Hai năm sau Phán quyết của Toà Trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (7/2016), Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự hóa, xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Điều này đang đe dọa nền hòa bình và an ninh quốc tế. Đó là nhận định của ông Bill Hayton, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) đưa ra hôm 11/7.
Trung Quốc tập trận tấn công tên lửa trên Biển Đông (6/2018). Nguồn: Betonpolitics
Bill Hayton là chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Biển Đông: Cạnh tranh quyền lực ở Châu Á (South China Sea: The Struggle for Power in Asia). Theo chuyên gia Bill Hayton, Phán quyết của Toà Trọng tài (7/2016) đã bác bỏ hoàn toàn “quyền lịch sử đối với tài nguyên trong “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, khẳng định các cấu trúc (thực thể địa lý) thuộc Trường Sa không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo tuyên bố của Trung Quốc, đồng thời kết luận các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây hại cho môi trường biển và làm trầm trọng thêm tranh chấp. Tuy nhiên kể từ sau Phán quyết đến nay, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông về cơ bản không hề thay đổi và ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn.
“Trung Quốc đang tạo một mối đe dọa cho hòa bình và an ninh quốc tế”
Thứ nhất, chuyên gia Bill Hayton cho rằng điều đáng bị lên án là trong thực tế, Trung Quốc vẫn đang sử dụng ưu thế về lực lượng quân sự để gia tăng sự uy hiếp, hòng gây sức ép đối với các nước láng giềng để buộc các nước này phải nhượng bộ đối với các yêu sách của Trung Quốc. Điều đó thực sự đã tạo một mối đe dọa cho hòa bình và an ninh quốc tế.
“Sử dụng danh nghĩa cùng khai thác để đòi hỏi tài nguyên các nước”
Thứ hai, Phán quyết của Tòa nêu rõ Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với cái gọi là Khu đặc quyền kinh tế (EEZ) ở quần đảo Trường Sa và Bãi cạn Scarborough. Điều đó có nghĩa rằng phần lớn các nguồn tài nguyên ở Biển Đông thuộc về các quốc gia ven biển như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Indonesia. Tuy nhiên, theo chuyên gia Bill Hayton, Trung Quốc đang tiếp tục gây áp lực buộc các nước này phải nhượng bộ Trung Quốc về khai thác dầu khí và hải sản. Đáng chú ý, dưới cái danh nghĩa “cùng khai thác”, Trung Quốc đang tiếp tục đòi hỏi một phần tài nguyên của các quốc gia đó mặc dù Tòa đã phán quyết rõ ràng những yêu cầu đó hoàn toàn trái với UNCLOS. Vào tháng 5/2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố công khai rằng Trung Quốc đã đe dọa chiến tranh nếu Philippines cố gắng khai thác lượng khí đốt lớn trong khu vực biển được gọi là bãi Cỏ rong (Reed Bank). Các mỏ khí hiện tại của Philippines được dự báo sẽ bắt đầu cạn kiệt trong vòng 5 năm tới và quốc gia này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Trong khi đó, các mối đe dọa quân sự của Trung Quốc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với chính phủ Philippines.
Chuyên gia Bill Hayton kết luận, hiện nay UNCLOS là nền tảng cho hòa bình và an ninh quốc tế, được hầu hết các quốc gia ở Liên hợp quốc tham gia. UNCLOS cung cấp một cơ chế trung lập để phân bổ tài nguyên hàng hải của thế giới. Trên cơ sở UNCLOS, Phán quyết của Tòa (7/2016) đã làm sáng tỏ sự thật đúng sai của một loại tranh chấp do việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 để đưa ra các yêu sách phi lý, vi phạm đến các quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan trong khu vực Biển Đông. Đồng thời, nó cũng tạo dựng niềm tin của nhân loại đối với vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế của Liên hợp quốc trong việc tham gia giải quyết các tranh chấp phức tạp trên Biển Đông. Tuy nhiên, những gì chúng ta đang thấy ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang tìm mọi cách để lật đổ nó. Thực tế, Trung Quốc đang triển khai sức mạnh quân sự để lật đổ các quyền hợp pháp được trao cho các nước khác. Nếu Trung Quốc làm được điều này, UNCLOS sẽ bị suy yếu ở mọi nơi, không chỉ ở Biển Đông. Nếu một quốc gia như Trung Quốc có thể xử lý các điều ước quốc tế đơn giản chỉ là “mẩu giấy thải” thì sẽ không có thỏa thuận nào an toàn và luật pháp quốc tế sẽ bắt đầu bị phá vỡ. Do đó, điều bắt buộc là tất cả các bên tham gia ký kết UNCLOS cần lên tiếng bảo vệ nó khỏi các mối đe dọa, điển hình là hành động vi phạm Phán quyết của Trung Quốc.