Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 28/06/2018.

Bản tin Biển Đông ngày 28/06/2018.

Bản tin Biển Đông ngày 28/06/2018.

Mỹ, Trung Quốc nhất trí thúc đẩy lòng tin trong vấn đề an ninh

Kyodo News đưa tin, theo một thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 27/6, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Nguỵ Phụng Hoà đã nhất trí thúc đẩy đối thoại về an ninh nhằm tăng cường quản lý rủi ro trong bối cảnh dư luận quốc tế vẫn hết sức lo ngại về các hành động quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Mattis cho rằng “Trung Quốc và Mỹ cần chung sống hoà hợp”, “Mỹ sẵn sàng thúc đẩy các cuộc đối thoại cởi mở giữa hai nước”. Đáp lại, ông Nguỵ Phụng Hoà cho biết Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường lòng tin chung và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh – lĩnh vực sẽ “trở thành nhân tố ổn định trong quan hệ song phương giữa hai nước”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cương quyết: Trung Quốc sẽ không từ bỏ “dù chỉ là 1 inch” lãnh thổ ở Biển Đông

Tờ The New York Times đưa tin, ngày 27/6, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cương quyết khẳng định lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, rằng “Trung Quốc sẽ không từ bỏ dù chỉ 1 inch lãnh thổ do tổ tiên để lại”. Bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Biển Đông và chính sách của Mỹ đối với Đài Loan là hai trong số những vấn đề được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp giữa ông Mattis và các quan chức cấp cao của Trung Quốc tại Bắc Kinh.

Ông Jia Qingguo, Phó Chủ tịch Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc Mỹ và Trung Quốc cần chấm dứt cái gọi là “sự đi xuống trong quan hệ giữa hai nước” bằng cách dựa vào những lợi ích chung trong đảm bảo an ninh toàn cầu. Ông Jia cho rằng, những “hành động” và “phản ứng” của cả hai nước liên quan đến hai vấn đề: Biển Đông và Đài Loan đang ngày càng leo thang do “tư tưởng hoài nghi và phỏng đoán” làm gia tăng nguy cơ đối đầu vượt ngoài tầm kiểm soát.

Trước đó, tại Singapore, ông Mattis đã có phát biểu chỉ trích các hành động “đe doạ và gây hấn” của Trung Quốc khi nước này lắp đặt các hệ thống tên lửa đất đối không cùng nhiều thiết bị quân sự khác trên các cấu trúc ở Biển Đông.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh: “Trung Quốc sẽ không dung thứ cho hành động phô trương quân sự của Mỹ ngoài vùng biển của Trung Quốc”

Ngày 27/6, The Guardian đăng bài viết: “Trung Quốc sẽ không dung thứ cho hành động phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ ngoài vùng biển của Trung Quốc” của ông Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung Quốc tại Anh. Trong bài viết, ông Lưu lớn tiếng chỉ trích Mỹ đang phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông, cho rằng “sự can thiệp của Mỹ vào Biển Đông đang đe doạ hoà bình và ổn định mà Trung Quốc cùng các nước láng giềng đang nỗ lực đàm phán”. Nhằm “lưu ý” dư luận về “tình hình thực tế”, ông đưa ra bốn cáo buộc đối với các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, gồm: (i) Trung Quốc cho rằng, theo luật pháp quốc tế, quyền tự do hàng hải không phải là quyền tuyệt đối, các nước cần phải xin phép trước khi đi vào lãnh hải của quốc gia khác, Mỹ chỉ viện lý do “chương trình tự do hàng hải” và “lạm dụng luật pháp quốc tế” để “tuỳ tiện làm những gì họ muốn”, (ii) do tình hình ở Biển Đông đã được duy trì ổn định nhờ nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước láng giềng, cái gọi là “bảo vệ tự do hàng hải” chỉ là sự nguỵ biện nhằm triển khai quân sự và can thiệp vào Biển Đông, (iii) dù luôn phản đối “quân sự hoá” song Mỹ liên tục đưa các tàu khu trục, tàu tuần tra, tàu sân bay, các máy bay trinh sát và máy bay ném bom chiến lược… và xem thường chủ quyền, an ninh của các quốc gia khác cũng như hoà bình và ổn định của khu vực. Trong khi đó, với trách nhiệm và quyền của một quốc gia có chủ quyền, Trung Quốc vẫn rất cảnh giác trước các hành động gây hấn nên phải tăng cường năng lực phòng thủ, trong đó có việc xây dựng các cơ sở cần thiết trên các “đảo của mình” để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời cung cấp những dịch vụ hàng hải liên quan cho tàu bè đi qua khu vực, góp phần đảm bảo sự tự do và an toàn trên không cũng như trên biển của khu vực và (iv) do một Biển Đông hoà bình và ổn định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc và các nước láng giềng, việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán và tham vấn giữa các bên sẽ là trách nhiệm của riêng Trung Quốc và các nước ASEAN. Đại sứ Lưu Hiểu Minh đưa ra “lời khuyên” rằng nếu thực sự quan tâm tới tự do hàng hải, tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN để bảo vệ hoà bình và ổn định thì Mỹ cần dừng việc phô trương các tàu và máy bay quân sự nhằm “quân sự hoá” khu vực và đồng thời “để yên” cho Biển Đông được là “vùng biển hoà bình”.

RELATED ARTICLES

Tin mới