Saturday, November 16, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLợn TQ tuồn về Việt Nam: Loay hoay điều tiết

Lợn TQ tuồn về Việt Nam: Loay hoay điều tiết

Một số địa phương đã có những lý giải trước tình trạng thịt lợn Trung Quốc ồ ạt tuồn về Việt Nam.

Cung không đủ cầu…

Gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh liên tiếp phát hiện nhiều thương lái ồ ạt tuồn thịt lợn Trung Quốc về Việt Nam.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo công an xã Bắc Xa (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, mới đây trên địa bàn xã đã bắt được một số trường hợp thương lái mua lợn hơi từ Trung Quốc đưa về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ.

Theo ông, nguyên nhân được đưa ra do sự chênh lệch về giá cả trong và ngoài nước. Hiện tại, giá lợn tại địa phương có thời điểm đã lên 53.000 đồng/kg, trong khi đó, bên Trung Quốc con số này chênh lệch lên tới hơn 10 giá.

Cụ thể, vào ngày 6/7, giá heo hơi tại Trung Quốc đang giữ mức giá trung bình là 11.31 nhân dân tệ/kg (39.300 đồng/kg).

Lần gần đây nhất, theo lãnh đạo Công an xã Bắc Xa, cơ quan chức năng đã bắt giữ một chuyến hàng lên tới vài tấn lợn hơi, trên đường chuyển về miền xuôi tiêu thụ.

Cùng vấn đề trên, ông Lộc Quang Thế – Trưởng Công an xã Bính Xá (huyện Đình Lập) đưa ra lý giải: “Trước đây, do giá lợn hơi giảm kịch, chỉ còn khoảng 18.000-20.000 đồng/kg, nhiều hộ đã bỏ nuôi. Sau đó 1 vài tháng trở lại đây khi lợn lại khan hiếm, giá lại tăng nhiều hộ mới tiếp tục đầu tư”.

Tuy nhiên, việc trở lại chăn nuôi của các hộ dân chưa kịp đủ về số lượng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Trước đây, nhiều hộ dân tại đây vẫn nuôi hàng chục con cho mỗi lứa, khoảng 3 tháng là có thể xuất chuồng.

“Do số lượng khan hiếm, nhiều thương lại phải vào từng nhà gom lợn, và phải đặt cọc trước cả tuần, có khi cả tháng mới mua được lợn”, vị lãnh đạo công an xã cho hay.

Hơn nữa, cũng theo ông, việc chênh lệch giá lợn giữa Việt Nam và Trung Quốc tại thời điểm hiện tại cũng là một lý do khiến các thương lái cố tình nhập lậu.

Là một chủ trang trại lợn tại Ba Vì, Hà Nội, anh Nguyễn Xuân Anh cho biết, sau đợt xuống giá “thảm khốc” gia đình anh vẫn tiếp tục chăn nuôi vì đã lỡ đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc chăn nuôi trở nên cầm chừng hơn.

“Trước đây, tôi từng có ý định sẽ mở rộng quy mô để nuôi nhưng muốn đảm bảo sự an toàn bởi mình khó định hướng được việc cung – cầu. Nuôi lợn bây giờ người ta vẫn hay thường bảo lấy công làm lãi nên mình cũng phải thận trọng”, anh Xuân Anh chia sẻ.

Hiện nay, có nhiều thương lái đã tìm đến trang trại nhà anh để đặt lợn trước, thận trọng hơn, anh Xuân Anh vẫn yêu cầu các thương lái này cam kết phải đảm bảo đầu ra trong 1 mức giá tối thiểu.

Nguyên nhân sâu xa

Đưa ra nhận định về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, việc nhập – xuất là hiện tượng bình thường, có thể giúp điều hòa được giá cả thị trường. Nhưng đó là lý thuyết, trên thực tế nó không hoàn toàn là như vậy.

Vị PGS nhấn mạnh về việc chủ trương xuyên suốt với người chăn nuôi: “Nước ta luôn nói là phát triển bền vững nhưng không bao giờ có chủ trương thế nào là bền vững. Cho nên cuối cùng ‘chăn dâu đổ đầu tằm’, người nông dân phải chịu là chính.

Nông dân là người rất dễ nhạy cảm với sự thăng trầm. Người ta vẫn thường nói ‘được mùa mất giá’, nhưng thực ra không có giải pháp gì giải quyết vấn đề ‘được mùa mất giá’ cả. Câu nói đó tưởng chừng như hay nhưng thực ra nó là tính vô trách nhiệm của quan chức nhà nước, đặc biệt là quan chức nông nghiệp”.

Vị chuyên gia đưa ra ví dụ về vai trò của việc định hướng sản xuất: “Người Trung Quốc có cả tỉ dân, họ sản xuất theo cách của họ vì vậy kinh tế thị trường giống như biển rộng. Còn ta thì sản xuất manh mún như hồ ao, nước to là dềnh lên, tràn ngập ra, hơi hạn 1 tí là cạn khô. Đấy là một cách mà Trung Quốc họ điều tiết chi phối được”.

Theo vị chuyên gia, hiện nay người nông dân đang đi vào con đường sản xuất quy mô tương đối lớn, cả trăm con, thậm chí là nghìn con nhưng đều gặp phải vấn đề về vốn, khó có khả năng tái tạo lại sức sản xuất.

Ông so sánh, tại các công ty lớn của nước ngoài, họ có nguồn dự trữ vốn, do đó có khả năng tích trữ và điều tiết giá cả, thu lợi nhuận cao.

Theo vị chuyên gia, không chỉ người dân đang loay hoay mà chính cả Nhà nước, cả một hệ thống cũng đang loay hoay trong việc định hướng, điều tiết cung và cầu trên thị trường.

“Người dân chỉ chiếm 1 thị phần bé, cùng lắm họ chỉ có 1.000 con lợn so với hàng triệu con lợn tại Việt Nam, làm sao mà họ bao quát được? Người dân chỉ biết lo lợn lớn là phải bán vì nó đã đến giai đoạn chậm lớn. Người ta biết là lỗ nhưng không làm gì được”, PGS Nguyễn Duy Thịnh phân tích.

Nói thêm về điều này, vị PGS cho rằng, người nông dân khó có thể tự đánh giá, định hướng nhu cầu thị trường để sản xuất cho phù hợp.

“Người nông dân không có thông tin để đánh giá những điều đó? Ai là người giúp họ,…Họ chỉ biết rằng họ nuôi 1.000 con thì lãi 1.000 con, nuôi 1.200 con thì lãi khoảng đó, nhưng đâu tính toán được rằng ai cũng nuôi 1.200 thì thành thừa ế”, ông dẫn giải.

RELATED ARTICLES

Tin mới