Mặc dù là nước không trực tiếp có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song là thành viên sáng lập và là một trong những trụ cột trong ASEAN, những năm qua, Singapore đã tham gia tích cực và có vai trò nhất định trong vấn đề này.
Hải quân Singapore và Ấn Độ tập trận chung ở Biển Đông (18/5/2017). Nguồn: Indianexpress
Singapore ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982
Singapore là một quốc đảo tại Đông Nam Á, nằm ngoài khơi mũi phía Nam của bán đảo Mã Lai. Mặc dù diện tích không lớn, nhưng Singapore luôn là một trong các trung tâm thương mại lớn của thế giới, với vị thế trung tâm tài chính lớn thứ tư và một trong năm cảng nhộn nhịp nhất thế giới. Singapore cũng là nơi đặt Ban thư ký APEC, là một thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á, Phong trào không liên kết và Khối Thịnh vượng chung các quốc gia. Chính sự phát triển nhanh chóng của Singapore tạo cho quốc gia này có ảnh hưởng đáng kể trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Trong vấn đề Biển Đông, mặc dù Singapore là nước không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và các nước, song nước này nhận thức rõ việc duy trì hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông và hợp tác trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Singapore. Vì vậy, Singapore đã tích cực ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, trong đó đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp trong vấn đề này; đồng thời góp phần lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Có thể khái quát về sự tham gia của Singapore trong vấn đề Biển Đông như sau:
Thứ nhất, trong các tuyên bố, phát biểu của lãnh đạo cao của Singapore (Thủ tướng Lý Hiển Long, Ngoại trưởng Shanmugam, Ngoại trưởng Vivian BalaKrishnan…) đều thể hiện lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền, song khẳng định Singapore có lợi ích và mong muốn các vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Singapore cũng cho rằng ASEAN sẽ không phân định và giải quyết vấn đề cụ thể giữa các quốc gia yêu sách chủ quyền. Thay vào đó, ASEAN có thể thiết lập một khuôn khổ mang lại các điều kiện cần thiết để các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thương lượng một giải pháp hòa bình. Tờ The Straits Times dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Singapore Shanmugam khẳng định tự do hàng hải là vấn đề quan trọng đối với sự tồn tại của Singapore với tư cách một quốc gia có chủ quyền. Trước đó (5/2014), khi phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM) tại Myanmar, Ngoại trưởng Shanmugam cũng cho rằng, leo thang căng thẳng ở Biển Đông là vấn đề “gây quan ngại nghiêm trọng” cho ASEAN và cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ hai, tại các diễn đàn song phương và đa phương, Singapore tiếp tục cho rằng ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và cần sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC mà ASEAN và Trung Quốc cùng ký kết, trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt được COC. Phát biểu với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar (5/2014), Ngoại trưởng Singapore Shanmugam chobiết: “Vì lợi ích của toàn khu vực, chúng ta cần có hòa bình chứ không phải biến cố. Những gì đang xảy ra tạo nên yêu cầu khẩn cấp hơn về việc phải có một bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông” giữa ASEAN và Trung Quốc. Singapore và ASEAN thể hiện “sự quan ngại nghiêm trọng” của các quốc gia thành viên ASEAN trước những diễn biến trên Biển Đông. Những diễn biến này “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”; kêu gọi tôn trọng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC mà Trung Quốc đã ký kết với Việt Nam năm 2002. Ngoại trưởng Singapore cũng nhấn mạnh rằng những gì đã xảy ra càng cho thấy tính cấp thiết của việc đưa ra COC. Tại phiên Tham khảo Chính trị lần thứ 9 và giao lưu hai Bộ Ngoại giao lần thứ 5 giữa Việt Nam – Singapore (8/2015), Singapore khẳng định, trong vai trò Điều phối viên (2015 – 2018), sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (12/2015), Singapore đồng ý cho Mỹ triển khai máy bay P-8 Poseidon tới Singapore, theo MOU 1990 và SFA 2005. Hai bên lưu ý rằng việc triển khai máy bay này sẽ thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa quân đội các nước trong khu vực thông qua tham gia một loạt cuộc diễn tập song phương và đa phương, đồng thời hỗ trợ kịp thời các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và thảm họa (HADR) và an ninh biển trong khu vực.
Singapore phản đối các hành động quân sự hóa và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp Biển Đông
Thứ ba, Singapore phản đối các hành động quân sự hóa và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp Biển Đông. Phát biểu trước Quốc hội Singapore (4/2016), Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi tất cả các bên cam kết phi quân sự, tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC cũng như COC. Theo ông Balakrishnan, Singapore cũng ủng hộ đề xuất “không sử dụng vũ lực” trong giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam và các nước đưa ra. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho rằng những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông hoàn toàn có thể xử lý và kiềm chế được và kết quả tốt nhất là các bên tuân thủ luật pháp quốc tế. Báo chí, truyền thông và giới nghiên cứu tại Singapore cũng đóng góp tiếng nói tích cực,thường xuyên trong việc lên án những hành động quân sự hóa, mở rộng và bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ những nỗ lực của các nước trong giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thứ tư, Singapore đã tích cực đưa ra các sáng kiến, ủng hộ các nỗ lực giải quyết các tranh chấp của các nước. Trong chuyến thăm Trung Quốc (3/2016), với vai trò là Điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết Singapore đã đề xuất một khái niệm mới được gọi là Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển mở rộng (CUES) với các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông nhằm tránh xảy ra những tính toán sai có thể dẫn đến xung đột trên biển. Singapore sẽ đóng vai trò trung lập để tạo thuận lợi cho đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan. Tại buổi thuyết trình do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) tổ chức ở Singapore (6/2014), Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nêu rõ Singapore mong muốn tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết theo cách không để các tàu đối đầu nhau và không để xảy ra nổ súng; khẳng định Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông là giải pháp tốt nhất mà Singapore hy vọng. Theo ông, bộ quy tắc này sẽ không bao giờ đạt được nếu các bên tranh chấp còn cáo buộc lẫn nhau về vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông bởi các bên tranh chấp cứ nghĩ rằng tại sao phải nhất trí thỏa thuận mới khi thỏa thuận cũ đã bị vi phạm.
Thứ năm, Singapore là nước ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (7/2016). Sau khi Tòa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với Biển Đông, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi bản án là “một tuyên bố mạnh mẽ” về luật pháp quốc tế trong tranh chấp hàng hải và khuyến các bên ủng hộ và thực thi. Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh (9/2016) đã phản đối việc Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng chính phủ Singapore đã lên tiếng ủng hộ phán quyết mà Tòa và cho rằng Trung Quốc không có chủ quyền pháp lý lẫn chủ quyền lịch sử ở Trường Sa.
Xu hướng chính sách của Singapore về Biển Đông thời gian tới
Hiện nay, Singapore đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2018 và vai trò nước điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Giới quan sát cho rằng Singapore sẽ tiếp tục duy trì quan điểm trung lập do không phải là một bên tranh chấp chủ quyền, nhằm tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc và tránh là gia tăng căng thẳng trong nội khối về vấn đề này. Tuy nhiên, để không làm giảm vai trò là đối tác của Mỹở khu vực và là thành viên tích cực của ASEAN, Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không teo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tiếp tục kêu gọi phi quân sự hóa, thúc đẩy đàm phán COC và các công cụ giảm thiểu nguy cơ va chạm bất ngờ trên biển. Singapore có thể tiếp tục ủng hộ quan điểm của Mỹ trong giải quyết vấn đề Biển Đông, cũng như những nỗ lực quốc tế hóa vấn đề này trong bối cảnh Trung Quốc muốn hạn chế trong phạm vị các nước liên quan trực tiếp và gia tăng hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Ngoài ra, Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy đưa vào công cụ giúp giảm căng thẳng Biển Đông như Bộ quy tắc ứng xử trong các vụ đụng độ không báo trước trên biển (CUES), đẩy nhanh quá trình đàm phán và đạt được COC giữa ASEAN và Trung Quốc.