Thời hạn cho các cuộc thương thảo phút cuối qua đi mà không có kết quả, có thể coi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã chính thức bắt đầu.
Mức thuế bổ sung của Mỹ lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã bắt đầu có hiệu lực vào hôm nay (6/7). Và với việc Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả ngay lập tức, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đứng rất gần trước ngưỡng cửa một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực.
Trước đó, khi thời hạn cuối cho các mức thuế có hiệu lực (04:01 giờ GMT, tức 11:01 giờ Việt Nam) còn chưa bắt đầu, truyền thông Trung Quốc đã không ngừng công kích Tổng thống Donald Trump và đội ngũ lãnh đạo Nhà Trắng.
Hôm thứ Năm (5/7), ông Trump cảnh báo, nước Mỹ có thể sẽ nhắm tới 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc – tương đương với giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm ngoái.
Bắc Kinh cho biết sẽ trả đũa, nhắm vào các mặt hàng của Mỹ bao gồm ô tô, nông nghiệp và một số sản phẩm khác.
Cổ phiếu Trung Quốc sụt giá kéo theo cả thị trường châu Á, trong khi đồng nhân dân tệ cũng bị yếu đi so với đồng USD.
“Chính quyền Trump đang cư xử như một băng nhóm du côn bằng việc tống tiền các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc,” tờ China Daily viết. “Sự ngang ngược của Mỹ sẽ dẫn tới một ảnh hưởng mang tính hủy hoại đáng kể lên bối cảnh kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ tới, trừ khi các quốc gia đứng lên cùng nhau để cùng phản đối”.
Trong khi vòng áp thuế đầu tiên được cho là sẽ không có nhiều tác động lớn ngay lập tức đến nền kinh tế, điều mà người ta lo sợ chính là một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài sẽ làm gián đoạn những nhà sản xuất và nhập khẩu các hàng hóa chịu thuế, từ đó dẫn đến tổn thương cho thương mại, đầu tư và tăng trưởng toàn cầu.
“Các công ty không biết mọi việc sẽ có quy mô lớn tới đâu, và nó sẽ kết thúc như thế nào”, Jacob Parker, Phó Chủ tịch điều hành Trung Quốc của Hội đồng kinh doanh Mỹ – Trung Quốc tại Bắc Kinh, nói.
Cũng trong ngày 5/7, công ty Ford Motor cho biết, hiện tại họ sẽ không tăng giá các mẫu xe Ford và dòng xe hạng sang Lincoln tại Trung Quốc.
Theo một cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, mức thuế nhập khẩu của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Á mất đi 0,2%. Tuy nhiên, nhìn chung, ảnh hưởng toàn diện sẽ ở trong mức giới hạn.
Còn Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và các hành động đơn phương là “thiển cận”. Trong một thông cáo báo chí đưa ra ngày 6/7, Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi các quốc gia châu Âu cùng bắt tay với Trung Quốc để bảo hộ hệ thống thương mại tự do toàn cầu.
Bắc Kinh cáo buộc Washington kích động toàn thế giới thông qua việc áp thuế nhằm vào Trung Quốc, cũng như chính các đồng minh của Mỹ tại Bắc Mỹ và châu Âu.
Những căng thẳng thương mại trên đã làm náo loạn các thị trường tài chính trong những tuần gần đây, bao gồm cổ phiếu, tiền tệ và thương mại hàng hóa toàn cầu từ đậu tương cho tới than đá… Chứng khoán Mỹ có xu thế đi lên hôm 5/7, tuy nhiên, nguyên nhân được cho là do giới đầu tư hy vọng xung đột thương mại Mỹ – Châu Âu sẽ bắt đầu hạ nhiệt, sau những bình luận của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
“Đây không phải là ngày tận thế về kinh tế. Chúng ta sẽ không phải săn tìm thức ăn bằng gậy guộc. Nhưng nó đang kìm hãm một nền kinh tế toàn cầu vốn có ít động lực lâu bền hơn là những gì tỏ ra bên ngoài”, Rob Carnell, nhà kinh tế học tại tập đoàn tài chính ING đánh giá.
Không có tín hiệu về những cuộc đối thoại phút cuối
Reuters dẫn lời các nguồn tin từ Washington và Bắc Kinh cho biết, không có bằng chứng về những cuộc thương lượng phút cuối giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc.
Bắc Kinh nói, họ sẽ không “nổ phát súng đầu tiên” trong một cuộc chiến thương mại” với Mỹ. “Trung Quốc hứa không nổ phát súng đầu tiên, nhưng để bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân dân mình, Trung Quốc không có lựa chọn nào ngoài việc đáp trả nếu cần thiết”, một thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định.
Cơ quan này cũng gọi các hành động của Mỹ là ‘một sự vi phạm các luật lệ thương mại thế giới”, và cáo buộc Washington đã “khởi xướng cuộc chiến thương mại quy mô lớn nhất trong lịch sử kinh tế”.
Chen Feixiang, giáo sư kinh tế ứng dụng của Đại học Giao thông Thượng Hải đánh giá: “Chúng ta có thể nói rằng, chiến tranh thương mại đã chính thức bắt đầu. Nếu kết thúc ở 34 tỷ USD hàng hóa, nó sẽ để lại một ảnh hưởng cận biên lên cả hai nền kinh tế, nhưng nếu nó leo thang tới 500 tỷ USD như ông Trump đã nói, thì đó sẽ là một ảnh hưởng lớn cho cả hai nước”.
Theo kế hoạch, cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ sẽ thu 25% thuế từ các sản phẩm như xe máy, ổ đĩa máy tính, các bộ phận của bơm, van, máy in… Danh sách này tránh đánh thuế trực tiếp lên các hàng hóa tiêu dùng, bao gồm điện thoại, giày dép…
Theo phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Geng, các mức thuế của Mỹ sẽ tác động nhiều công ty Mỹ và nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc. Các công ty nước ngoài sản xuất 20 tỷ USD, tương đương 59% trong 34 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc phải chịu thuế suất bổ sung của Mỹ. Trong số này, đáng chú ý, có không ít các công ty của Mỹ.