Biển Đông chiếm diện tích 2,5% bề mặt Trái đất, song nó là một trong những khu vực có trữ lượng hải sản rất dồi dào trên thế giới và cũng là một trong năm khu vực đánh bắt cá năng suất cao nhất trên thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lượng đánh bắt cá toàn cầu trong năm 2015, mang về giá trị tới 21,8 tỷ USD. Tại thời điểm hiện tại, hơn một nửa tàu cá trên thế giới hoạt động trong vùng biển này, cung cấp công ăn việc làm cho khoảng 4 triệu người. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ đánh bắt hải sản và thực hiện âm mưu kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc đã ngầm cho phép ngư dân khai thác tận diệt nguồn lợi hải sản trong khu vực.
Tàu cá Trung Quốc đang rời cảng để ra Biển Đông
Nguồn lợi hải sản ở Biển Đông đang ở mức báo động đỏ:
Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Mỹ (CSIS), tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong vòng 20 năm qua; đến năm 1990, sản lượng cá ở một số khu vực ở Biển Đông đã giảm 90% so với những năm 1960. Số lượng loài cá mú chấm nhỏ trong vòng 8 năm qua đã giảm 80%. Một số loài hiện nay đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) mới đây công bố bản đồ về điều tra trữ lượng cá ở Biển Đông cho thấy các ngư trường phía Bắc Biển Đông (giáp Trung Quốc), Vịnh Bắc Bộ, và phía Tây Biển Đông (giáp Việt Nam) đã bị khai thác hầu như cạn kiệt. Vùng xung quanh Trường Sa vẫn còn một trữ lượng cá nhất định.
Ngoài ra, trong khu vực Biển Đông có nhiều loài sinh vật biển đang phải đối mặt với mối đe dọa tuyệt chủng do hoạt động khai thác đánh bắt quá mực và môi trường sinh sống bị (chủ yếu là ngư dân và Chính phủ Trung Quốc) phá hủy như cá ngừ vây xanh, san hô, rùa biển, trai tai tượng…
Việc hải sản Biển Đông cạn kiệt chủ yếu do ngư dân Trung Quốc gây ra:
Trung Quốc là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về tốc độ phát triển nghề cá. Năm 1980, khi châu Á chiếm 43% sản lượng cá thế giới, Trung Quốc mới chỉ chiếm 7%. Đến năm 2013, châu Á chiếm 68% thì Trung Quốc đã chiếm 32%, mang lại cho nền kinh tế nước này 289 tỷ USD.
Trước đây, Trung Quốc xác định vùng đánh bắt cá của ngư dân chủ yếu là bốn biển Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải (biển Hoa Đông) và Nam Hải (Biển Đông). Tuy nhiên, gần đây do biển Bột Hải và Hoàng Hải đã cạn kiệt cá, cần giảm việc đánh bắt để tái tạo nguồn cá, Trung Quốc đã đẩy mạnh đánh bắt cá tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Một báo cáo do tiến sĩ Rashid Sumaila và tiến sĩ William Cheung thuộc Đại học British Columbia, Canada công bố hồi năm ngoái cho thấy có đến 55% số tàu cá của toàn thế giới đang hoạt động ở Biển Đông, trong đó đội tàu cá của Trung Quốc và Đài Loan chiếm đa số.
Đồng thời, Trung Quốc cũng điều chỉnh nhiều chủ trương, chính sách liên quan việc khai thác, đánh bắt hải sản. Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc về ngư nghiệp, Bắc Kinh đề ra mục tiêu cao đối với sản xuất cá. Từ năm 2016, đạt 73 triệu tấn vào năm 2020 và tiến đến đạt 77 triệu tấn vào năm 2024; tăng xuất khẩu lên 5,4 triệu tấn vào năm 2024. Theo tiến sĩ Euan Graham (Đại học Công nghệ Nanyang – Singapore), hiện Trung Quốc đã cấp phép cho trên 500 tàu cá hoạt động tại vùng biển Trường Sa. Năm ngoái, nước này cũng đưa vào khai thác tàu chế biến hải sản trực tiếp trên biển với tải trọng 32.000 tấn có khả năng xử lý 2.000 tấn hải sản mỗi ngày và hoạt động liên tục 9 tháng.
Ngoài việc đánh bắt cá phục vụ các mục đích kinh tế, Chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư, viện trợ cho ngư dân ra đánh bắt cá tại các khu vực tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như ngư trường xung quanh quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa nhằm thực hiện âm mưu kiểm soát toàn bộ khu vực này. Tạp chí Science Advances cho biết, khoảng 54% ngành công nghiệp đánh bắt cá xa bờ sẽ không đạt lợi nhuận với quy mô như hiện nay nếu không có những khoản trợ cấp lớn của chính phủ. Theo thống kê, Trung Quốc trợ cấp 148 triệu USD cho các đội tàu đánh bắt xa bờ năm 2014, chiếm 10% toàn cầu. Khoản tiền này chủ yếu dùng để mua nhiên liệu cho tàu cá hoạt động ở vùng biển xa. Bắc Kinh cũng giúp ngư dân điều tra ngư trường Trường Sa và trợ cấp nguyên liệu cho ngư dân đánh bắt cá tại đây. Đáng chú ý, Trung Quốc còn huy động lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng tiếp tế xăng dầu cho tàu cá, thậm chí ra tay can thiệp khi tàu cá bị cơ quan hành pháp của nước khác truy đuổi, bắt giữ vì hành vi đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Không chỉ đánh bắt cá, nhiều động vật quý hiếm đang đối diện nguy cơ bị tuyệt chủng do hoạt động phi pháp của Trung Quốc gây ra. Với sự khuyến khích ngang ngược, trái phép của chính quyền, trong một thời gian dài, ngư dân Trung Quốc đã tận diệt loài trai tượng khổng lồ, trong vùng Biển Đông[1].Ở Trung Quốc, trai tượng là một sản vật quý hiếm và được bán với giá rất cao. Thịt trai tượng được coi là đặc sản quý, còn vỏ trai tượng thì cũng được ưa chuộng vì nó vừa giống ngà voi, vừa giống đá cẩm thạch, với nhiều màu sắc. Người Trung Quốc gọi đó là “vàng trắng” hay “ngà voi biển.” Vỏ trai tượng được chạm khảm thành đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật, được bán với cao. Chính việc đánh bắt trai tai tượng, nạo vét và xây dựng đảo nhân tạo trong những năm gần đây đã hủy hại hơn 160 km2 rạn san hô, với tỷ lệ bình quân là 16%/thập kỷ, khiến cá mất đi chỗ đẻ trứng, các con non không còn nơi ẩn náu. Hậu quả là nhiều khu vực ở Biển Đông hiện nay đã gần như hết sạch cá.
Hải sản bị tận diệt chủ yếu là do phương thức đánh bắt của ngư dân Trung Quốc:
Thứ nhất, ngư dân Trung Quốc thường đi thành từng nhóm khoảng 20 – 100 tàu có công suất lớn, để khai thác, đánh bắt. Thời gian gần đây, một đội khoảng 30 -50 tàu cá Trung Quốc (cỡ 100 tấn trở lên) thường xuyên đánh bắt trái phép kéo dài ngày ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Những tàu trên đều được trang bị thiết bị định vị, phát hiện cá tinh vi; sử dụng các loại lưới đánh cá mắt nhỏ để khai thác, tận diệt hải sản.
Thứ hai, dân Trung Quốc thường sử dụng phương thức đánh bắt tận diệt hải sản, theo đúng phương châm “đánh bằng hết, diệt bằng sạch”. Họ thường sử dụng lưới vét – một loại lưới đã bị Liên Hợp Quốc cấm sử dụng từ năm 1992 để đánh cá; hoặc sử dụng những biện pháp đánh bắt như dùng thuốc nổ, thuốc độc tại các rặng san hô, sử dụng tàu giã cào (thiết kế bánh xe nên đi cả trên bãi rạn), máy nén khí thổi tung đáy biển để bắt hải sản.
Thứ ba, các tàu cá của ngư dân Trung Quốc thường sử dụng chiêu trò “che giấu danh tính” như thay đổi tên trên thân tàu, không treo cờ của Trung Quốc mà treo cờ của nước sở tại khi xâm nhập đánh bắt cá trái phép vào nước khác; sử dụng việc phát tín hiệu định vị giả mạo, nhằm tráng bị cơ quan chức năng nước sở tại phát hiện hoặc chạy trốn ra hải phận quốc tế nếu bị tàu tuần tra địa phương truy đuổi. Đáng lên án ở chỗ Chính phủ Trung Quốc không đưa ra các chính sách thắt chặt quản lý tàu cá mà ngược lại còn bênh vực, bao che cho những hành vi sai trái trên của ngư dân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng bao che bằng cách khẳng định không tàu nào của Bắc Kinh phát tín hiệu định vị giả mạo hay sử dụng cách thức đánh bắt phi pháp; nhấn mạnh Trung Quốc “tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp hàng hải quốc tế”. Trong khi đó, Bộ Ngư nghiệp Trung Quốc thêm rằng các hệ thống nhận diện tự động (AIS-Automatic Indentification System)[2] – hệ thống nhận và phát tín hiệu để truyền vị trí, tốc độ, hướng đi cùng với một số thông tin cố định khác như: tên tàu, số nhận dạng (ID), kích thước và chi tiết chuyến đi… trên tàu cá được kiểm tra nghiêm ngặt khi lắp đặt, đồng thời cơ quan chức năng định kỳ vẫn kiểm tra thường xuyên. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hậu cần, như tiếp nhiên liệu, hay can thiệp để bảo vệ tàu cá nước này khi bị lực lượng chức năng nước khác bắt giữ.
Nhìn tổng thế, nguồn tài nguyên phong phú hải sản ở Biển Đông đang ngày càng cạn kiệt do hoạt động đánh bắt cá quá mức và sử dụng phương pháp đánh bắt tận diệt của ngư dân Trung Quốc. Việc này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống ngư dân các nước ven biển mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trương, gây mất cân bằng sinh thái, dần dẫn đến tuyệt chủng một số loại động vật quý hiếm. Thời gian tới, vì lợi ích và âm mưu lâu dài ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ có các biện pháp (công khai hoặc bí mật) ủng hộ, khuyến khích ngư dân tiếp tục tận diệt hải sản ở Biển Đông cũng như các vùng biển nước khác.
[1] Ngư dân Trung Quốc đánh bát trai tai tượng bằng cách thả chân vịt cỡ lớn xuống rặng san hô rồi cho thuyền đi vòng xung quanh. Các chân vịt này nghiền nát rặng san hô để ngư dân bắt các con trai tượng đang vùi mình trong cát phía dưới rặng san hô.
[2] AIS ra đời từ tháng 12/2004, do tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) và Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) quy định tất cả các tàu có tổng dung tích từ 300 GT trở lên tham gia vận tải quốc tế, các tàu hàng có tổng dung tích từ 500 GT trở lên tham gia vận tải nội địa, ven biển, các tàu chở khách phải trang bị AIS. Hệ thống AIS là hệ thống nhận và phát tín hiệu để truyền vị trí, tốc độ, hướng đi cùng với một số thông tin cố định khác như: tên tàu, số nhận dạng (ID), kích thước và chi tiết chuyến đi,… Hệ thống sẽ tự động trao đổi dữ liệu với các tàu ở gần cũng như các trạm cố định và vệ tinh (hệ thống AIS nhận dạng vệ tinh được ký hiệu là S-AIS). Thông tin được cung cấp bởi thiết bị AIS có thể được hiển thị trên màn hình hay trên hệ thống thông tin và hiển thị biểu đồ điện tử (ECDIS).