Sunday, December 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLý do Triều Tiên mềm với Mỹ-Hàn nhưng 'cứng' với Nhật

Lý do Triều Tiên mềm với Mỹ-Hàn nhưng ‘cứng’ với Nhật

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã “hạ giọng” với Mỹ và Hàn Quốc ở thời điểm nhà lãnh đạo Kim Jong Un theo đuổi biện pháp ngoại giao mới. Tuy nhiên, cách đối xử của Triều Tiên với Nhật Bản dường như không có chút xê dịch.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đánh giá kể từ đầu năm 2018, truyền thông Triều Tiên đã “cắt giảm” việc chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in.

Trong khi đó, thời gian qua truyền thông Triều Tiên chỉ trích Nhật Bản do đối xử bất công với cộng đồng người gốc Bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng còn khiển trách Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono bởi ông này đề xuất rằng Tokyo có thể chi trả cho việc kiểm định quá trình phi hạt nhân của Triều Tiên.

Trên thực tế, Bán đảo Triều Tiên từng là thuộc địa của Nhật Bản trong thời kỳ từ năm 1910-1945 và mối quan hệ không mấy thân thiện giữa hai phía đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Nhật Bản và Triều Tiên chưa bao giờ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. 

Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên trong tuần trước đăng bài bình luận trong đó miêu tả Nhật Bản “bất lực” trong lĩnh vực ngoại giao và chính trị. Nhắc đến lịch sử, cây bút của tờ Rodong Sinmun cho rằng Nhật Bản cần chân thành xin lỗi và bồi thường cho tội ác trong quá khứ. 

Việc Triều Tiên “nặng giọng” với Nhật Bản lại khiến cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều “mát lòng” bởi có chung định kiến về Tokyo. Điều này đều xuất phát từ lịch sử giữa các quốc gia Đông Á này.

Hãng thông tấn AP đánh giá trong những tháng gần đây, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ, Hàn Quốc và đến thăm Trung Quốc vài lần đã khiến Nhật Bản thất “sốt ruột”.

Về phần Nhật Bản, từng có thông tin rằng Thủ tướng Shinzo Abe cân nhắc gặp song phương với nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Tuy nhiên, ông vẫn vững vàng với chính sách cứng rắn tạo áp lực kinh tế và chính trị lên Triều Tiên. 

Trong tháng 9 tới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên tại một diễn đàn tổ chức ở Vladivostok (Nga). Đây cũng là nơi nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp thượng đỉnh.

Trong khi đó, quan điểm của công chúng Nhật Bản với Triều Tiên không mấy thiện cảm. Triều Tiên từng vài lần phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un từng cam kết với Tổng thống Trump dừng thử tên lửa tầm xa để làm nguôi mối nguy hại với lãnh thổ Mỹ.

Tuy nhiên, mối lo ngại thực sự với Nhật Bản lại là tên lửa tầm trung của Triều Tiên. Thủ tướng Abe vẫn canh cánh về vấn đề hàng chục công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước trong khi Bình Nhưỡng khẳng định vấn đề này đã được giải quyết.

Các chuyên gia đánh giá vấn đề lớn nhất hện nay là Nhật Bản có thể phải đối mặt với việc mất hàng tỉ USD khi Triều Tiên yêu cầu quốc gia này đền bù cho thiệt hại trong thời kỳ là thuộc địa của Tokyo.

Mặc dù Nhật Bản khẳng định vấn đề này đã được xử lý từ rất lâu nhưng việc mối quan hệ giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ dần trở nên tích cực hơn thì Tokyo đang chịu áp lực để dàn xếp vấn đề quá khứ nhằm giải quyết “mối quan hệ đóng băng” với Bình Nhưỡng.

RELATED ARTICLES

Tin mới