Thursday, May 9, 2024
Trang chủBiển nóngNhìn lại tác động phán quyết của Tòa Trọng tài đối với...

Nhìn lại tác động phán quyết của Tòa Trọng tài đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Phán quyết của Tòa trọng tài trong Philippines kiện Trung Quốc liên quan “đường 9 đoạn” có ý nghĩa quan trọng, tác động đến sự pháp triển của luật biển quốc tế, cũng như việc đàm bảo hòa bình, ổn định và thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Đá Chữ Thập của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và cải tạo thành đảo nhân tạo

Về mặt ý nghĩa: Phán quyết của Tòa trọng tài có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sáng tỏ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Phán quyết của Tòa đã làm sáng tỏ nhiều quy định còn mập mờ của UNCLOS như quy chế đảo đá và quan hệ giữa Công ước và các quy định khác về quyền trên biển.

Điều 121 quy định: “Chế độ các đảo: (1) Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. (2) Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. (3) Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”. Tuy nhiên, Trung Quốc đang cố tình áp dụng sai các nội dung của Điều 121 khi cho rằng các đá, bãi cạn ở Trường Sa là đảo và chúng tạo ra yêu sách “chủ quyền” 200 hải lý. Trong phán quyết mang tính lịch sử này, Tòa lần đầu tiên giải thích một cách cặn kẽ nội hàm của Điều 121(3), tạo ra một điểm quy chiếu có giá trị để các cơ quan tài phán, các quốc gia và giới học giả thảo luận, xem xét nhằm hướng đến việc đạt được một sự đồng thuận nhất định về nội hàm đảo đá, từ đó giảm thiểu việc viện dẫn, áp dụng sai các quy định liên quan của UNCLOS.

Ngoài ra, phán quyết cũng có ý nghĩa to lớn trong việc tạo cơ sở pháp lý để cộng đồng quốc tế hợp tác, ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông như: Hợp tác đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực không bị cản trở do các hoạt động cải tạo, quân sự hóa của Trung Quốc gây ra; hợp tác bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống và đa dạng sinh học ở Biển Đông…

Về tác động đến tình hình tranh chấp ở Biển Đông: Phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines đã tạo ra nhiều tác động tích cực đến tranh chấp ở Biển Đông. (1) Phán quyết là cơ sở pháp lý rõ ràng để bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết được đưa ra bởi một cơ quan tài phán được thành lập theo đúng quy định của Công ước. Phán quyết có giá trị chung thẩm và ràng buộc cả Philippines và Trung Quốc, bất kể Trung Quốc có chấp nhận hay không chấp nhận, có tuân thủ hay không tuân thủ nó. (2) Phán quyết đã xóa bỏ khả năng tạo ra vùng biển rộng hơn 12 hải lý từ các đảo ở quần đảo Trường Sa và nó trực tiếp làm giảm các yêu sách chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông giữa các bên tranh chấp. Ngoài ra, phán quyết cũng làm sáng tỏ phạm vi vùng biển tranh chấp. Trước đây với yêu sách “đường chín đoạn”, Trung Quốc đã tạo ra một vùng biển tranh chấp rộng chiếm 80% diện tích toàn Biển Đông. Việc các quốc gia yêu sách 200 hải lý từ các đảo ở quần đảo Trường Sa cũng tạo ra vùng biển tranh chấp rộng lớn khi chồng lấn với yêu sách hợp pháp từ đất liền. Phán quyết đã giới hạn phạm vi vùng biển tranh chấp chỉ ở những khu vực mà yêu sách biển tính từ đất liền hay từ các đảo chồng lấn lên nhau. (3) Phán quyết đóng vai trò chỉ dẫn cho các nước xác định rõ hơn và chính xác hơn phạm vi yêu sách chủ quyền lãnh hổ của mình đối với các thực thể trên Biển Đông. Tòa đã xác định được quy chế pháp lý của một số thực thể và khẳng định một số thực thể là bãi lúc nổi lúc chìm không thể là đối tượng của thụ đắc lãnh thổ. Cụ thể, các quốc gia trong tranh chấp không có quyền yêu sách chủ quyền lãnh thổ với bãi Xu Bi (Subi Reef), bãi Ga-ven (cụm phía Nam), bãi Tư Nghĩa (Hughes Reef), bãi Vành Khăn (Mischief Reef) và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Điều này làm cho các nước liên quan phải rút bớt các yêu sách chủ quyền mà họ từng đưa ra đối với bãi lúc nổi lúc chìm, bãi chìm và chỉ yêu sách chủ quyền đối với các đảo. (4) Phán quyết sẽ tác động dài hạn đến quan điểm, cách hành xử và các cuộc đàm phán thực chất trong tương lai giữa các bên. Các kết luận và lập luận chặt chẽ của phán quyết sẽ đóng vai trò định hướng quan trọng trong việc định hình lại quan điểm của các bên. Không những thế với lập luận chặt chẽ và kết luận hợp lý phán quyết có thể đóng vai trò như một nền tảng nhận thức chung về bản chất pháp lý của tranh chấp ở Biển Đông giữa các bên và ASEAN. (5) Phán quyết là một cơ sở pháp lý vững chắc giúp Việt Nam có ưu thế trong đàm phán, đấu tranh với Trung Quốc nhằm bác bỏ, vô hiệu hóa yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Đồng thời phán quyết là cơ sở cho Việt Nam bảo vệ quyền hợp pháp của mình trên các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước. Ngoài ra, phán quyết cũng tạo tiền đề cơ sở pháp lý để Malaysia, Indonesia và Brunei đều có thể đơn phương kiện Trung Quốc về các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông. (6) Mỹ và một số nước có thể ủng hộ các nước Đông Nam Á trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn, thẳng thừng hơn. Trước đây họ còn bị ràng buộc, ít nhất là trên danh nghĩa, bởi nguyên tắc “không thiên vị bên nào trong tranh chấp”, song nay với phán quyết này, các nước lớn có thể danh chính, ngôn thuận để can dự vào tranh chấp Biển Đông.

Việt Nam tuân thủ nghiêm phán quyết của Tòa Trọng tài: Chủ trương của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là UNCLOS. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các nước khác, liên quan đến tự do hàng hải thì cần có sự bàn bạc của các bên liên quan. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức nhau như trung gian hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc Tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các Tòa Trọng tài.

Trong khi chờ đợi một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC): nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và thực tiễn quốc tế, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và khuyến khích các bên xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tóm lại, phán quyết của Tòa trọng tài không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc giải thích, làm sáng tỏ các quy định liên quan việc xác định đảo, đá, bãi cạn ở Biển Đông, mà nó còn có tác động lớn đến việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trong khu vực. Việt Nam là một nước thành viên của UNCLOS, luôn tuân thủ và thực thi các quy định của luật pháp quốc tế. Hành động này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

RELATED ARTICLES

Tin mới