặt với mức độ giám sát cao hơn cho các sản phẩm khi cập cảng”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, phần có lợi nhất cho Trung Quốc trong một cuộc chiến thương mại với Mỹ là luôn có những công ty khác, đến từ Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Nga… háo hức muốn chiếm lấy thị phần của Mỹ tại thị trường Trung Quốc. Không có Mỹ, Trung Quốc vẫn có thể trao đổi hoạt động thương mại với những công ty nước ngoài khác như trước đây.