Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngTìm thấy nước ngọt trên đá Chữ Thập: TQ đang tung hỏa...

Tìm thấy nước ngọt trên đá Chữ Thập: TQ đang tung hỏa mù và phản bác phán quyết của Tòa trọng tài

Một số diễn đàn quân sự Trung Quốc (11/7) tán phát tin cho rằng Bắc Kinh đã phát hiện nước ngọt trữ lượng lớn trên đá Chữ Thập (quân đảo Trường Sa của Việt Nam). Theo đó, chất lượng nước ngọt có thể đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu, chăn nuôi và trồng trọt trên đá Chữ Thập. Các trang mạng trên tuyên truyền rằng việc tìm thấy nước ngọt trên đảo có “ý nghĩa quan trọng”, mang lại nguồn cung nước ngọt dồi dào và lâu dài cho việc “duy trì chiếm giữ đảo”; giúp Chính phủ Trung Quốc tiết kiệm một lượng lớn ngân sách trong việc mua và vận chuyển nước ngoạt, thực phẩm từ đất liền ra đảo; “nâng cao tinh thần và sức chiến đấu của binh lính Trung Quốc đang đóng quân (phi pháp) trên đá Chữ Thập”.

Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp

Trung Quốc cố tình tung hỏa mù về việc tìm thấy nước ngọt để thực hiện ý đồ chiến lược ở Biển Đông

Đầu tiên, Bắc Kinh cố tình tuyên truyền vê việc tìm ra nước ngọt trên đá Chữ Thập nhằm phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và tìm cách khẳng định đá Chữ Thập là “đảo” theo quy định của UNCLOS.

Theo phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016), đá Chữ Thập không phải đảo và nó không tạo ra yêu sách “chủ quyền” 200 hải lý cho Trung Quốc; đồng thời Tòa cũng nhấn mạnh rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.

Theo Điều 121 về “chế độ các đảo” của UNCLOS quy định: “Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”.

Từ hai khía cạnh trên, Trung Quốc cố tình tuyên truyền việc tìm thấy nước ngọt trên đá Chữ Thập và trữ lượng nước ngọt đủ lớn để cung cấp, phục vụ nhu cầu dân sinh thiết yếu và sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi…) nhằm khẳng định “đá chữ Thập là đảo thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng nên nó có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Từ đó, Bắc Kinh sẽ đưa ra những lập luận phản bác lại phán quyết của Tòa và đòi hỏi yêu sách “chủ quyền” 200 hải lý đối với đá Chữ Thập.

Thứ hai, việc Bắc Kinh tuyên truyền thông tin trên là nhằm định hướng dư luận trọng nước về việc cải thiện đời sống binh lính đang đồn trú phi pháp ở đá Chữ Thập. Đây cũng có thể là bước đầu trong chiến lược động viên, đưa người dân ra sinh sống trái phép trên các thực thể nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa.

Thứ ba, thông tin tuyên truyền trên do một số trang mạng phi chính thống (chủ yếu là các diễn đàn quân sự nhỏ) đăng tải cho thấy Trung Quốc cũng muốn thăm dò phản ứng của các nước liên quan. Trước đây, với những thông tin mang tầm “chiến lược” như vậy, hệ thống truyền thông và các quan chức ngoại giao, quốc phòng Trung Quốc đã tung hô rầm rộ, song lần này Bắc Kinh không dám để các quan chức Chính phủ, các cơ quan thông tấn, truyền thông chính thông đưa tin liên quan. Hành động này tạo nghị vấn cho cộng đồng quốc tế về tính xác thực của nguồn tin.

Về khía cạnh khoa học, đá Chữ Thập có thể có nước ngọt hay không?

Nước ngọt được hiểu là nước chứa ít hơn 0,5 phần nghìn các loại muối hòa tan. Các khối nước ngọt trong tự nhiên có phần lớn các hồ và ao, sông, một số khối nước ngầm cũng như nhiều khối nước ngọt chứa trong các vật thể do con người tạo ra, chẳng hạn các kênh đào, hào rãnh và hồ chứa nước nhân tạo. Nguồn chủ yếu tạo ra nước ngọt là giáng thủy từ khí quyển trong dạng mưa hay tuyết. Theo ước tính, 97% nước trên Trái Đất là nước muối, chỉ 3% còn lại là nước ngọt nhưng gần hơn 2/3 lượng nước này tồn tại ở dạng sông băng và các mũ băng ở các cực.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có đá Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Đài Loan chiếm đóng phi pháp) đã tìm thấy nguồn nước ngọt trên đá, song nguồn nước này cũng không đủ để phục vụ nhu cầu đời sống dân sinh và các hoạt động kinh tế tự chủ. Tại một số đảo như Nam Yết, Song Tử Tây, Trường Sa cũng có một số túi nước ngọt ngầm ở tầng nông, hình thành khi nước mưa ngấm xuống. Tuy nhiên, trữ lượng và chất lượng loại nước này thay đổi theo không gian – thời gian và bị lẫn tạp chất ở tầng đất mặt cũng như lẫn nước biển.

Trong khi đó, đá Chữ Thập chỉ là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm ở vị trí cách biệt với các thực thể khác của quần đảo, nằm về phía Tây Nam của bãi san hô Tizard (Tizard Bank) thuộc cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm Trường Sa. Rạn san hô trên có chiều dài tính theo trục Đông Bắc-Tây Nam là 14 hải lý (25,93 km) và chiều rộng là 4 hải lý (7,4 km); tổng diện tích đạt 110 km². Rạn trên có một tảng đá cao 1m nổi lên ở phần đuôi phía Tây Nam và đá này chìm dưới nước khi thuỷ triều lên. Từ cấu tạo và vị trí của đá Chữ Thập cho thấy đá này không thể có nước ngọt ở dưới tầng địa chất.

Nhìn chung, từ những khía cạnh đã phân tích ở trên cho thấy đá Chữ Thập không thể có nước ngọt, chứ đừng nói đến việc tìm thấy trữ lượng lớn nước ngọt đủ để phục vụ binh lính và hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Trung Quốc cố tình tung hỏa mù, đưa tin sai sự thật là nhằm tìm cách phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài và tuyên truyền, định hướng dư luận trong nước.

Cho đến nay, ta có thể khẳng định chắc chắn rằng, đá Chữ Thập là đá, nó thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, và đương nhiên, nó không tạo ra yêu sách chủ quyền 200 hải lý.

RELATED ARTICLES

Tin mới