Monday, May 6, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 24/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 24/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 24/07/2018.

Tổng thống Duterte thề quyết tâm bảo vệ Biển Đông

Ngày 23/7, Rappler đưa tin, trong Tuyên bố quốc gia lần thứ ba năm 2018 trước Quốc hội Philippines, Tổng thống Philippines Duterte đã thề sẽ bảo vệ Biển Đông. Theo đó, ông Duterte khẳng định “mối quan hệ với Trung Quốc được tăng cường không có nghĩa là chúng ta sẽ dao động trong cam kết bảo vệ lợi ích của chúng ta ở Biển Đông”. Đồng thời, Tổng thống Duterte nhấn mạnh Philippines sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, mà giới chỉ trích cho rằng chính sách này chỉ độc lập với Mỹ, trong khi vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát mới đây, 80% số người Philippines được hỏi đều trả lời chính quyền Duterte đã sai khi không làm gì trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Indonesia có thể đưa vấn đề an ninh Biển Đông ra Hội đồng Bảo an

Theo tin từ Malaysia Kini ngày 24/7, trước việc lần thứ tư giành được ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm tới, Indonesia mang đến hứa hẹn sẽ kết nối cộng đồng thế giới trong việc tìm ra giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông.

Rashila Ramli – Giáo sư Khoa học Chính trị, Giám đốc Đại học Quốc gia Malaysia, cho biết nếu nhìn lại lịch sử Biển Đông, vấn đề an ninh chưa từng tồn tại cho đến năm 1948 khi Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường chín đoạn” chiếm phần lớn vùng biển này. Trong một cuộc phỏng vấn với Bernama gần đây, bà Ramli khẳng định “biển cả phải được tất cả nhân loại cùng bảo vệ, phát triển, không phải là thứ để ai cũng có thể chiếm giữ”. Giáo sư Rashila Ramli cho rằng, trong bối cảnh an ninh đáng báo động, Indonesia cần thúc đẩy đưa tiến trình “phi an ninh hóa” ra diễn đàn quốc tế để thảo luận về hòa bình và hợp tác giữa các nước thành viên Hội đồng Bảo an. Biển Đông không chỉ là tranh chấp lãnh thổ mà còn là vấn đề hòa bình và ổn định trên biển. Với cách nhìn đó, Indonesia có thể tận dụng cơ hội này tại Hội đồng Bảo an.

Bên cạnh đó, bà Ramli cũng cho rằng yêu cầu cấp thiết về việc thúc đẩy hòa bình ở Biển Đông cần phải song hành với Các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDG) của Liên hợp quốc. Bà Ramli cho rằng “Những gì Indonesia có thể làm ở đây là cố gắng thúc đẩy hòa bình, đồng thời làm cho thế giới hiểu rằng tranh chấp có thể tồn tại nhưng cũng có thể được giảm thiểu hết mức. Tức là, nếu Hội đồng Bảo an tạo ra được một mối liên kết mạnh mẽ giữa Các Mục tiêu phát triển bền vững và an ninh, vấn đề Biển Đông sẽ là mục tiêu đáng để chúng ta đấu tranh”.

Cùng chia sẻ quan điểm này, Fajri Matahati Muhamadin, giảng viên Đại học Gadjah Mada (Indonesia) bày tỏ tin tưởng rằng, dù có dấu hiệu phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc, lập trường của Indonesia tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tạo ra sự khác biệt quan trọng trong giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông.

Mỹ kêu gọi Australia thay Trung Quốc tiếp quản các hòn đảo tranh chấp

Ngày 24/7, The Australian đưa tin, trả lời phỏng vấn trước thềm Diễn đàn Tham vấn cấp Bộ trưởng Australia – Mỹ ngày 24/7, Thượng nghị sĩ Joe Courtney, Đồng Chủ tịch Hội những người bạn của Australia trong Quốc hội Mỹ, đã kêu gọi Australia tiến hành hoạt động tự do hàng hải chống lại Trung Quốc ở Biển Đông nhằm thay đổi cán cân chiến lược ở khu vực. Ông Courtney cho rằng sẽ “có một chút đáng sợ” đối với Australia nếu tiến hành bước đi này, nhưng cần thiết phải gửi một thông điệp để Bắc Kinh thấy được quyết tâm của các nước đồng minh trước các hành động phi pháp của Trung Quốc.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Courtney ngay lập tức bị Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop từ chối bởi đó sẽ là “bước đi quá sức” đối với Australia nếu tiến hành hoạt động tự do hàng hải đơn phương để chống lại Trung Quốc trong khi Canberra chưa từng thực hiện hoạt động nào như vậy trước đây.

RELATED ARTICLES

Tin mới