Thủ tướng Hàn Quốc hôm 25/6 cho biết hai miền Triều Tiên đang trong quá trình đàm phán việc di dời đại bác tầm xa của Bình Nhưỡng khỏi biên giới, trong bối cảnh hai nước tiếp tục các nỗ lực làm giảm căng thẳng liên Triều, theo Fox News.
Nếu đạt được đồng thuận, đó sẽ là một động thái hướng tới hòa giải nữa của Triều Tiên kể từ khi nước này chính thức bắt đầu đàm phán từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân hồi đầu năm nay. Nhưng một số chuyên gia cho rằng đây có thể chỉ là chiến thuật buộc Seoul và Washington rút các hệ thống pháo binh tinh vi khỏi biên giới chỉ để đổi lại Bình Nhưỡng rút đi số vũ khí vốn đã lỗi thời.
Phát biểu trên của Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cũng là xác nhận chính thức đầu tiên của Seoul về thông tin trên truyền thông gần đây cho rằng nước này trong cuộc đàm phán quân sự liên Triều hôm 14/6, từng yêu cầu Bắc Hàn bố trí lại pháo binh mà Bình Nhưỡng đã triển khai tại biên giới hai nước từ thời kỳ chiến tranh Triều Tiên. Bộ Quốc Phòng Seoul hiện chưa có bình luận nào về phát biểu của ông Lee.
Tính tổng cộng Triều Tiên đã triển khai khoảng 1.000 khẩu pháo và tên lửa dọc 248 km biên giới, đặt trung tâm thành phố Seoul vào phạm vi tấn công. Seoul, thủ đô hàn Quốc với 10 triệu dân sinh sống, chỉ cách biên giới khoảng 40-50 km. Nhiều chuyên gia đánh giá mối đe dọa từ pháo binh của Triều Tiên là khá “nguy hiểm”, vì nó có thể gây ra lượng lớn thương vong và tàn phá hầu hết Seoul chỉ trong vài giờ đầu của cuộc chiến, trước khi liên quân Mỹ – Hàn vốn trang bị tốt hơn đến kịp.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng đánh giá như vậy hơi cường điệu, vì pháo binh của Bắc Hàn nói chung có độ chính xác kém, không thể phá hủy cấu trúc bê tông cứng. Đơn cử là cuộc tấn công của pháo binh Triều Tiên vào một hòn đảo khu vực biên giới Hàn Quốc hồi năm 2010 khiến bốn người chết, trong số 170 vỏ đạn Triều Tiên bắn ra thì có đến 90 vỏ rơi trực tiếp xuống biển, 30 trong số 80 vỏ còn lại bắn tới đảo thì lại không phát nổ, theo bình luận viên quân đội, Lee Illwoo. Ông Lee cũng nhận xét nếu Triều Tiên có rút pháo binh khỏi biên giới thật thì cũng “không có quá nhiều ý nghĩa và đơn thuần chỉ là động thái thể hiện thiện chí hoà bình”.
Truyền thông Hàn Quốc đoán rằng trong cuộc đàm phán quân sự hôm 14/6, có khả năng đòi hỏi mà Triều Tiên đưa ra đáp lại yêu cầu trên của Seoul là Seoul và Hoa Kỳ phải rút đi hệ thống pháo binh, đồng thời đề xuất hai miền Triều Tiên và Hoa Kỳ ngừng cho máy bay giám sát và các máy bay khác bay gần biên giới.
Vị tướng ba sao đã nghỉ hưu của Nam Hàn, ông Shin Won-sik lo ngại rằng nước này có thể khó tìm được nơi triển khai pháo binh trong các khu vực đông dân cư.
Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân nếu được Hoa Kỳ cam kết an ninh. Nhưng đến nay Bình Nhưỡng vẫn chưa thực hiện bất kỳ động thái giải trừ vũ khí nghiêm túc nào, trong khi vẫn liên tục lặp lại cam kết mơ hồ “phi hạt nhân hoá hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”, một cụm từ nước này vẫn thường dùng trong quá khứ khi yêu cầu Hoa Kỳ rút 28.500 lính khỏi Hàn Quốc và dừng tập trận quân sự với Seoul.
Việc Triều Tiên tiếp cận Seoul và Washington vẫn tạm thời giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, với Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp thượng đỉnh vào ngày 12/6 qua.
Hàn Quốc và Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố đình chỉ cuộc tập trận quân sự hàng năm tên Ulchi Freedom Guardian (Người bảo vệ Tự do Ulchi) và hai cuộc tập trận quy mô nhỏ khác trong nỗ lực tăng cơ hội ngoại giao hạt nhân thành công với Triều Tiên. Một số chuyên gia cho rằng việc đình chỉ tập trận có thể khiến liên quân Mỹ – Hàn suy yếu trong phối hợp phòng thủ chống lại Triều Tiên.
Hôm 25/6, giới chức quân đội hai miền Triều Tiên đã gặp và đồng ý khôi phục hoàn toàn các kênh liên lạc đường dây nóng quân đội, theo Bộ Quốc phòng Nam Hàn.
Quân đội Mỹ cho biết đã chuyển 100 quan tài gỗ sang biên giới liên Triều Tiên để chuẩn bị cho việc Bắc Hàn trao trả hài cốt binh lính Mỹ mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hai tuần trước, Hàn Quốc cũng đã đồng ý sẽ khởi động lại tổ chức đoàn tụ tạm thời cho các gia đình ly tán bởi chiến tranh Triều Tiên vào tháng Tám năm nay.